Nghị luận văn học lớp 12
Nghị luận văn học lớp 12

Cảm nhận về Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ngữ Văn 12

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Dàn ý
Bài mẫu
Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Dàn ý
Bài mẫu

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Hoàng phủ Ngọc Tường

- Giới thiệu tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?

- Dẫn dắt vấn đề

2. Thân bài

2.1 Sông Hương mang vẻ đẹp tự nhiên

a. Sông Hương ở thượng nguồn:

- Là “bản trường ca của rừng già” “rầm rộ dưới bóng cây đại ngàn”, “mãnh liệt qua những ghềnh thác”; lúc lại dịu dàng say đắm dưới dặm dài chói lọi hoa đỗ quyên ...”

- “cô gái Di - gan”: phóng khoáng, man dại, tâm hồn tự do, trong sáng, bản tính gan dạ, có sức mạnh bản năng

– Sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ“người mẹ phù xa của vùng văn hóa xứ sở” .

b. Sông Hương từ thượng nguồn đến Huế:

- Sông Hương “như một người gái đẹp nằm ngủ mơ màng ...” được đánh thức bởi tiếng gọi của tình yêu, bắt đầu hành trình gian truân, “tìm kiếm có ý thức” đến với Huế, lần đầu đến với tình yêu một mặt rất e lệ, một mặt táo bạo chủ động “vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn”.

+ Sông Hương có nhịp chảy chậm rãi, “mềm như tấm lụa” (liên hệ hình ảnh sông Đà như “áng tóc trữ tình”),

+ Từ ngã ba Tuần đến chân đồi Thiên Mụ: mang dáng vẻ trầm mặc khi chảy qua những lắng tẩm, đổi dòng chuyển hướng liên tục.

+ Từ chân đồi Thiên Mụ đến lúc gặp Huế: “vui hẳn lên”, “kéo một nét thẳng” vì tìm đúng đường về

+ Giáp mặt Huế, sông Hương không gặp Huế ngay mà “uốn một cánh cung ...tình yêu” như một người con gái bẽn lẹn, ngại ngùng.

c. Trong lòng Huế

- Tác giả so sánh sông Hương với những dòng sông nổi tiếng trên thế giới, sông Hương chỉ thuộc về một thành phố duy nhất, giống như người con gái chung thủy.

- Sông Hương mang đến cho Huế một vẻ đẹp cổ xưa dân dã: “ánh lửa thuyền chài ... xưa cũ”, trôi đi chậm như một mặt hồ.

- Người con gái đắm say tình tứ khi bên người mình yêu, người con gái tài hoa “tài nữ đánh đàn trong đêm khuya”.

d. Từ biệt Huế ra biển: như một người con gái lưu luyến, thủy chung từ biệt người yêu.

- Nhận xét: tác giả chủ yếu cảm nhận vẻ đẹp sông Hương từ góc độ tình yêu khiến sông Hương hiện lên như một người con gái chung tình hết lòng vì tình yêu.

2.2 Sông Hương mang vẻ đẹp lịch sử

- Sông Hương là một nhân chứng lịch sử của Huế, của đất nước: “soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ”, chứng kiến những mất mát đau thương của các cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX, ...

- Sông Hương như một công dân có ý thức trách nhiệm sâu sắc với đất nước: “biết hiến đời mình để làm nên chiến công”, ...

- Là một người con gái anh hùng: cùng gắn bó với Huế qua nhiều cuộc chiến đấu anh hùng trong thời kì trung đại, đến cách mạng tháng tám, ...

2.3 Sông Hương mang vẻ đẹp chiều sâu văn hóa

- Sông Hương là “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”: toàn bộ âm nhạc cổ điển Huế, những bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều và bản Tứ đại cảnh đều được sinh thành trên sông nước sông Hương.

- Là người tài nữ đánh đàn trong đêm khuya: không bao giờ lặp lại trong cảm hứng của các thi nhân

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận chung về tác phẩm

 

Bài mẫu

BÀI LÀM

      Ai đã một lần đến với Huế chắc hẳn sẽ không thể nào quên dòng sông Hương xinh đẹp. Những nét đẹp cổ kính, trầm mặc, thơ mộng trên mảnh đất này đều ít nhiều mang dáng hình của sông Hương. Bởi vậy khi viết về sông Hương, các nhà thơ, nhà văn luôn dành cho dòng sông này một tình cảm thiết tha, nâng niu và trân trọng. Bài tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường "Ai đã đặt tên cho dòng sông" in trong tập sách cùng tên cũng đã dành cho sông Hương những tình cảm như thế. Bằng những rung cảm tinh tế và những lời văn giàu chất trữ tình, lối liên tưởng phong phú, tác giả đã mang người đọc đến với vẻ đẹp của một dòng sông đầy mê đắm, thân thương.

      Sông Hương mang trong mình vẻ đẹp trù phú, vô tận mà thiên nhiên trao tặng. Từ thượng nguồn, sông Hương mang vẻ đẹp rất đỗi oai hùng, hoang dại, "chảy rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy rừng bí ẩn". Sông Hương mang sức sống mãnh liệt, tự do, dòng sông như "một cô gái Di- gan phóng khoáng và man dại". Song, có lúc, cũng dịu dàng, đằm thắm, sâu sắc vô bờ "trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở- đẹp dịu dàng và trí tuệ". Nàng Hương xinh đẹp ấy cũng vô cùng yêu kiều giữa những bông hoa đỗ quyên nơi rừng già "dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng".

      Sau những cuộc du hành của mình đến với bao địa điểm mới lạ và hấp dẫn như: Điện Hòn Chén, Nguyệt Biều, Lương Quán, chùa Thiên Mụ,.. sông Hương sẽ đến với Huế thương. Giữa những cánh đồng mênh mông, êm đềm, nàng Hương như "người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại". Đường cung uốn mình đầy điệu nghệ và dẻo dai của sông Hương đưa nàng đến với Huế sau khi vỗ về ôm ấp chùa Thiên Mụ. Nằm trong lòng cố đô, nàng mỉm cười với Huế trong niềm háo hức và hạnh phúc khôn nguôi, có lẽ sau bao vất vả, đến được với người thương của mình khiến nàng không khỏi xúc động, và có lẽ với niềm thương chân thành ấy mà sông Hương lúc này đây đang dâng tặng trọn vẹn sự đẹp đẽ của mình cho Huế.

      Giữa lòng thành phố thương yêu, sông Hương mềm mại như một dải lụa, lững lờ trôi êm đềm trông vô cùng xinh đẹp và dịu dàng, điểm xuyết giữa dòng là những chiếc thuyền bé nhỏ, lập lòe trong màn đêm, là những ánh đèn nhỏ trên thuyền trông đẹp và thơ mộng biết bao. Sông Hương lúc này đây như một điệu "slow" ngọt ngào dành riêng cho Huế ,cho mỗi mình Huế mà thôi.

      Sông Hương còn là nơi ghi dấu bao nét văn hoá của dân tộc, đó là những làn điệu ca Huế trên sông khi về đêm, là tiếng đàn tinh tế của người tài nữ trên khoang thuyền khi về khuya. Là những câu hò dân gian khiến bao người mê đắm. Tiếng nhạc hòa cùng hồn thiên nhiên vang vọng mãi trong lòng người.

      Không chỉ mang vẻ đẹp của thiên nhiên, mang dấu ấn của văn hoá, sông Hương còn là chứng nhân cho bao thời kỳ lịch sử của vùng đất kinh kỳ này. Từ xa xưa, nó đã là một dòng sông biên thùy xa xôi, qua thời kì trung đại, dòng Linh Giang đã cùng người anh dũng chiến đấu với quân thù. Trải qua bao mồ hôi, máu và nước mắt, sông Hương cùng nhân dân nước Việt lập nên bao chiến công hiển hách, hào hùng. Dường như sông Hương như một người mẹ hiền từ và bao dung, suốt đời mình lặng lẽ đồng hành, dõi theo từng bước trưởng thành của đất Huế cho tới bây giờ.

      Có lẽ, với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã trở thành một phần đặc biệt của vùng đất cố đô. Sông Hương như hồn thơ của những người thi sĩ, có buồn, có vui, có thương, có nhớ, có mãnh liệt, có dịu dàng, e ấp và cả khí phách quật cường, kiên trinh. Sông Hương mang dáng hình của những người con gái Huế, mang cốt cách của con người Huế, chân thành, bình dị, đằm thắm, tin yêu.

      Bằng khát khao tìm kiếm, sự đam mê khám phá cùng những rung cảm tinh tế, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết nên những dòng bút kí đầy chất thơ, chạm đến tâm hồn người đọc một cách nhẹ nhàng mà đầy chân tình. Đọc xong đoạn bút kí, em thấy thêm yêu, thêm quý những cảnh đẹp quê hương mình. Vẻ đẹp thực chẳng cần tìm kiếm ở đâu xa, nó đến từ những điều bình dị gần gũi nhất của đất nước, quê hương. Hy vọng rằng, em sẽ có dịp được đến với thành phố Huế mộng mơ để đắm chìm và cảm nhận những nét đẹp của dòng sông Hương này.

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved