Tế Hanh là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Ông có nhiều sáng tác độc đáo, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả, trong đó phải kể đến Quê hương. Với đôi mắt quan sát tinh tế cùng ngòi bút miêu tả chân thực, sinh động kết hợp với tình cảm đằm thắm, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh đồng quê thân thuộc, giản dị nhưng rất đỗi nên thơ, trữ tình. Đặc biệt, qua hai khổ thơ đầu tiên, vẻ đẹp của quê hương được tái hiện thật gần gũi mà đầy chất thơ.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu về quê hương của mình - một làng chài ven biển:
"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông."
Câu thơ đầu tiên với giọng điệu nhẹ nhàng, cùng hai từ "làng tôi" khiến cho người đọc cảm nhận được niềm tự hào của chàng trai quê khi giới thiệu về quê hương của mình. Đó là một ngôi làng nhỏ nằm gần bờ biển, người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Thông tin về ngôi làng được đưa ra một cách tự nhiên, giống như một lời kể đầy tự hào của đứa con xa quê.
Khung cảnh làng chài ven biển hiện lên rõ nét hơn trong khổ thơ tiếp theo:
"Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió..."
Bức tranh thiên nhiên, con người hiện lên thật tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Vào mỗi buổi sớm mai, bầu trời trong xanh, những ngư dân chuẩn bị ra khơi đánh cá. Từ láy "hồng" làm bật lên vẻ đẹp của thời gian, mang tới niềm vui, hi vọng trong công việc. Những chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ của làng chài nhanh chóng chuẩn bị ra khơi. Hình ảnh so sánh "như con tuấn mã" làm nổi bật sức mạnh, sự phi thường của con thuyền. Động từ mạnh "phăng", "vượt" diễn tả hành động mạnh mẽ, đầy quyết liệt của những chiếc thuyền khi băng mình vượt sóng ra khơi. Tác giả khéo léo thay đổi nhịp thơ nhằm tăng thêm sự dũng mãnh của những con thuyền, dường như chúng cũng mang trong mình tình yêu quê hương, biển cả, khát khao chinh phục tự nhiên. Con thuyền ấy mang trong mình vẻ đẹp, mang linh hồn riêng, đại diện cho tinh thần, sức mạnh của những người ngư dân.
Hình ảnh cánh buồm trong thơ Tế Hanh là một hình ảnh đẹp, mang ý nghĩa trừu tượng nhưng lại sinh động:
"Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió..."
Cánh buồm được ví von như mảnh hồn làng, chứa đựng tất cả những gì thiêng liêng nhất của quê hương. Nó mang tâm hồn, tính cách của quê hương, chứa đựng những ước mơ, hy vọng của người dân làng chài. Cánh buồm như một thực thể sống, có linh hồn, có khả năng cảm nhận, nó "rướn" thân mình để thâu góp gió, đưa con thuyền xuôi ra khơi xa.
Hai khổ thơ đầu của bài thơ "Quê hương" đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống về làng chài ven biển. Qua đó, tác giả cũng bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết, sâu sắc.