Hiện nay, khi công nghệ phát triển, mạng xã hội trở thành nơi để mỗi người chia sẻ, giao lưu, cập nhật tin tức. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ lại quá lạm dụng mạng xã hội, chìm đắm trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thực tại. Đây là một vấn đề đáng lo ngại.
Sống ảo là gì? Đó là lối sống xa rời thực tế khi con người tìm kiếm niềm vui, sự quan tâm của người khác dành cho mình qua sự liên kết thuận tiện của mạng xã hội, các phương tiện công nghệ kết nối người dùng. Hiện tượng ấy đang diễn ra ngày càng nhiều ngoài đời đến mức khó có thể kiểm soát được.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ấy là do sự tiện lợi, hấp dẫn mà mạng xã hội mang lại. Facebook, Zalo, Twitter,... đều là những trang mạng xã hội với nhiều chức năng hiện đại, tiện ích hấp dẫn, giao diện bắt mắt, nó thu hút hàng triệu bạn trẻ tham gia chia sẻ, cập nhật trạng thái, hình ảnh. Chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại có kết nối mạng là con người có thể truy cập, đăng tải các nội dung ngay lập tức, những tin tức nóng hổi sẽ được mọi người truyền tay nhau nhanh chóng. Nó tạo nên sự hứng thú, khoái cảm cho giới trẻ khi chỉ cần ngồi một chỗ, không cần làm gì hay vận động mà vẫn biết được những thứ đang diễn ra quanh mình. Chính điều ấy đã hình thành thói quen sử dụng mạng xã hội nhiều giờ trong ngày của các bạn trẻ. Họ tìm đến với thế giới ảo như một thú vui giải trí, thậm chí nghiện nó như nghiện thuốc phiện.
Hệ lụy kéo theo từ việc sống ảo là vô cùng khủng khiếp. Những người sống ảo dành quá nhiều thời gian cho nó, họ bỏ bê việc học tập, quên ăn quên ngủ, không tương tác với mọi người ngoài đời mà chỉ chăm chăm gắn liền với chiếc điện thoại. Nhiều người cài đặt nhiều ứng dụng liên quan tới việc check in cuộc sống của mình lên mạng, chụp ảnh "sống ảo" rồi đăng tải, chia sẻ với những người khác. Họ tìm đến những nơi đông người, cố gắng chụp những bức ảnh có nhiều view nhất để có thể khi đăng tải sẽ thu hút được nhiều lượt like, lượt yêu thích, bình luận. Nhưng không may rằng, thực tế và thế giới ảo lại hoàn toàn trái ngược nhau, nhiều người sau khi post những bức ảnh chuẩn "sống ảo" lên lại nhận về những sự chê bai, khinh thường bởi vẻ ngoài không giống như trong ảnh. Có những người lại chọn cách mua like, mua người hâm mộ, đua đòi trở thành hot girl, hot boy trên mạng xã hội. Thậm chí, để tăng độ "hot" của mình, nhiều cá nhân đã bất chấp tung ra những tấm ảnh phản cảm, phát ngôn gây sốc để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Những người sống ảo còn dễ mắc bệnh hoang tưởng, luôn ảo tưởng về bản thân mình. Họ không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, dễ dàng bị lừa gạt. Nhiều trường hợp, các thanh niên bị lôi kéo, lợi dụng hình ảnh để đi cướp bóc, trộm cắp, bắt cóc nhằm mục đích sống ảo, để chứng minh với mọi người rằng mình cũng là người tầm cỡ, có quyền lực.
Ngoài ra, những người sống ảo còn mất kết nối với thế giới thực, họ không tham gia các hoạt động ngoại khóa, không giao lưu kết bạn, luôn giam mình trong thế giới riêng. Dần dần, họ trở nên khép kín, nhút nhát, thiếu kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống.
Để khắc phục tình trạng ấy, mỗi chúng ta hãy biết sắp xếp, cân bằng giữa cuộc sống thực và online. Mạng xã hội không xấu, nhưng một số bộ phận giới trẻ lạm dụng, nghiện nó là sai lầm. Hãy tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, giao lưu bạn bè nhiều hơn và tự tin thể hiện bản thân trong cuộc sống thực. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Mạng xã hội giống như một con dao hai lưỡi, nếu bạn biết sử dụng nó đúng cách, bạn sẽ phát huy hết tác dụng của nó, ngược lại, bạn sẽ trở thành nô lệ của sự thay đổi chóng mặt của các trang mạng xã hội. Sống ảo có thể khiến con người thay đổi, tệ hại hơn là biến chất, hãy tỉnh táo và sáng suốt ngay cả khi bạn đang sống trong thế giới ảo!