Nam Cao là một nhà văn xuất sắc trong nền văn học Việt Nam, các tác phẩm của ông thường về những truyện ngắn, truyện dài, tập trung chủ yếu về những người nông dân nghèo có mảnh đời bất hạnh, bị vùi dập cả về thể xác lẫn tinh thần, sống mòn mỏi trong xã hội phong kiến thối nát xưa. Trong đó, "Lão Hạc" được coi là truyện ngắn tiêu biểu nhất cho những người nông dân nghèo khổ, nhân vật lão Hạc - nhân vật chính của tác phẩm chính là hiện thân của sự đau thương này.
Truyện ngắn "Lão Hạc" được đăng báo vào năm 1943, là nội dung mang tính triết lí sâu sắc ẩn dưới câu chuyện về số phận bi thảm của người nông dân cùng khổ. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận của nhân vật chính là lão Hạc, một người nông dân nghèo khổ. Con trai vì không có đủ tiền cưới vợ nên đã bỏ đi làm đồn điền cao su, để lại cho lão niềm đau khổ nhớ thương khôn nguôi. Một mình lão phải tự lo liệu mưu sinh, sau một trận ốm thập tử nhất sinh cộng với việc bão lũ phá hoại hết hoa màu, lão trở nên lâm vào đường cùng. Cuối cùng, lão đành bán đi cậu Vàng - người bạn đời của mình, rồi ăn bả chó tự tử. Câu chuyện cũng được gợi mở từ đây.
Trước hết, ta thấy rằng số phận của lão Hạc thật đáng thương, lão là một người nông dân nghèo khổ, vợ mất sớm, đứa con trai duy nhất lại phẫn chí do không có đủ tiền cưới vợ mà bỏ đi làm đồn điền cao su. Lão chỉ có cậu Vàng làm bạn mỗi ngày. Vì vậy mà mọi niềm vui nỗi buồn của lão đều xoay quanh cậu Vàng. Sau một trận ốm nặng, đến quần áo mà lão mặc trên người lão cũng không còn cái nào lành lặn. Lão quyết định bán cậu Vàng, gửi tiền và mảnh vườn cho ông giáo trông coi hộ, sau đó lão sẽ lên đường đi làm ăn xa một chuyến. Nhưng thực ra lão sang nhờ nhà ông giáo một việc nữa, đó chính là giao tiền cho ông giáo để lo ma chay cho mình. Đây chính là biểu hiện cho lòng tự trọng của lão Hạc, lão biết ai sẽ nghi ngờ về cái chết của mình nên muốn dùng cách này để tránh phiền hà hàng xóm láng giềng. Thêm vào đó, lão cũng sợ khi mình chết đi thì sẽ không có ai đứng ra lo ma chay cho mình.
Nhưng điều khiến người đọc bất ngờ chính là quyết định tự tử bằng bả chó của lão. Điều này gây xúc động mạnh trong lòng người đọc, khiến người đọc vừa thương xót cho số phận bi kịch của lão Hạc, vừa khâm phục lòng tự trọng cao đẹp của một người nông dân nghèo đói. Lão có thể lựa chọn cái chết nhẹ nhàng hơn, nhưng lão vẫn quyết định chọn cái chết đau đớn, tức tưởi như một cách để tự trừng phạt mình vì đã lừa cậu Vàng - người bạn thân thiết của mình. Hay nói rộng ra, lão chọn cái chết này như muốn tự trừng phạt bản thân vì đã làm hại cậu Vàng - đứa con trai mà mình yêu quý, đau xót vì không thể cưới vợ cho nó, nhìn nó ra đi với hi vọng thoát khỏi cảnh cơ cực của hiện tại.
Bên cạnh đó, ta cũng thấy được những phẩm chất tốt đẹp của lão Hạc, đó là một người cha yêu thương con hết mực, một người nông dân lương thiện, giàu lòng tự trọng. Đồng thời, Nam Cao cũng thể hiện cái nhìn nhân đạo đối với những con người khốn khổ trong xã hội cũ, họ không những nghèo khó mà còn bị dồn đến bước đường cùng, thậm chí là chọn cái chết để giải thoát cho bản thân mình.
Về nghệ thuật, truyện ngắn "Lão Hạc" được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao. Với ngòi bút tài hoa và bậc thầy miêu tả tâm lí nhân vật, nhà văn đã khắc họa rõ nét từng cung bậc cảm xúc của lão Hạc, lúc đầu là niềm đau đớn tột cùng, sau đó là sự ân hận và cuối cùng là cái chết bi thảm. Nhân vật lão Hạc được nhà văn khắc họa một cách chân thực, sinh động, từ ngoại hình, ngôn ngữ, diễn biến tâm trạng và qua đánh giá của các nhân vật khác về lão. Tất cả các phương diện nghệ thuật đều hướng tới mục đích làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn nhân hậu, trong sáng của lão Hạc.
Như vậy, qua nhân vật lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã thể hiện tấm lòng trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp con người nơi lão Hạc và qua đó, ông cũng kín đáo nêu lên mâu thuẫn sâu sắc giữa người nông dân với xã hội đen tối đương thời. Từ đó, khẳng định khát khao sống, mong muốn được sống trong yên bình, hạnh phúc của những người nông dân như lão Hạc.