Quang Dũng là nhà thơ lãng mạn, tài hoa. Bài thơ Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho sáng tác của Quang Dũng. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ đồng đội thân yêu, nhớ đoàn binh Tây Tiến, nhớ bản mường và núi rừng miền Tây, nhớ kỉ niệm đẹp một thời trận mạc,... Nói về nỗi nhớ ấy, bài thơ đã khắc họa chân dung người lính Tây Tiến không chỉ ở ý chí, lí tưởng mà còn ở những khoảnh khắc mơ mộng, hào hoa, đặc biệt là ở đời sống tâm hồn hết sức lãng mạn.
Hình tượng người lính Tây Tiến được khắc họa với nỗi nhớ sâu sắc:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Hai câu thơ đầu nói lên nỗi nhớ, đó là tâm trạng xuyên suốt cả bài thơ. Nỗi nhớ da diết, khôn nguôi; nỗi nhớ chơi vơi, mơ hồ cứ đeo đẳng tâm hồn của tác giả. Tiếng gọi Tây Tiến ơi làm cho giọng thơ thiết tha, bồi hồi. Hai chữ sông Mã mở ra một khoảng không gian bao la, mênh mông. Sông Mã là con sông gắn liền với vùng đất miền Tây. Nó là địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến. Nó cũng là con sông mà bao người đã mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Âm hưởng của hai tiếng sông Mã mở đầu bài thơ như tiếng gọi tha thiết, dồn dập của Quang Dũng.
Sau tiếng gọi thôi thúc ấy là nỗi nhớ dâng lên lớp lớp sóng trào:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây súng ngửi trời,
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Các tên bản, tên mường: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu... được nhắc đến không chỉ gợi lên bao thương nhớ vơi đầy mà còn để lại nhiều ấn tượng về sự xa xôi, heo hút, hoang vu. Thác gầm thét, cọp trêu người. Đoàn binh Tây Tiến trong những chặng đường hành quân là những dãy núi trùng điệp, những đèo cao vực sâu, những chiều sương phủ, những đêm mưa rả rích, những binh đoàn kéo pháo, những đêm đêm mài gươm báu... Bao thử thách nặng nề, gian khổ mà người lính phải vượt qua. Bao mất mát, hi sinh mà người lính phải chịu đựng. Cóng rét run, người ốm đau, quân trang rách rưới, áo quần ướt sũng... Nhưng dù trong khó khăn, gian khổ, người lính Tây Tiến vẫn phơi phới tinh thần lạc quan, hồn nhiên. Những hình ảnh "súng ngửi trời", "nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" cho thấy sự hài hước, hóm hỉnh và tâm hồn lãng mạn của họ.
Người lính Tây Tiến không chỉ là anh vệ quốc quân giản dị, mộc mạc; họ còn là những chàng trai giàu chất thơ, rất đỗi hào hoa:
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Trong gian khổ, thiếu thốn, tâm hồn người lính Tây Tiến vẫn trào dâng nỗi nhớ, nhớ về dáng kiều thơm. Dáng kiều thơm gợi lên cái dáng mềm mại, uyển chuyển, hương thơm thoang thoảng của người con gái Thủ đô. Người lính Tây Tiến hầu hết là những chàng trai thị thành. Họ ra đi từ những phố phường, trường học. Chiến đấu trong gian khổ nhưng tâm hồn họ vẫn phong phú và tràn đầy ước mơ, khát vọng.
Bài thơ Tây Tiến đã dựng lên một bức tượng đài nghệ thuật bất tử về người lính vô danh. Người lính với vẻ đẹp kiêu hùng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, với phẩm chất hào hoa, thanh lịch, đa tình là biểu tượng đẹp đẽ của con người Việt Nam trong thời kì lịch sử gian khổ, vất vả.