Văn học là nhân học”, “Văn là người”,… những mệnh đề đã trở nên quen thuộc nhưng không phải lúc nào cũng thuyết phục bởi giữa con người văn chương và con người thế sự đời thường của nhà văn thường tồn tại những khoảng cách nhất định. Ấy vây, với nhà văn Thạch Lam, những điều ấy lại rất chuẩn xác. Nhà thơ Thế Lữ từng nhận xét: “Không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó”. Những tác phẩm của ông nhẹ nhàng mà tinh tế, bao chứa tình cảm lớn và tư tưởng lớn về con người và cuộc đời. Điều này được thể hiện rất rõ qua nhân vật mẹ Lê trong truyện ngắn “Nhà mẹ Lê”.
“Nhà mẹ Lê” nằm trong tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”. Tác phẩm là câu chuyện về số phận những người dân ngụ cư mà trung tâm là mẹ Lê và mười một đứa con. Xuyên suốt tác phẩm, Thạch Lam kể về cuộc sống của gia đình mẹ Lê khi chuyển đến sống tại Đoàn Thôn từ những ngày vui sướng, yên ấm đến những ngày nghèo khổ, thiếu thốn nhất. Nhân vật chính mẹ Lê được tác giả khắc họa đầy đủ trên các khía cạnh: hoàn cảnh xuất thân, ngoại hình, tính cách và số phậnNhân vật mẹ Lê thật đặc biệt. Đặc biệt bởi Thạch Lam có hướng đi khác với những thành viên còn lại của Tự lực văn đoàn. Ông không chỉ viết về những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản mà còn hướng ngòi bút vào những người lao động bình dân, chân lấm tay bùn. Mẹ Lê xuất thân là một người phụ nữ nông thôn. Chồng mất sớm, để lại một mình mẹ Lê nuôi mười một người con, trong đó đứa lớn mới có mười bảy tuổi và đứa bé nhất hãy còn bế trên tay. Đàn con nheo nhóc ấy khiến người dân Đoàn Thôn phải giật mình chú ý khi thấy bác ta. Nghèo lại đông con, mẹ Lê vắt kiệt bản thân mình để chăm lo cho gia đình nhỏ. Những chi tiết ấy cho thấy sự lạc hậu, nghèo khổ cùng hạn chế trong nhận thức của những người dân quê lúc bấy giờ. Không chỉ nghèo, bác ta còn đèo bòng thêm cái phận “dân ngụ cư” rẻ rúng, phải làm thuê để kiếm sống. “Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng”. Gia tài của mẹ Lê chỉ là căn nhà lá, trong nhà có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. “Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.” Ngôi nhà là tổ ấm của con người, là nơi che mưa che nắng. Ấy thế mà mái nhà của bác lại chỉ được ví với ổ rơm. Hình ảnh người đàn bà hiện lên cô độc, vất vả quá đỗi khiến người đọc không khỏi cảm thương. Thân phận con người sao mà đáng thương, nhỏ nhoi, bạc bẽo đến thế!
Ngoại hình của mẹ Lê càng tô đậm vẻ khắc khổ của nhân vật này. Mẹ Lê “có ngoại hình chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô.”. Đó là dung mạo của một người đã quen lao động, dù thân thể nhỏ bé nhưng cáng đáng được nhiều việc cực nhọc. Cuộc sống khó khăn cùng đàn con đã khiến người phụ nữ “nhăn nheo như một quả trám khô”, đen đúa và gầy còm. Hình ảnh mẹ Lê khiến ta liên tưởng đến thân cò trong câu ca dao xưa:
“Cái cò là cái cò con
Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà”
“Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay”
Với hoàn cảnh xuất thân và ngoại hình như vậy, nhân vật mẹ Lê là hiện thân của những người dân nghèo lầm lũi, bấp bênh đi bên lề của cuộc sống như những cái bóng tối tăm. Không ồn ã, khoa trương hay bình phẩm, Thạch Lam miêu tả mẹ Lê với những chi tiết ngắn ngủi, giản đơn mà vẫn làm sống dậy hiện thực tàn khốc đương thời đang ngấm ngầm gặm nhấm số phận con người.
Là một nhà văn “có hệ thống dây tơ nhạy bén đến độ có thể thu nhận được sự thay đổi về cường độ ánh trăng hay âm sắc các loại lá khi khô rụng xuống đất”, Thạch Lam luôn tìm ra những chiều sâu khuất lấp ở con người và vạn vật. Ông đã phát hiện ra chiều sâu tâm hồn, nét đẹp phẩm chất ngời lên ở những con người nghèo khổ như mẹ Lê và biến chúng thành điểm nhấn của tác phẩm. Thạch Lam “tả người nghèo mà không muốn cho độc giả thấy những mảnh rách, những mụn vá trên quần áo của họ” (Lại Nguyên Ân). Chính vì điều ấy mà “Nhà mẹ Lê” được nhiều người nhận xét là một tác phẩm hiện thực giàu tinh thần nhân đạo được viết bởi cây bút lãng mạn. Đầu tiên, mẹ Lê là người yêu thương gia đình và con cái hết mực, sẵn sàng hi sinh tất cả vì những người thân yêu. Giọt nước mắt hạnh phúc vẫn ngời lên trong những ngày gian khó bởi các con của bác vẫn còn được ăn no. Hình ảnh mọi người quây quần bên nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh cho thấy sự đầm ấm, tràn đầy tình yêu thương của gia đình này. Khung cảnh “Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngôì chơi ở trước cửa nhà” là hình ảnh rất đỗi nên thơ, đẹp tựa bức tranh. Những đứa trẻ bị lở đầu do căn bệnh gia truyền từ đời tam đại nên bác phải lấy phẩm xanh bôi cho chúng. Mẹ và con quấn quýt như một đàn gà, tình cảm và yên vui biết bao. Không chỉ nhà mẹ Lê mà không khí của cả phố cũng tươi sáng như thế. “các bà mẹ ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo; các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già thì ngồi giũ tóc cho chúng và gọ