Nguyễn Du (1765-1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc lớn, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Tể tướng 15 năm trong triều Lê. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc, rất giỏi hát xướng. Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản là một người tài hoa, làm quan tới chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê Trịnh. Nguyễn Du sống ở thời đại đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam, đó là sự kì khủng hoảng trầm trọng, giai cấp thông trị thối nát, tham lam, tàn bạo, các tập đoàn phong kiến (Lê - Trịnh- Nguyễn) chém giết lẫn nhau. Nông dân nổi dậy khởi nghĩa ở khắp nơi, đời sống nhân dân khổ cực, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, tiêu biểu là phong trào Tây Sơn mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Huệ. Những yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, nhận thức của Nguyễn Du. Ông sớm lâm vào cảnh mồ côi (9 tuổi cha mất, 12 tuổi mẹ mất), phải sống phiêu bạt nhiều năm, lúc thì quê nội, khi quê ngoại, có những lúc phải lang thang cùng với anh Nguyễn Khản. Chính hoàn cảnh ấy đã tạo nên con người Nguyễn Du, một con người có hiểu biết rộng rãi, am tường văn học, có vốn sống vô cùng sâu sắc.