Đề bài
Câu 1 (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu: a, b, c, d:
NGƯỜI ĂN XIN
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:
– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.
Ông nhìn tôi chăm chăm đôi môi nở nụ cười:
Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.
(Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD Việt Nam 2017, trang 22)
a. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
b. Tìm thành phần chủ ngữ, vị ngữ trong câu: Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt áo, quần tả tơi.
c. Theo em, anh thanh niên đã cho ông lão điều gì?
d. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa rút ra từ văn bản trên.
Câu 2: (6,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau, trích trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD Việt Nam 2017, trang 56)
Lời giải chi tiết
Câu 1
a. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. |
Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: tự sự
b. Tìm thành phần chủ ngữ, vị ngữ trong câu: Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt áo, quần tả tơi. |
Phương pháp: Căn cứ vào bài học “Các thành phần chính của câu”
Cách giải:
Đôi mắt/ ông đỏ hoe, nước mắt ông/ giàn giụa, đôi môi/ tái nhợt, áo quần/ tả tơi
CN1 VN1 CN2 VN2 CN3 VN3 CN4 VN4
c. Theo em, anh thanh niên đã cho ông lão điều gì? |
Phương pháp: Căn cứ vào nội dung đoạn trích và tìm ý
Cách giải:
Anh thanh niên đã cho ông lão tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia đối với cảnh ngộ của người ăn xin.
d. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa rút ra từ văn bản trên. |
Phương pháp: Phân tích, lí giải
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: Văn bản trên gợi lên sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống.
2. Giải thích vấn đề
- Đồng cảm, sẻ chia là thấu hiểu và quan tâm đến người khác, biết san sẻ và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.
=> Đồng cảm, sẻ chia là cơ sở khẳng định phẩm chất con người và làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Biểu hiện đồng cảm, sẻ chia:
- Về vật chất: chúng ta có thể quyên góp, ủng hộ bằng nhiều cách để giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khó khăn.
- Về tinh thần: chúng ta biết lắng nghe, mở lòng để thấu hiểu họ, thể hiện tình cảm, sự thấu hiếu đối với những người gặp khó khăn
- Về công sức: có thể góp sức xây dựng nên nơi cư trú hay xây dựng trường học cho những nơi khó khăn ….
=> Đồng cảm, sẻ chia đã trở thành chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam.
- Ý nghĩa lòng biết ơn:
+ Đối với người nhận: những người gặp khó khăn sẽ rất vui, họ cảm thấy được an ủi, được quan tâm và chia sẻ
+ Đối với người ủng hộ: những người ủng hộ sẽ được an lòng, cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản và sống tốt hơn.
+ Đồng cảm và chia sẻ đều mang lại lợi ích cho cả hai bên, giúp cho tinh thần của học trở nên thư thái và được yêu thương hơn.
- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, vô tâm.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Nhận thức: Đồng cảm, sẻ chia giúp con người thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, những nghịch cảnh của cuộc đời. Đó cũng là một trong những phẩm chất "người", kết tinh giá trị nhân văn cao quý ở con người.
+ Hành động: Phải học cách đồng cảm, sẻ chia và phân biệt đồng cảm, sẻ chia với sự thương hại, ban ơn... Ai cũng có thể đồng cảm, sẻ chia với những người quanh mình với điều kiện và khả năng có thể của mình.
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2
Phân tích đoạn thơ sau, trích trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải: Ta làm con chim hót (Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD Việt Nam 2017, trang 56) |
Phương pháp: Phân tích, cảm nhận, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
+ Thanh Hải là nhà thơ hiện đại Việt Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
+ "Mùa xuân nho nhỏ" là một trong những bài thơ hay viết về mùa xuân, về khát vọng cống hiến cho đời của nhà thơ.
- Khái quát nội dung khổ thơ 4 và 5: Hai khổ thơ 4 và 5 thể hiện rõ nhất ước vọng được hòa nhập hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc của tác giả.
2. Phân tích, cảm nhận
a. Khái quát về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được tác giả sáng tác trong khi nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu, trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách.
- Nội dung chính: Bài thơ là tiếng lòng, những tâm sự, suy ngẫm, mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của tác giả cho mùa xuân vĩ đại của đất nước.
b. Phân tích khổ thơ thứ 4: Khát vọng hòa nhập, tự nguyện mang niềm vui đến cho cuộc đời
Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến
- Điệp từ “ta làm” cùng với nhịp thơ dồn dập diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ:
+ muốn làm con chim hót: góp tiếng hót cho cuộc đời
+ muốn làm một cành hoa: góp chút sắc hương cho cuộc sống
-> Ước mong giản dị, đơn sơ để tô điểm cho vườn hoa mùa xuân muôn hương muôn sắc của đất nước.
+ một nốt trầm -> không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về.
- Đại từ “ta” dùng để khẳng định đó không chỉ là tâm niệm riêng của cá nhân nhà thơ mà còn là khát vọng chung của nhiều người.
-> Khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước, nguyện hi vinh cho sự phồn vinh của đất nước.
=> Đây là tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng chân thành và tha thiết.
c. Phân tích khổ thơ thứ 5:
Ước nguyện cống hiến chân thành không kể tuổi tác
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời"
- Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, mỗi sự cống hiến -> Tác giả muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào mùa xuân lớn của đất nước.
- Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.
-> Lẽ sống cống hiến lặng lẽ, khiêm tốn của nhà thơ, âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô trương, không cần ai biết đến.
"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc."
- Điệp ngữ “dù là”: thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người
- "tuổi hai mươi", "khi tóc bạc": âm thầm cống hiến bất kể khi tuổi trẻ hay lúc về già.
-> Lời hứa, lời tự nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước.
=> Với niềm yêu đời tha thiết, tác giả vượt lên trên hoàn cảnh về bệnh tật mong muốn da diết được sống có ích bằng tất cả sức trẻ của mình. Ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước, khát vọng được sống, được cống hiến trở thành một ý thức bất diệt trong tâm hồn tác giả.
d. Đặc sắc nghệ thuật trong 2 khổ thơ:
- Sử dụng các từ láy, điệp từ hiệu quả
- Hình ảnh đẹp, giản dị
- Ngôn từ chính xác, tinh tế, gợi cảm
- So sánh và ẩn dụ sáng tạo
3. Tổng kết
- Khái quát những đặc sắc về nghệ thuật làm nên thành công của đoạn thơ: Thể thơ năm chữ, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, nhiều so sánh và ẩn dụ sáng tạo.
- Liên hệ trình bày khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ cho cuộc đời.
PHẦN HÌNH HỌC - TOÁN 9 TẬP 2
Bài 26. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (tiếp theo)
Đề thi học kì 1 mới nhất có lời giải
CHƯƠNG I: CÁC THÍ NGHIỆM CỦA MENĐEN
Đề thi vào 10 môn Toán Cà Mau