Đề bài
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II
MÔN LỊCH SỬ- LỚP 8
Câu 1. Dấu hiệu nào chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX quan hệ quốc tế giữa các đế quốc ở Châu Âu ngày càng căng thẳng?
A. Sự hình thành liên minh chính trị đối đầu nhau
B. Sự hình thành các liên minh kinh tế đối đầu nhau
C. Sự hình thành các khối quân sự đối đầu nhau
D. Sự tập trung lực lượng quân sự ở biên giới giữa các nước
Câu 2. Sự kiện nào tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang Bắc Mĩ ở thế kỉ XVIII?
A. Công bố Tuyên ngôn độc lập.
B. Ngày 17/10/1777, thắng lớn ở Xa-ra-tô-ga.
C. Hội nghị lục địa.
D. “ Chè Bốt-xtơn”.
Câu 3. Mở đầu quá trình xâm lược Trung Quốc thực dân Anh đã làm gì?
A. Khuất phục triều đình Mãn Thanh
B. Tiến hành cuộc chiến tranh thuốc phiện
C. Tiến hàng chiến tranh với các nước đế quốc Âu, Mĩ, Nhật Bản
D. Cấu kết với các đế quốc khác để xâu xé Trung Quốc
Câu 4. Sự kiện nào gây ra tổn thất khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, kết thúc một thời kì phát triển của lịch sử thế giới hiện đại?
A. Chủ nghĩa phát xít được hình thành ở Đức, Italia, Nhật Bản.
B. Phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh mẽ.
C. Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).
D. Cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933)
Câu 5. Sau Cách mạng tháng Hai, tình hình nước Nga có điểm gì nổi bật?
A. Hai chính quyền song song tồn tại.
B. Chính phủ lâm thời tiếp tục tham gia chiến tranh.
C. Chính quyền Xô viết tuyên bố nước Nga rút khỏi chiến tranh.
D. Quần chúng nhân dân phản đối mạnh mẽ chiến tranh.
Câu 6. Sự kiện nổi bật nào tạo nên sự chuyển biến lớn của cục diện chính trị thế giới trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918)?
A. Nhiều Đảng Cộng sản được thành lập ở các nước châu Á.
B. Cách mạng tháng Mười Nga thành công.
C. Phe Hiệp ước giành thắng lợi trên các mặt trận.
D. Đức tuyên bố đầu hàng không điều kiện
Câu 7. Đảng Quốc Đại là đảng của giai cấp nào?
A. Giai cấp tư sản.
B. Giai cấp vô sản.
C. Giai cấp phong kiến.
D. Giai cấp nông dân
Câu 8. Vì sao Nhật Bản thoát ra khỏi sự xâm lược của tư bản phương Tây?
A. Vì Nhật có chính sách ngoại giao tốt.
B. Vì Nhật có nền kinh tế phát triển.
C. Vì Nhật tiến hành cải cách tiến bộ.
D. Vì chính quyền phong kiến Nhật mạnh.
Câu 9. Nội dung nào sau đây không phải nguyên nhân các nước thực dân phương Tây tiến hành xâm lược Đông Nam Á?
A. Đông Nam Á giàu tài nguyên thiên nhiên.
B. Nhu cầu thị trường và thuộc địa của các nước phương Tây.
C. Chính trị các nước Đông Nam Á đang khủng hoảng.
D. Các nước Đông Nam Á thực hiện cải cách không thành công.
Câu 10. Trước cách mạng, ở Pháp đẳng cấp nào được hưởng đặc quyền, không phải đóng thuế?
A. Đẳng cấp tăng lữ.
B. Đẳng cấp quý tộc.
C. Đẳng cấp thứ ba.
D. Đẳng cấp tăng lữ và quý tộc.
Câu 11. Ý nghĩa quan trọng nhất của những phát minh về khoa học tự nhiên là gì?
A. Giúp con người hiểu biết thêm về thế giới vật chất xung quanh.
B. Khẳng định vạn vật chuyển biến, vận động theo quy luật.
C. Tấn công mạnh mẽ vào những giáo lí của thần học.
D. Đặt cơ sở cho những nghiên cứu ứng dụng sau này, thúc đẩy sản xuất và kĩ thuật phát triển.
Câu 12. Em hãy điền các từ hoặc cụm từ sau đây vào chỗ (….) cho phù hợp với nội dung của Cách mạng tháng Mười Nga 1917
“ Cách mạng tháng Mười đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trên thế giới và để lại nhiều (1)………………… cho cuộc đấu tranh giải phóng của (2)………………, nhân dân lao động và các dân tộc (3)………………., tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào (4)…………. ….. ở nhiều nước.”
A. (1) bài học; (2) giai cấp tư sản; (3) bị áp bức; (4) giải phóng dân tộc
B. (1) hệ quả; (2) giai cấp vô sản; (3) bị lệ thuộc; (4) giải phóng dân tộc
C. (1) bài học kinh nghiệm; (2) giai cấp công nhân; (3) bị áp bức; (4) giải phóng dân tộc
D. (1) bài học kinh nghiệm; (2) giai cấp vô sản; (3)bị áp bức; (4) giải phóng dân tộc
Câu 13. Đế quốc nào được mệnh danh là "con hổ đói đến bàn tiệc muộn"?
A. Đức.
B. Ý.
C. Mỹ.
D. Nhật.
Câu 14. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp có gì hạn chế?
A. Chủ yếu phục vụ cho giai cấp tư sản.
B. Phục vụ quyền lợi của giai cấp công nhân.
C. Phục vụ quyền lợi của giai cấp địa chủ phong kiến.
D. Phục vụ cho các tầng lớp tham gia đấu tranh.
Câu 15. Sau cuộc cách mạng dân chủ tư sản 1905-1907 thất bại, nước Nga:
A. Vẫn là một đế quốc quân chủ chuyên chế do Nga hoàng Ni-cô-lai II đứng đầu
B. Bị đẩy vào cuộc chiến tranh đế quốc khốc liệt.
C. Là một đế quốc quân phiệt và hiếu chiến.
D. Cả A và B đều đúng.
Câu 16. Xã hội Pháp trước cách mạng gồm có những đẳng cấp nào?
A. Tăng lữ, Quý tộc, nông dân.
B. Tăng lữ, Quý tộc, Đẳng cấp thứ ba.
C. Tăng lữ, Quý tộc, tư sản.
D. Nông dân, tư sản, các tầng lớp khác.
Câu 17. Từ bài học Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội 1921-1941 em rút ra được ý không phải là đặc điểm về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên xô giai đoạn này là
A. Bước đầu đặt nền móng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hôi ở Liên Xô.
B. Khẳng đinh sự ưu việt của mô hình xã hội chủ nghĩa.
C. Đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trên mọi lĩnh vực.
D. Hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế.
Câu 18. Phong trào công nhân tại thành phố Li-ông Pháp đấu tranh với khẩu hiêụ “sống trong lao động, chết trong chiến đấu”. Khẩu lệnh đó có ý nghĩa như thế nào?
A. Sống là phải làm việc.
B. Chết cũng phải chết vinh quang.
C. Quyền được lao động không bị bóc lột và quyết tâm chiến đấu để bảo vệ quyền lao động của mình.
D. Sống và chiến đấu để vệ bảo vệ công lý.
Câu 19. Vì sao Liên Xô buộc phải tạm ngừng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội vào năm 1941?
A. Vì Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra.
B. Vì Liên Xô tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai.
C. Vì phe phát xít tấn công Liên Xô.
D. Phát xít Đức tấn công, Liên Xô tiến hành chiến tranh giữ nước.
Câu 20. Nguyên nhân nào dưới đây là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho các cuộc đấu tranh của công nhân Anh, Pháp, Đức bị thất bại?
A. Lực lượng công nhân còn rất ít.
B. Giai cấp tư sản còn đang rất mạnh.
C. Thiếu sự lãnh đạo đúng đắn và chưa có đường lối chính trị rõ ràng.
D. Chưa có sự liên minh với giai cấp nông dân.
Lời giải chi tiết
1. C | 2. B | 3. B | 4. C | 5. A |
6. B | 7. A | 8. C | 9. D | 10. D |
11. B | 12. C | 13. A | 14. A | 15. D |
16. B | 17. D | 18. C | 19. D | 20. C |
Câu 1
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 70, suy luận.
Cách giải:
Sự hình thành các khối quân sự đối đầu nhau (Liên minh - Hiệp ước) ở châu Âu, ráo riết chạy đua vũ trang chuẩn bị tiến hành chiến tranh thế giới là dấu hiệu chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX quan hệ quốc tế giữa các đế quốc ở Châu Âu ngày càng căng thẳng
Chọn C
Câu 2
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 9.
Cách giải:
Sự kiện tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang Bắc Mĩ ở thế kỉ XVIII là sự kiện ngày 17/10/1777, thắng lớn ở Xa-ra-tô-ga. Chiến thắng này đã làm suy sụp tinh thần của quân Anh, củng cố niềm tin vào thắng lợi của nhân dân các nước thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.
Chọn B
Câu 3
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 58.
Cách giải:
Mở đầu quá trình xâm lược Trung Quốc thực dân Anh đã tiến hành cuộc chiến tranh thuốc phiện (1840 – 1842).
Chọn B
Câu 4
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 113.
Cách giải:
Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 -1945) là cuộc chiến trang gây ra tổn thất khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, đánh dấu kết thúc một thời kì của lịch sử thế giới hiện đại, đó là thời kì 1917 – 1945, mở ra một thời kì mới sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 2000)
Chọn C
Câu 5
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 77.
Cách giải:
Sau Cách mạng tháng Hai, tình hình nước Nga có điểm nổi bật là hai chính quyền song song tồn tại.
Chọn A
Câu 6
Phương pháp: Xác định sự kiện làm chuyển biến cục diện chính trị thế giới và phân tích sự kiện này => Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện làm chuyển biến cục diện chính trị thế giới.
Cách giải:
Cách mạng tháng Mười năm 1917 thành công ở Nga là một sự kiện nổi bật trong phong trào cách mạng thế giới. Đồng thời đánh dấu sự chuyển biến lớn trong cục diện chính trị thế giới bởi sau đó nhà nước Xô viết ra đời. Đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên thắng lợi trên thế giới, góp phần cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới đứng lên giành độc lập cho mình theo con đường mới. Hơn nữa, chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất trên thế giới nữa mà tồn tại song song với nó là chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chọn B
Câu 7
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 57.
Cách giải:
Đảng Quốc Đại là đảng của giai cấp tư sản.
Chọn A
Câu 8
Phương pháp: Dựa vào cuộc cải cách tiến bộ và toàn diện mà Nhật Bản thực hiện năm 1869 để giải thích.
Cách giải:
Nhật Bản thoát ra khỏi sự xâm lược của tư bản phương Tây vì Nhật Bản đã tiến hành cải cách tiến bộ về kinh tế, chính trị - xã hội, quân sự, giáo dục. Nhờ đó, Nhật Bản đã tạo nên được sức mạnh không chỉ về kinh tế mà còn trên nhiều mặt khác và thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa, phát triển lên thành một nước tư bản công nghiệp.
Chọn C
Câu 9
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 63, suy luận.
Cách giải:
- Các đáp án A, B, C: đều là nguyên nhân dẫn đến các nước thực dân phương Tây tiến hành xâm lược Đông Nam Á.
- Đáp án D: ở Đông Nam Á chỉ có Xiêm thực hiện cải cách + chính sách ngoại giao mềm dẻo nên vẫn giữ được độc lập. Các nước còn lại chính quyền đều rơi vào khủng hoảng. Tiêu biểu là Việt Nam, triều Nguyễn thực hiện chính sách đóng cửa, từ chối các đề nghị cải cách.
Chọn D
Câu 10
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 10.
Cách giải:
Trước cách mạng, ở Pháp đẳng cấp tăng lữ và quý tộc được hưởng đặc quyền, không phải đóng thuế.
Chọn D
Câu 11
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 53.
Cách giải:
Ý nghĩa quan trọng nhất của những phát minh về khoa học tự nhiên là khẳng định vạn vật chuyển biến, vận động theo quy luật.
Chọn B
Câu 12
Phương pháp: Dựa vào kiến thức về ý nghĩa Cách mạng tháng Mười (SGK Lịch sử 8, trang 82) để điền từ phù hợp.
Cách giải:
Cách mạng tháng Mười đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trên thế giới và để lại nhiều (1) bài học kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh giải phóng của (2) giai cấp công nhân , nhân dân lao động và các dân tộc (3) bị áp bức , tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào (4) giải phóng dân tộc ở nhiều nước.
Chọn C
Câu 13
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 41.
Cách giải:
Đế quốc Đức được mệnh danh là "con hổ đói đến bàn tiệc muộn".
Chọn A
Câu 14
Phương pháp: Dựa vào nội dung của Bản tuyên ngôn để đánh giá.
Cách giải:
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp có điểm hạn chế là: Chủ yếu phục vụ cho giai cấp tư sản. Điều này thể hiện rõ ở điều khoản 17 “Quyền sở hữu là quyền bất khả xâm phạm và thiêng liêng không ai có thể tước bỏ”.
Chọn A
Câu 15
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 75
Cách giải:
Sau khi cuộc cách mạng DCTS 1905 – 1907 thất bại nước Nga vẫn là 1 đế quốc quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Nga hoàng Nicolai II. Năm 1914 Nga hoàng đã đẩy nhân dân Nga vào cuộc chiến tranh đế quốc gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước
Chọn D
Câu 16
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 10.
Cách giải:
Xã hội Pháp trước cách mạng gồm có 3 đẳng cấp: Tăng lữ, Quý tộc, Đẳng cấp thứ ba.
Chọn B
Câu 17
Phương pháp: Dựa vào kiến thức về quá trình Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội để rút ra bài học.
Cách giải:
Hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế là ý nghĩa của chính sách kinh tế mới, không phải là bài học về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.
Chọn D
Câu 18
Phương pháp: Dựa vào khẩu hiệu được nêu để giải thích.
Cách giải:
Phong trào công nhân tại thành phố Li-ông Pháp đấu tranh với khẩu hiêụ “sống trong lao động, chết trong chiến đấu”. Khẩu lệnh đó có ý nghĩa: Quyền được lao động không bị bóc lột và quyết tâm chiến đấu để bảo vệ quyền lao động của mình.
Chọn C
Câu 19
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 86.
Cách giải:
Liên Xô buộc phải tạm ngừng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội vào năm 1941 vì Phát xít Đức tấn công, Liên Xô tiến hành chiến tranh giữ nước.
Chọn D
Câu 20
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 30.
Cách giải:
Nguyên nhân cơ bản nhất làm cho các cuộc đấu tranh của công nhân Anh, Pháp, Đức bị thất bại là thiếu sự lãnh đạo đúng đắn và chưa có đường lối chính trị rõ ràng.
Chọn C
Chủ đề 5. Thiết kế kĩ thuật
Unit 2: Life in the countryside
Bài 10. Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân
CHƯƠNG 1. KHÁT QUÁT VỀ CƠ THỂ NGƯỜI
Chủ đề 6. Gia đình yêu thương