Dàn ý
1. KHÁI QUÁT CHUNG:
- Giới thiệu Quang Dũng, Tố Hữu và hai tác phẩm:
+ Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp với hồn thơ hào hoa, lãng mạn thấm đượm tình đồng bào đồng chí. “Tây Tiến” là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.
+ Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, thơ ông theo sát những chặng đường của cách mạng Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” là một thành công đặc biệt trong đời thơ Tố Hữu. Tác phẩm vừa là bản tình ca về tình cảm cách mạng – giữa đoàn cán bộ miền xuôi với nhân dân Việt Bắc, vừa là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà vẻ vang của dân tộc.
- Hai đoạn thơ được trích từ hai bài thơ đều tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận song mỗi nhà thơ lại có cách khám phá, thể hiện riêng.
2. TRÌNH BÀY CẢM NHẬN:
a. ĐOẠN THƠ TRONG BÀI THƠ “TÂY TIẾN”
* Vẻ đẹp vừa bi thương vừa hào hùng của đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
- Cái bi thương của người lính được gợi lên từ ngoại hình ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá.
+ Sở dĩ người lính Tây Tiến đầu trọc da xanh là do hậu quả của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính.
+ Những cơn sốt rét rừng ấy không chỉ có trong thơ Quang Dũng mà còn để lại dấu ấn đau thương trong thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung.
- Cái hào hùng:
+ Thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ của người lính. “Không mọc tóc” là cách nói ngang tàng rất lính, hóm hỉnh vui đùa với khó khăn gian khổ của mình.
+ Thể hiện qua cách dùng từ Hán Việt “đoàn binh” . Chữ “đoàn binh” chứ không phải là đoàn quân đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường của sự hùng dũng, Ba từ “dữ oai hùm” gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, oai của chúa sơn lâm. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ. “Mắt trừng” là đôi mắt dữ tợn, căm thù, mạnh mẽ, nung nấu quyết đoán làm kẻ thù khiếp sợ.
* Họ cũng là những chàng trai Hà Nội lãng mạn, hào hoa:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
- “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” là đôi mắt thao thức nhớ về quê hương Hà Nội, về một dáng kiều thơm trong mộng.
Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội: đó có thể là phố cũ, trường xưa,… hay chính xác hơn là nhớ về bóng dáng của những người bạn gái Hà Nội yêu kiều, diễm lệ. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để họ vững vàng tay súng, sẵn sàng cống hiến, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
b. ĐOẠN THƠ TRONG BÀI THƠ “VIỆT BẮC”
*Vẻ đẹp hào hùng của đoàn quân:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
- Các từ láy “rầm rập”, “điệp điệp" và “trùng trùng" và hình ảnh so sánh “… như là đất rung” vừa gợi lên sự đông đảo, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận. Mỗi bước đi của đoàn quân ấy mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù.
*Vẻ đẹp lãng mạn:
“Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Đây có thể là hình ảnh ánh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân, cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính bước đi. Họ là những con người có lí tưởng cao cả, đẹp đẽ, sẵn sàng cống hiến vì sự nhiệp chung. Ý thơ khiến người đọc liên tưởng tới hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu.
c. SO SÁNH HAI ĐOẠN THƠ:
- Giống nhau: Đều khắc họa người lính với vẻ đẹp vừa hào hùng, vừa lãng mạn, bay bổng.
- Khác nhau:
+ Trong đoạn thơ thuộc bài thơ “Tây Tiến”, vẻ đẹp hào hùng của người lính phảng phất sự bi thương.
+ Trong đoạn thơ thuộc bài thơ “Việt Bắc”, vẻ đẹp lãng mạn của người lính còn được Tố Hữu gắn liền với hiện thực.
- Cả hai tác giả đều có trải nghiệm từ thực tế chiến đấu nên thơ đậm chất hiện thực. Bên cạnh đó, Quang Dũng là một chàng trai Hà thành rất hào hoa nên thơ ông có cái lãng mạn rất riêng; còn ở Tố Hữu, thơ ông là thơ trữ tình chính trị, luôn có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào cách mạng.
3. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
- Hai đoạn thơ bên cạnh những điểm tương đồng còn có những nét riêng độc đáo, thể hiện tài năng của hai nhà thơ.
- Khẳng định vị trí của hai tác giả trong nền văn học cũng như trong lòng độc giả.
Bài mẫu
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Đã có những tháng ngày như thế, những tháng ngày đất nước hừng hực sục sôi trong khí thế của cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Đã có những con người như thế, những con người nhỏ bé nhưng tạo sức mạnh của những đoàn quân một thời làm khiếp sợ kẻ thù, ra trận với ý chí “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Trong Việt Bắc, Tố Hữu viết:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.
Trước hết, chúng ta tìm hiểu hình ảnh đoàn quân Tây tiến trong đoạn thơ của Quang Dũng. Quang Dũng là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là người nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Tây Tiến được sáng tác năm 1948, là một trong những bài thơ để đời của Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của ông. Bài thơ thấm đượm nỗi nhớ của nhà thơ về binh đoàn Tây Tiến mà ông đã cùng gắn bó và chiến đấu trên khung nền thiên nhiên Tây Bắc dữ dội, hùng vĩ và mĩ lệ. Đoạn trích trên nằm ở đoạn ba của tác phẩm, khắc họa chân dung người lính Tây Tiến trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt mà vẫn mang nét lãng mạn, hào hoa.
Xuyên suốt bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là nỗi nhớ của ông hướng về những người đồng đội đã từng cùng nhau kề vai sát cánh trong chiến đấu trên khung nền thiên nhiên Tây Bắc khắc nghiệt, nhưng thơ mộng, trữ tình. Nỗi nhớ có lúc hóa thành nỗi nhớ “chơi vơi” trong tim Quang Dũng, là nỗi nhớ vô hình vô lượng, nhưng da diết, giằng xé, bật thành tiếng gọi thiết tha, đau đớn: “Tây Tiến ơi!”.
Theo lời Quang Dũng kể lại, Tây Tiến là tập hợp của những chàng trai Hà thành, xuất thân từ những mái trường, góc phố nên tuy chiến đấu trong gian khổ nhưng vẫn mang nét lãng mạn, đa tình. Nhưng lính Tây Tiến cũng là những con người hào hùng, anh dũng. Đoàn quân Tây Tiến trong đoạn trích trên hiện ra trong nét bi tráng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Nét vẽ ngoại hình ấy xuất phát từ một thực tế sống và chiến đấu của những anh “Vệ túm, Vệ trọc” trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Các anh phải cạo trọc đầu để thuận tiện trong sinh hoạt và trong những trận đánh giáp lá cà. Nhưng đó cũng có thể là hậu quả của những trận sốt rét liên miên trong rừng thiên nước độc. Trong những năm tháng gian khổ, thiếu thốn ấy, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, người chết như rơm rạ. Lính Tây Tiến còn được tái hiện bởi làn da xanh xao, nhợt nhạt, thiếu sức sống. Người lính trong chiến đấu phải chịu nhiều cực khổ, đói và khát, còn chưa kể là những cơn sốt rét tê liệt, dai dẳng. Ta đã từng bắt gặp những cơn sốt chết người ấy trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”
hay trong thơ Tố Hữu:
“Giọt giọt mồ hôi rơi,
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế”
Sau này một nhà thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ cùng viết về căn bệnh sốt rét bằng những vần thơ tê tái:
“Nơi thuốc súng trộn vào áo trận
Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân”
Nhưng lạ kì thay, đọc thơ của Quang Dũng, ta thấy cái gian khổ, khắc nghiệt, nhưng không thấy cái kêu than, bi quan mà lại cảm nhận được nét ngang tàng, mạnh mẽ của người lính. Bằng cách dùng từ Hàn Việt, “đoàn binh”, chứ không phải “đoàn quân”, nhà thơ khắc họa nên nét hiên ngang, khí khái “đầu đội trời chân đạp đất” của tráng sĩ thời xưa. Cụm từ “không mọc tóc” đã chuyển câu thơ từ thế bị động sang thế chủ động. Không phải là “tóc không mọc” mà chính cái khắc nghiệt, dữ dội của nhưng cơn sốt rét rừng đã khiến họ xanh da rụng tóc. Câu thơ mang nét hóm hỉnh, vui tươi, ngang tàng của chất lính. “Xanh màu lá” chứ không phải “xanh xao” , xanh nhưng không hề yếu ớt, vẫn tràn đầy sức sống. Đặc biệt ,cụm từ “dữ oai hùm” đã xóa bỏ đi những ấn tượng của sự yếu đuối, mệt mỏi, thay vào đó là sức mạnh uy nghi, dữ dội, chế ngự và coi thường tất cả khó khăn, gian nan của đoàn quân TT. Biết được sự gian khổ của các anh, chúng ta xót xa, cảm thương các anh rất nhiều, nhưng ta còn cảm phục hơn tinh thần gang thép, bất khuất, hiên ngang toát ra từ lính Tây Tiến. Ta hiểu rằng Quang Dũng đã từng sống và chiến đấu trong những ngày tháng như thế, ông là người trong cuộc, thế nên cái “bi” mà ông khắc họa không phải là sự yếu đuối, rơi rớt tiểu tư sản, mà là thực tế chiến đấu để nâng tầm và thêm tự hào về cái “tráng”, về sự dũng cảm, ý chí kiên cường của những chàng trai “cuộc đời gió bụi pha xương máu”.
Đối lập với ngoại hình kì dị, đáng sợ do hoàn cảnh sống và chiến đấu của lính Tây Tiến, là một tâm hồn rất lãng mạn, rất đáng trân trọng.
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
“Mắt trừng” là mắt mở to, hướng mắt về phía trước, là ánh mắt ngùn ngụt ngọn lửa căm thù và sôi sục ý chí chiến đấu cao đẹp của những chàng trai thời loạn.“Mắt trừng” là ánh mắt thao thức, là ánh mắt không ngủ để canh giữ biên cương cho tổ quốc, giữ cho tổ quốc bình yên. Đây là một nét ước lệ của cảm hứng lãng mạn để tô đậm thêm lòng quyết tâm và dũng cảm của những chàng trai “chưa trắng nợ anh hùng” ra đi vì nghĩa lớn, vì sự thôi thúc của ý chí. Nhưng có lẽ, con tim các anh đã ở lại một góc phố Hà Nội xinh đẹp, ở lại bên những “dáng kiều thơm”. Các anh chiến đấu là vì ai, là vì điều gì? Chẳng phải để bảo vệ quê hương, bảo vệ Hà Nội thân yêu khỏi bom đạn tàn phá hay sao? Sự đối lập giữa “mộng” và “mơ”, giữa lý tưởng cách mạng và tình yêu của các anh dành cho những người con gái quê nhà không thể hiện sự yếu đuối, tầm thường, mà nó nói lên động cơ chiến đấu đẹp đẽ của người lính, nói lên tâm hồn hào hoa, phong nhã của những chàng trai gốc Hà thành ngay giữa ranh giới sự sống và cái chết. Cũng giống như hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại- Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” để rồi “Những đêm dài hành quân nung nấu- Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” trong thơ Nguyễn Đình Thi.
Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, bút pháp tương phản, ngôn ngữ tinh tế, nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa thành công hình ảnh đoàn quân Tây Tiến ra trận trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, khó khăn và vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn ngang tàng, hiên ngang, kiêu hùng. Bằng chất “bi tráng” ấy, lính Tây Tiến tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên không tiếc mình quyết hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Cùng khắc họa hình ảnh đoàn quân ra trận trong những năm kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã làm sống lại khí thế hừng hực, mạnh mẽ, khung cảnh sôi động của cuộc “thánh chiến” dân tộc trong bài thơ Việt Bắc.
Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Thơ ông mang tính chất trữ tình, chính trị rất sâu sắc. Việt Bắc là đỉnh cao thơ Tố Hữu, là thành công xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, thể hiện sâu sắc tư tưởng sáng tác của ông. Bài thơ là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Đoạn trích trên thuộc phần đầu của bài thơ Việt Bắc. Nhà thơ đã tái hiện lại những đoàn quân hùng mạnh đang hành quân trên con đường Việt Bắc ban đêm.
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
Giọng thơ vang lên tha thiết mà hào hùng, vang dội. Từ sở hữu “của ta” thể hiện niềm tự hào sâu sắc của tác giả về những con đường Tổ quốc, những con đường đã làm chứng nhân lịch sử cho những ngày đêm nằm gai nếm mật, nuôi chí phục thù và những chiến thắng vang dội của dân tộc. Hơn một lần hình ảnh những con đường ấy xuất hiện trong thơ ca, như tác giả đã từng viết:
“ Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái, ung dung ta bước
Đường ta rộng, thênh thang tám thước
Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
Đường qua Tây bắc, đường lên Điện Biên
Đường cách mạng, dài theo kháng chiến…”
Trên chính chặng đường ấy, sức mạnh của con người, của những đoàn quân tái hiện một cách sống động. Bằng cách dùng từ láy tượng thanh – đoàn quân đi “rầm rập” trong những “đêm đêm” như làm cho người đọc được sống trong những khoảnh khắc ấy, được nhìn thấy những đoàn quân đông đảo đang bước đi trong khí thế hừng hực, quyết liệt, khẩn trương của thanh niên, tuổi trẻ, của những con người mạnh mẽ sắt đá, những “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”. Hình ảnh so sánh cường điệu của cảm hứng sử thi hùng tráng đã nâng sức mạnh của đoàn quân lên tầm vóc vũ trụ. Trong những năm tháng chiến đấu gian lao, khắc nghiệt như thế, nhưng dường như quân dân ta chưa bao giờ nản lòng, thối chí, chưa bao giờ lùi bước bởi lẽ ấy không phải là cuộc chiến ngày một ngày hai, mà là cuộc kháng chiến trường kì, chỉ có lòng quyết tâm và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mới làm nên chiến thắng và độc lập cho dân tộc.
Hai câu thơ tiếp miêu tả cụ thể hình ảnh của người bộ đội ra trận:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.
Từ láy “điệp điệp trùng trùng” cho ta thấy những đoàn quân đông đảo tầng tầng lớp lớp, như những đợt sóng nối tiếp nhau tiến về phía tiền phương. Còn nhớ ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại cây đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ xuất quân cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khi đó mới chỉ 34 người. Vậy mà đến ngày hôm nay, quân đội đã trưởng thành mạnh mẽ, thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc có thể đập tan quân thù, làm nên độc lập tự do dân tộc. Đọc câu thơ lên chúng ta cảm thấy tự hào, cảm phục những đoàn quân ấy biết bao, nhưng đó còn là lòng yêu mến với những con người chiến đấu trong gian khổ, khắc nghiệt mà vẫn giữ vững niềm tin, niềm lạc quan và vẻ đẹp của người lính qua câu thơ:
“Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Sau dòng cảm xúc về đoàn quân “điệp điệp trùng trùng”, tác giả lại hướng ánh nhìn về những người lính nhỏ bé đang bước đi trong đoàn quân hùng mạnh. Trong những ngày tháng chiến đấu ấy, người lính chỉ có chiếc mũ nan nhỏ bé làm bạn, nhưng điều bình dị ấy chỉ càng làm nổi bật ý chí kiên cường của người lính. Đã từng có lần Tố Hữu khắc họa người lính như thế:
“Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành lá mũ coi thường hiểm nguy
Tuốt gươm không chịu sống quỳ
Tuổi xanh chẳng tiếc, sá chi bạc đầu!”
Và trong những đêm dài hành quân ấy, hình “ánh sao đầu súng” sẽ theo mãi người lính, sẽ soi sáng con đường và cho trái tim lý tưởng của các anh nữa. Trăng và sao luôn là hình ảnh thực gắn với người chiến sĩ trên con đường hành quân. Như Chính Hữu đã từng viết: “Đầu súng trăng treo”. Thì lúc này đây, ánh sao lấp lánh lan tỏa gương mặt anh lính, ánh sao thể hiện lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ, ánh sao đem người lính đến ngày mai chiến thắng, đến độc lập tự do của dân tộc.
Bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát truyền thống, bằng những từ láy tượng thanh, gợi cảm, ngôn ngữ sử thi hùng tráng, giọng thơ sôi nổi hào hùng, Tố Hữu đã tái hiện bức tranh tổng kết về không khí sôi động, hào hùng, lớn mạnh của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp.
Qua hai đoạn thơ trên, ta thấy rằng những đoàn quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp đều được tái hiện bởi vẻ đẹp hào hùng, bởi lý tưởng cao đẹp và ý chí kiên cường bất khuất trong cái gian nan, hiểm nguy, thiếu thốn nơi chiến trường. Chính bút pháp sử thi hùng tráng và bút pháp lãng mạn đã khiến ta thêm tự hào về những đoàn quân thể hiện sức mạnh dân tộc ấy.
Tuy nhiên, hai đoạn thơ còn thể hiện những nét riêng biệt trong phong cách sáng tác của hai tác giả. Vẻ đẹp người lính hiện lên trong thơ Quang Dũng là người lính hào hoa, phóng khoáng, được tái hiện trong khung cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc, trong đói khổ, thiếu thốn và căn bệnh sốt rét hoành hành mà vẫn hiên ngang, bất khuẩt. Trong khi đó, Tố Hữu chủ yếu ngợi ca sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, hình ảnh người lính hiện ra giản dị, nhưng dũng cảm, hiện ra trong đoàn quân đông đảo, hào hùng. Có những nét khác biệt ấy là do hoàn cảnh sáng tác và phong cách nghệ thuật khác nhau của hai tác giả. Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ. Hồn thơ ông mang nét phóng khoáng, tài hoa, lãng mạn. Còn Tố Hữu viết Việt Bắc trong thời kì thắng lợi, giải phóng miền Bắc, lịch sử bước sang trang mới, nên thơ ông có phần lạc quan và có niềm tin hơn. Bên cạnh đó, thơ Tố Hữu mang phong cách trữ tình chính trị, do đó, ông thiên về ngợi ca lòng tin với cách mạng, với chiến thắng dân tộc.
Qua hai đoạn thơ trên, hình ảnh đoàn quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp hiện qua có những nét riêng biệt bởi hai nhà thơ khác nhau. Song, những nét chung và riêng ấy khiến ta có cái nhìn rõ hơn và yêu hơn tâm hồn và vẻ đẹp người lính, để lại những ấn tượng khó phai nhòa trong lòng người đọc nhiều thế hệ.
Nguồn: Sưu tầm
Chương 7. Crom - Sắt - Đồng
CHƯƠNG 4. ỨNG DỤNG DI TRUYỀN HỌC
CHƯƠNG V. SÓNG ÁNH SÁNG
Đề kiểm tra 15 phút - Học kì 1 - Ngữ Văn 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 2 môn Vật lí lớp 12