Dưới thời đại phong kiến, số phận người phụ nữ luôn là tấm gương oan khổ của những éo le, bất công trong xã hội. Không được hưởng quyền sống tự do, bình đẳng, người phụ nữ xưa bị kìm kẹp bởi chuẩn mực tam tòng tứ đức, bởi chế độ trọng nam khinh nữ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã sử dụng ngòi bút của mình để lên án những bất công đó, trong đó có Hồ Xuân Hương với tác phẩm “Bánh trôi nước”.
Bài thơ “Bánh trôi nước” mở đầu với mô típ quen thuộc “thân em” – đây là mô típ thường thấy trong ca dao than thân, là lời than thở về cuộc đời người phụ nữ. Bằng hai câu thơ đầu, Hồ Xuân Hương gợi tả hình dáng bên ngoài và đặc điểm bên trong của bánh trôi:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Bánh trôi có màu trắng từ bột nếp, được nhào nặn tròn trịa rất xinh xắn. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi liên tưởng đến cuộc đời long đong, lận đận, gặp nhiều gian truân. Từ “với” làm cho mối quan hệ giữa “bảy nổi ba chìm” với “nước non” trở nên gần gũi hơn. Đó là sự liên kết giữa cuộc đời người phụ nữ với sóng gió, thử thách, gian truân của cuộc đời. Qua đó, ta rút ra được nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi và cuộc đời người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên qua hai câu thơ đầu hiện lên với vẻ đẹp dịu dàng, nết na nhưng cuộc đời gặp nhiều bất công, gian truân.
Hai câu thơ tiếp theo nói lên nỗi lòng của người phụ nữ:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Câu thơ mang hai nghĩa: bề ngoài biến động, phía trong giữ vững, hay là chịu thương chịu khó dù gặp cảnh ngộ nào cũng giữ tấm lòng son. Chiếc bánh trôi đen vì bên trong làm bằng đường thẻ, khi luộc trong nước sôi, mật đường cánh kẹo lại, phủ lên chiếc bánh một màu nâu đen. Nhưng dù rắn hay nát, bên trong vẫn là tấm lòng son. Người phụ nữ dù bị chà đạp, vùi dập, bất hạnh, họ vẫn giữ vẹn nguyên tấm lòng thủy chung, son sắt của mình. Hồ Xuân Hương đã khéo léo sử dụng câu thành ngữ “Bảy nổi ba chìm” để tạo ra một lớp nghĩa biểu tượng sâu sắc. Với việc sử dụng hình ảnh chiếc bánh trôi nước, nhà thơ đã gián tiếp phản ánh số phận éo le, trắc trở, phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời, bà cũng khẳng định phẩm chất cao quý của họ.
Như vậy, bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương là một tác phẩm giàu giá trị nhân đạo. Tác phẩm đã thể hiện sự cảm thương sâu sắc đối với số phận người phụ nữ, đồng thời tố cáo xã hội phong kiến bất công, trọng nam khinh nữ.