PHẦN HAI: LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
PHẦN HAI: LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 11 - Đề số 1

 

Đề bài

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II

MÔN LỊCH SỬ - LỚP 11

Câu 1. Hình thức đấu tranh chủ yếu của nhân dân Ấn Độ chống lại chính sách cai trị hà khắc của thực dân Anh trong những năm 1918 -1929 là

A. Bạo lực cách mạng.

B. đấu tranh vũ trang.

C. đấu tranh chính trị.

D.  hòa bình, không bạo lực

Câu 2. Sự thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ (tháng 12-1925) có tác động như thế nào đến phong trào độc lập dân tộc ở Ấn Độ

A.  Khẳng định phong trào đấu tranh theo biện pháp hòa bình là đúng

B.  Thúc đẩy làn sóng đấu tranh chống thực dân Anh

C.  Khẳng định giai cấp công nhân trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào

D. Tạo điều kiện để chủ nghĩa Mác được truyền bá sâu rộng vào Ấn Độ

Câu 3. Nhân tố nào sau đây là yếu tố quyết định sự ra đời của Đảng Cộng sản Ấn Độ (tháng 12-1925)?

A.  Sự trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân

B. Chủ nghĩa Mác được truyền bá sâu rộng vào Ấn Độ

C.  Phong trào dân tộc dân chủ ở Ấn Độ theo con đường cách mạng vô sản có bước phát triển

D. Phong trào đấu tranh theo khuynh hướng tư sản dần suy yếu

Câu 4. Trong năm 1930, những Đảng cộng sản nào đã lần lượt ra đời ở khu vực Đông Nam Á?

A. Đảng cộng sản Việt Nam, Mã Lai, Xiêm, Phi-lip-pin

B. Đảng cộng sản Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Xiêm

C. Đảng cộng sản Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a

D.  Đảng cộng sản Việt Nam, Phi-lip-pin, Xin-ga-po

Câu 5. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp nào ở Lào, kéo dài suốt hơn 30 năm đầu thế kỉ XX?

A. Khởi nghĩa Ong Kẹo

B.  Khởi nghĩa Commađam

C. Khởi nghĩa Ong Kẹo và Commađam.

D. Khởi nghĩa Chậu Pachay

Câu 6. Cơ sở nào đưa đến sự phát triển của khuynh hướng dân chủ tư sản trong phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?

A. Sự ra đời của giai cấp tư sản dân tộc.

B.  Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

C.  Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga.

D. Ảnh hưởng của các cuộc cải cách chính trị ở khu vực

Câu 7. Hội nghị Muy-nich với sự tham gia của các quốc gia nào sau đây?

A. Anh, Pháp, Nhật, Italia.

B. Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp.

C. Đức, Áo, Hung, Bỉ. 

D. Anh, Pháp, Đức, Italia.

Câu 8. Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh vào ngày tháng năm nào?

A. 15/08/1945.

B. 30/08/1945.

C. 25/08/1945.

D. 05/08/1945.

Câu 9. Anh và Pháp phải chịu một phần trách nhiệm về sự bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) vì:

A. thực hiện chính sách nhượng bộ phát xít.

B. không tham gia khối Đồng minh chống phát xít.

C. thực hiện chính sách hòa bình, trung lập.

D. ngăn cản việc thành lập liên minh chống phát xít.

Câu 10. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỉ XX là do

A. cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra trầm trọng.

B. âm mưu muốn bá chủ thế giới của Đức và Nhật Bản.

C. mâu thuẫn giữa các nước đế quốc xung quanh về vấn đề thuộc địa.

D. các nước Anh, Pháp, Mĩ dung dưỡng, nhượng bộ với phát xít.

Câu 11. Nguyên nhân nào thúc đẩy các quốc gia trên thế giới hình thành liên minh chống phát xít?

A. Do uy tín của Liên Xô đã tập hợp được các nước khác.

B. Do hành động xâm lược, bành trướng của phe phát xít khiến thế giới lo ngại.

C. Do Anh, Mĩ đều thua nhiều trận trên chiến trường.

D. Do nhân dân các nước trên thế giới đoàn kết.

Câu 12. Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của quân dân Việt Nam ở mặt trận Đà Nẵng (1858)

A. Bước đầu làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.

B. Buộc pháp phải lập tức chuyển hướng tiến công cửa biển Thuận An.

C. Làm phá sản hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.

D. Buộc pháp phải lập tức thực hiện kế hoạch tấn công bắc kì.

Câu 13. Trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858), Việt Nam là một quốc gia

A. dân chủ, có chủ quyền.

B. độc lập, có chủ quyền.

C. độc lập trong Liên bang Đông Dương.

D. tự do trong Liên bang Đông Dương.

Câu 14. Nước tư bản nào đã liên quân với Pháp để tấn công Đà Nẵng vào 1858?

A. Anh.

B. Bồ Đào Nha.

C. Tây Ban Nha.

D. Hà Lan.

Câu 15. Thực dân Pháp đã chiếm gọn ba tỉnh miền Tây Nam Kì (1867) mà không tốn một viên đạn vì

A. thực dân Pháp tấn công bất ngờ. 

B.  nhân dân không ủng hộ triều đình chống Pháp.

C. quân đội triều đình trang bị vũ khí quá kém.

D. triều đình bạc nhược, thiếu kiên quyết chống Pháp.

Câu 16. Vì sao thực dân Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam Kì năm 1867 một cách nhanh chóng?

A. Triều đình bạc nhược, thiếu kiên quyết chống Pháp.

B. Thực dân Pháp tấn công bất ngờ.

C. Nhân dân không ủng hộ triều đình chống Pháp.

D. Quân đội triều đình trang bị vũ khí quá kém.

Câu 17. Đâu không phải là hành động của nhân dân Bắc Kì khi Gác-ni-ê đưa quân tấn công Bắc Kì lần thứ nhất năm 1873?

A. Đốt kho thuốc súng của Pháp.

B. Bất hợp tác với Pháp.

C. Bỏ thuốc độc vào các giếng nước uống.

D. Tìm cách thỏa hiệp với Pháp.

Câu 18. Hiệp ước nào đánh dấu việc triều đình nhà Nguyễn chính thức thừa nhận sáu tỉnh Nam Kì là đất thuộc Pháp?

A. Hiệp ước Hácmăng.

B. Hiệp ước Giáp Tuất.

C. Hiệp ước Patơnốt.

D. Hiệp ước Nhâm Tuất.

Câu 19.  Thất bại tại trận Cầu Giấy lần thứ hai (19/5/1883) đã khiến thực dân Pháp

A. Càng củng cố dã tâm xâm chiếm hoàn toàn Việt Nam.

B. Hoang mang lo sợ và tìm cách thương thuyết để rút khỏi Bắc Kỳ.

C. Cầu cứu sự chi viện của triều đình Mãn Thanh.

D. Quyết định đánh thẳng vào Huế để kết thúc chiến tranh.

Câu 20. Chọn đáp án đúng để sắp xếp các Hiệp ước mà triều đình nhà Nguyễn kí với thực dân Pháp theo trình tự thời gian

1. Hiệp ước Hác – măng. 2. Hiệp ước Nhâm Tuất.

3. Hiệp ước Pa - tơ – nốt. 4. Hiệp ước Giáp Tuất.

A. 2 – 4 – 1 – 3.

B. 2 – 3 – 1 - 4.

C. 3 - 2 - 4 - 1.

D. 1 - 2 - 3 - 4.

Câu 21. Câu nói của Nguyễn Trung Trực “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” thể hiện điều gì?

A. Ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

B. Quyết tâm đánh Pháp của nhân dân Việt Nam.

C.  Lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Việt Nam.

D. Tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

Câu 22. Cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương là

A. khởi nghĩa Bãi Sậy.

B. khởi nghĩa Hùng Lĩnh.

C. khởi nghĩa Ba Đình.

D. khởi nghĩa Hương Khê.

Câu 23. Nét nổi bật của phong trào Cần vương ở giai đoạn hai (1888 – 1896) là gì ?

A. Đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của triều đình kháng chiến.

B. Đặt dưới sự chỉ huy gián tiếp của triều đình kháng chiến.

C. Không có sự chỉ huy của triều đình, các cuộc khởi nghĩa nổ ra lẻ tẻ.

D. Phong trào phát triển theo chiều sâu, quy tụ thành những trung tâm lớn.

Câu 24. Nhận xét nào dưới đây phản ánh đúng tính chất của phong trào Cần vương (1885 – 1896) ở Việt Nam?

A. Phong trào đấu tranh có tính chất cải lương.

B. Yêu nước nhưng không mang tính cách mạng.

C. Phong trào đấu tranh tự phát, không có tổ chức.

D. Phong trào yêu nước và mang tính cách mạng.

Câu 25. Điểm chung và cũng là ưu điểm lớn nhất của phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX là

A. Tập hợp đông đảo các giai cấp tầng lớp trong xã hội.

B. Khởi nghĩa vũ trang theo phạm trù phong kiến.

C. Xác định đúng đối tượng đấu tranh là thực dân Pháp.

D. Làm chậm quá trình xâm lược Việt Nam của Pháp.

Lời giải chi tiết

 

1. D2. B3. A4. A5. C
6. B7. D8. A9. A10. C
11. B12. A13. B14. C15. D
16. A17. D18. B19. A20. A
21. B22. D23. D24. B25. C

 

Câu 1

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 82.

Cách giải:

Xuất phát từ đặc điểm lịch sử của Ấn Độ, Đảng Quốc đại đứng đầu là M. Gandi lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng bạo lựcPhong trào này được đông đảo các tầng lớp nhân dân Ấn Độ hưởng ứng.

Chọn D

Câu 2

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 82.

Cách giải:

Sự thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ (tháng 12-1925) đã gió phần thúc đẩy làn sóng chống thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ.

Chọn B

Câu 3

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 82, suy luận.

Cách giải:

Từ đầu những năm 20 của thế kỉ XX, ở Ấn Độ đã xuất hiện những nhóm cộng sản đầu tiên. Cùng với sự trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, tháng 12-1925 Đảng Cộng sản Ấn Độ được thành lập.

=> Sự trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân là yếu tố quyết định sự ra đời của Đảng Cộng sản Ấn Độ.

Chọn A

Chú ý khi giải:

Cũng giống như Ấn Độ, ở Việt Nam, phong trào công nhân cũng là một nhân tố đưa đến sự thành lập Đảng. Tuy nhiên, ngoài nhân tố trên còn có phong trào yêu nước và chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 4

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 84-85.

Cách giải:

Từ thập niên 20, giai cấp vô sản trẻ tuổi ở Đông Nam Á cũng bắt đầu trưởng thành. Một số Đảng cộng sản được thành lập, đầu tiên là Đảng cộng sản In-đô-nê-xi-a (5-1920), tiếp theo trong năm 1930, các đảng công sản ra đời ở Việt Nam, Mã Lai, Xiêm, Phi-lip-pin.

Chọn A

Câu 5

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 87.

Cách giải:

Ỏ Lào, cuộc khởi nghĩa Ong Kẹo và Commađam nổ ra từ năm 1901, tiếp diễn trong hơn 30 năm đầu thế kỉ XX.

Chọn C

Câu 6

Phương pháp:  SGK Lịch sử 11, trang 84, suy luận.

Cách giải:

Trong và sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước đế quốc tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được du nhập đã thúc đẩy nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở khu vực Đông Nam Á phát triển. Đây chính là cơ sở để dẫn tới sự phân hóa giai cấp và sự phát triển của khuynh hướng dân chủ tư sản trong phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ nhất

Chọn B

Câu 7

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 91.

Cách giải:

Ngày 29/9/1938, Hội nghị Muy-ních được triệu tập với sự tham gia của người đứng đầu các chính phủ Anh, Pháp, Đức, Italia.

Chọn D

Câu 8

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 101.

Cách giải:

Ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh không điều kiện.

Chọn A

Câu 9

Phương pháp: Giải thích.

Cách giải:

Anh và Pháp phải chịu một phần trách nhiệm về sự bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) vì: thực hiện chính sách nhượng bộ phát xít. Điều này được thể hiện rõ trong Hội nghị Muy-ních.

Chọn A

Câu 10

Phương pháp: giải thích

Cách giải:

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỉ XX là do mâu thuẫn giữa các nước đế quốc xung quanh về vấn đề thuộc địa.

Chọn C

Câu 11

Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về Chiến tranh thế giới thứ hai và phân tích các đáp án để chỉ ra nguyên nhân thúc đẩy các quốc gia trên thế giới hình thành liên minh chống phát xít.

Cách giải:

- Đáp án A loại vì đây chỉ là 1 trong các nguyên nhân thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước lớn chống lại phe phát xít.

- Đáp án B đúng vì hành động xâm lược của phe phát xít đã làm cho các nước lo ngại. Cụ thể là Anh, Pháp sau đó có Mĩ đã bắt tay với Liên Xô để cùng chống lại các nước phát xít.

- Đáp án C loại vì lúc này Anh chưa thất bại trên chiến trường (Anh có ưu thế về hải quân, không quân và có sự viện trợ của Mĩ nên kế hoạch đổ bộ lên nước Anh của quân Đức không thực hiện được).

- Đáp án D loại vì thực tế chiến trường cho thấy chỉ có một số nước lớn tham chiến.

Chọn B

Câu 12

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 107.

Cách giải:

Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của quân dân Việt Nam ở mặt trận Đà Nẵng (1858) đã bước đầu làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.

Chọn A

Câu 13

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 106.

Cách giải:

Trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858), Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Chọn B

Câu 14

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 108.

Cách giải:

Sau nhiều lần đưa quân đến khiêu khích, chiều 31 – 8 – 1858 liên quân Pháp – Tây Ban Nha với khoảng 30000 binh lính và sĩ quan, bố trí trên 14 chiến thuyền kéo tới dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng.

Chọn C

Câu 15

Phương pháp: sgk 11 trang 114.

Cách giải:

Lợi dụng sự bạc nhược, thiếu kiên quyết của triều đình Huế, Pháp đã chiếm trọn 3 tỉnh miền Tây Nam Kì (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) mà không tốn một viên đạn.

Chọn D

Câu 16

Phương pháp: Giải thích.

Cách giải:

- Đáp án A lựa chọn vì nếu triều đình cùng nhân dân ta kiến quyết chống Pháp thì đã không bỏ lỡ cơ hội đánh thắng Pháp hoàn toàn.

- Đáp án B loại vì việc thực dân Pháp tấn công bất ngờ chỉ là 1 yếu tố khách quan, nó không quyết định việc 3 tỉnh miền Tây nhanh chóng bị đánh chiếm.

- Đáp án C loại vì nhân dân muốn cùng triều đình chống Pháp nhưng triều đình vì quyền lợi giai cấp mà từng bước quay lưng lại với cuộc kháng chiến của nhân dân.

- Đáp án D loại vì trang bị vũ khí yếu kém chỉ là 1 yếu tố khách quan, nó cũng có ảnh hưởng nhưng không phải yếu tố quyết định. Thực tế, từ 1858 – 1862, vũ khí của triều đình và nhân dân thô sơ nhưng vẫn khiến cho quân Pháp nhiều phen hoang mang. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng đã bị phá sản và phải chuyển sang kế hoạch chinh phục từng gói nhở. Chính sự bạc nhược của triều đình mà quân Pháp đã nhanh chóng chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam Kì năm 1867 chỉ trong vòng 5 ngày.

Chọn A

Câu 17

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 117

Cách giải:

Nội dung đáp án D không phải là hành động của nhân dân Bắc Kì khi Gác-ni-ê đưa quân tấn công Bắc Kì lần thứ nhất năm 1873.

Chọn D

Câu 18

Phương pháp: sgk lịch sử 11, trang 119

Cách giải:

Với Hiệp ước Giáp Tuất (1874), triều đình nhà Nguyễn chính thức thừa nhận sáu tỉnh Nam Kì là đất thuộc Pháp.

Chọn B

Câu 19

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 122

Cách giải:

Sau thất bại tại trận Cầu Giấy lần thứ hai (19/5/1883), khác với lần trước, thực dân Pháp càng củng cố dã tâm xâm chiếm toàn bộ Việt Nam

Chọn A 

Câu 20

Phương pháp: Dựa vào thời gian kí kết các Hiệp ước này giữa triều đình nhà Nguyễn từ năm 1862 – 1884 để sắp xếp.

Cách giải:

2. Hiệp ước Nhâm Tuất (1862).

4. Hiệp ước Giáp Tuất (1874).

1. Hiệp ước Hác – măng (1883).

3. Hiệp ước Pa - tơ – nốt (1884).

Chọn A

Câu 21

Phương pháp: sgk 11 trang 114, suy luận.

Cách giải:

Khi bị giặc bắt đem đi hành hình, Nguyễn Trung Trực đã khảng khái nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Câu nói này thể hiện quyết tâm đánh Pháp không chỉ của riêng Nguyễn Trung Trực mà nó còn đại diện cho quyết tâm của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Chọn B

Câu 22

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 133.

 Cách giải:

Cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương là cuộc khởi nghĩa Hương Khê, bởi vì:

- Quy mô, địa bàn hoạt động rộng lớn, gồm 4 tỉnh bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

- Trình độ tổ chức quy củ: gồm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người do các tướng lĩnh tài ba chỉ huy.

- Thời gian tồn tại dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, 10 năm từ năm 1885 đến năm 1896.

- Khởi nghĩa thất bại đánh dấu mốc kết thúc của phong trào đấu tranh chống Pháp dưới ngọn cờ Cần vương.

Chọn D

Câu 23

Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 126.

Cách giải:

Nét nổi bật của phong trào Cần Vương ở giai đoạn hai (1888 – 1896) là: Phong trào phát triển theo chiều sâu, quy tụ thành những trung tâm lớn.

Chọn D

Câu 24

Phương pháp: Đánh giá về tính chất của phong trào Cần vương thong qua các tiêu chí: Mục tiêu, nhiệm vụ; lãnh đạo; khuynh hướng.

Cách giải:

- Đáp án B phản ánh đúng tính chất của phong trào Cần vương vì:

+ Nhiệm vụ: chống Pháp, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ phong kiến với vua hiền, tôi giỏi.

+ Lãnh đạo: giai đoạn 1885 - 1888 là vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết; giai đoạn 1888 - 1896 là văn thân, sĩ phu yêu nước tiến bộ.

+ Khuynh hướng: phong kiến.

→ Mang tính yêu nước nhưng không mang tính cách mạng.

Chọn B

Câu 25

Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX để phân tích các đáp án và tìm ra điểm chung và ưu điểm lớn nhất của phong trào này.

Cách giải:

- Đáp án A loại vì đây là điểm chung nhưng không phải ưu điểm lớn nhất.

- Đáp án B loại vì phong trào nông dân Yên Thế không theo phạm trù phong kiến.

- Đáp án C chọn vì lúc này phong trào đấu tranh đều xác định là chống Pháp.

- Đáp án D loại vì với Hiệp ước Pa tơ nốt năm 1884 giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp thì thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành công cuộc xâm lược Việt Nam. Phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX đã làm chậm quá trình bình định Việt Nam của thực dân Pháp.

Chọn C

 

 

 

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved