Nghị luận văn học

Bình giảng đoạn đầu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Dàn ý
Bài mẫu
Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Dàn ý
Bài mẫu

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

- Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông trong trẻo, mượt mà, khai thác những kỉ niệm đẹp và ước mơ tuổi trẻ.
- Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963 khi tác giả là du học sinh Liên Xô.

- Chủ đề bài thơ gợi lại những kỉ niệm về người bà và tình bà cháu sâu sắc, thấm thía.

2. Thân bài:

Những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu

- Dòng hồi tưởng về bà bắt nguồn từ hình ảnh bếp lửa:

+ Bếp lửa “chờn vờn sương sớm” – bếp lửa thực.
+ Bếp lửa “ấp iu nồng đượm” diễn tả sự dịu dàng, ấm áo, kiên nhẫn của người nhóm lửa.
+ Biện pháp điệp từ (điệp từ “bếp lửa”) gợi lên hình ảnh sống động lung linh nhưng hết sức thân thuộc gần gũi với người cháu.

=> Hình ảnh bếp lửa làm trỗi dậy dòng kí ức về bà và tuổi thơ.

- Kỉ niệm về tuổi thơ nhiều gian khổ, thiếu thốn:

+ “Đói mòn đói mỏi” người cháu thấy ám ảnh bởi nạn đối và quá khứ đau thương của dân tộc.
+ Ấn tượng về khói bếp hun nhèm mắt cháu để khi nghĩ lại “sống mũi còn cay”.
+ Dòng hổi tưởng, kỉ niệm gắn với âm thanh tiếng tu hú của chốn đồng nội: tiếng tu hú được nhắc tới 5 lần trong bài khi thẳng thốt, lúc khắc khoải, mơ hồ tất cả để gợi lên không gian mênh mông, bao la, buồn vắng đến lạnh lùng.
+ Tâm trạng của cháu vì thế cũng tha thiết, mãnh liệt hơn bởi sự đùm bọc, che chở của bà.

- Tuổi thơ khó khăn gian khổ nhưng cháu được mà yêu thương, che chở:

“Bà dạy”, bà chăm” thể hiện sâu đậm tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương vô bờ và sự chăm chút của bà đối với cháu.
+ Ngay cả trong gian khó, hiểm nguy của chiến tranh bà vẫn vững vàng – phẩm chất cao quý của những người mẹ Việt Nam anh hùng ( Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh).

→ Qua dòng hồi tưởng về bà, những dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình chính là sự kết hợp, đan xen nhuần nhuyễn giữa các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự, nỗi nhớ của người cháu thể hiện tình yêu thương vô hạn đối với bà.

3. Kết bài:

- Tác giả rất thành công trong việc sáng tạo ra hình tượng mang ý nghĩa thực, mang ý nghĩa biểu tượng: bếp lửa.

- Kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự phù hợp với dòng hồi tưởng và tình cảm của cháu.

Bài mẫu

          Đây là những vần thơ, câu thơ tha thiết của Bằng Việt gợi thương, gợi nhớ trong lòng tuổi thơ chúng ta:

                               "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

                               Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

                               Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

                               Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?"...

          Có một thời gian khổ mà ta không thể nào quên. Có những người đã gắn bó với tuổi thơ chúng ta, trở thành kỉ niệm, mang theo bao tình thương nỗi nhớ sâu nặng trong lòng ta. Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt với hình ảnh người bà đã đem đến cho ta cảm xúc và nỗi niềm bâng khuâng ấy:

                               Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

                               ……………………………………….

                               Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa

          Đây là phần đầu bài thơ Bếp lửa nói lên những kỉ niệm sâu sắc tuổi thơ với bao tình thương nhớ bà của đứa cháu đi xa.

         Tràn ngập bài thơ, đoạn thơ là một tình thương nhớ mênh mông, bồi hồi. Ba câu thơ đầu nói lên hai nỗi nhớ: nhớ bếp lửa, nhớ thương bà. Bếp lửa "chờn vờn sương sớm "gắn bó với mỗi gia đình Việt Nam, với sự tần tảo chịu thương chịu khó của bà. Bếp lửa "ấp iu nồng đượm"  đã được nhen nhóm bằng sự nâng niu, ôm ấp của tình thương. Nhớ bếp lửa là nhớ đến bà "biết mấy nắng mưa", trải qua nhiều vất vả, khó nhọc. Điệp ngữ "một bếp lửa" kết hợp với câu cảm thán làm cho giọng thơ bồi hồi xúc động:

                               Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

                               Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

                               Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

          Khổ thơ thứ hai nói về kỉ niệm tuổi thơ, kỉ niệm buồn khó quên: "năm đói mòn đói mỏi”, "khô rạc ngựa gầy ", "khói hun nhèm mắt cháu", "sống mũi còn cay". Bằng Việt sinh năm 1941, năm nhà thơ lên 4 tuổi, là cuối năm 1944 đầu năm 1945, nạn chết đói kinh khủng đã xảy ra, hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói. Đó là kỉ niệm về "mùi khói", về "khói hun", một cảnh đời nghèo khổ gắn liền với bếp lửa gia đình trước  Cách mạng. Vần thơ là tiếng lòng thời thơ ấu gian khổ, rất chân thực cảm động:

                               Lên bốn tuổi, cháu đã quen mùi khói

                               Năm ấy là năm đói mòn, đói mỏi

                               Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

                               Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

                               Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

          "Nghĩ lại đến giờ" đó là năm 1963, đã 19 năm trôi qua, mà đứa cháu vẫn cảm thấy "sống mũi còn cay!". Kỉ niệm buồn, vết thương lòng, khó quên là vậy!

          Khổ thơ thứ ba nói về việc nhóm lửa suốt một thời gian dài 8 năm của hai bà cháu. Có tiếng chim tu hú kêu gọi mùa lúa chín trên những cánh đồng quê. Tiếng chim tu hú, những chuyện kể của bà về Huế thân yêu đã trở thành kỉ niệm. "Tu hú kêu... ", "khi tu hú kêu... ", " tiếng tu hú"..., cái âm thanh đồng quê thân thuộc ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần càng trở nên tha thiết bồi hồi. Đó là tiếng vọng thời gian năm tháng của kỉ niệm về gia đình (bếp lửa), về quê hương (tiếng chim tu hú) yêu thương. Cháu thầm hỏi bà hay tự hỏi lòng mình về một thời xa vắng:

                               Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

                               Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

                               Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?

                               Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

                               Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

          "Cháu cùng bà  nhóm lửa ", nhóm lửa của sự sống, nhóm ngọn lửa của tình thương.

Tám năm ấy, đất nước có chiến tranh "Mẹ cùng cha bận công tác không về", cháu ở cùng bà, cháu lớn lên trong tình thương và sự chăm sóc nuôi dưỡng của bà. Hai câu thơ 16 chữ mà chữ bà, chữ cháu đã chiếm đúng một nửa. Ngôn từ đã hội tụ tất cả tình thương của bà dành cho cháu. Một tình thương ấp ủ, chở che:

                               Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

                               Bà dạy cháu làm. bà chăm cháu học.

          Hay nhất, hàm súc nhất là từ ngữ: "cháu ở cùng bà", "bà bảo", "bà dạy", "bà chăm". Vai trò người bà trong mỗi gia đình Việt Nam thật vô cùng to lớn. Năm tháng đã trôi qua thế mà bà vẫn "khó nhọc" vất vả "nhóm bếp lửa". Nghĩ về ngọn lửa hồng của bếp lửa, nghĩ về tiếng chim tu hú gọi bầy, đứa cháu gọi nhắn thiết tha chim tu hú "kêu chi hoài". Câu thơ cảm thán và câu hỏi tu từ diễn tả nỗi thương nhớ bà bồi hồi tha thiết. Cảm xúc cứ trào lên:

                               Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

                               Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

                               Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

          Năm chữ "nghĩ thương bà khó nhọc" nói lên lòng biết ơn bà của đứa cháu đã và đang mang nặng trong trái tim mình tình thương của bà dành cho.

          Đoạn thơ đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ và dào dạt cảm xúc. Cháu thương nhớ và biết ơn bà không bao giờ quên. Bằng thể thơ tự do 8 từ (có xen 7 từ), tác giả đã tạo nên một giọng thơ thiết tha, chất thơ trong sáng truyển cảm, hình tượng đẹp. Bếp lửa, tiếng chim tu hú, người bà là 3 hình tượng hòa quyện trong tâm hồn đứa cháu xa quê, ở đây, tình thương nhớ bà gắn liền với tình yêu quê hương. Câu thơ của Bằng Việt có một sức lay, sức gợi ghê gớm!

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved