Đọc lại văn bản Xuý Vân giả dại trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 127–130) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Nhận xét khái quát về tính cách của nhân vật Xuý Vân được thể hiện qua lớp chèo Xuý Vân giả dại.
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Xuý Vân giả dại trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 127–130).
- Rút ra nhận xét về tính cách nhân vật.
Lời giải chi tiết:
Qua lớp chèo Xuý Vân giả dại, Xuý Vân thể hiện là một phụ nữ có khát vọng hạnh phúc cháy bỏng, không cam chịu sự an bài của số phận, phần nào dám sống là mình, vượt lên phản ứng trái chiều của dư luận.
Câu 2
Liệt kê những từ, cụm từ chỉ trạng thái nội tâm của Xuý Vân được bộc lộ qua lời thoại. Trên cơ sở đó, hãy phân tích nguyên nhân sâu xa thúc đẩy Xuý Vân bày ra cảnh giả dại của mình.
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Xuý Vân giả dại trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 127–130).
- Chú ý những từ, cụm từ chỉ trạng thái nội tâm của Xuý Vân.
- Phân tích nguyên nhân thúc đẩy Xúy Vân bày ra cảnh giả dại.
Lời giải chi tiết:
Những từ, cụm từ chỉ trạng thái nội tâm của Xuý Vân được bộc lộ qua lời thoại: đau, chờ, đợi, chả nên gia thất thì về, mặc, điên cuồng, rồ dại, đắng cay, ức, thương, nhớ.
Qua những từ, cụm từ ấy, có thể thấy Xuý Vân bày ra cảnh giả dại vì mang nỗi bất bình lớn với tình trạng cuộc sống hiện tại, muốn được thực sự sống theo đòi hỏi của trái tim đầy thương yêu, khao khát.
Câu 3
Giữa giả dại và điên thật nhiều khi không có ranh giới rõ ràng. Hãy chọn phân tích một đoạn lời thoại có thể làm minh chứng cho điều này.
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Xuý Vân giả dại trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 127–130).
- Phân tích một đoạn lời thoại.
Lời giải chi tiết:
Nói đến trạng thái điên của một con người, ta thường nghĩ đến sự mâu thuẫn của mọi lời nói, việc làm, do lí trí đã buông mặc vai trò kiểm soát. Xuý Vân chắc sẽ không giả dại nổi nếu bên trong nàng không dậy lên những cơn “điên thật". Do vậy, mọi động thái biểu lộ bên ngoài đều là kết quả song trùng của ý đồ giả điên và sự bộc phát của những cơn điên thật ấy. Nhiều đoạn lời thoại có thể minh chứng cho điều này.
Ví dụ:
Đoạn được hát theo điệu "quá giang”: tâm trạng diễn biến theo chu kì, từ nhẫn nhịn, chấp thuận hoàn cảnh (“luỵ đò”, “luỵ cô bán hàng") đến dứt khoát từ bỏ việc đã an bài (“Chả nên gia thất thì về”) rồi quay lại với sự van vỉ, tự nhủ lòng đừng làm gì vượt quá ranh giới (“chắp tay lạy bạn đừng cười”, “giữ lấy đạo hằng chớ quên”). Rõ ràng, tâm trạng và hành xử của Xuý Vân đầy mâu thuẫn. Người xem chèo hay đọc kịch bản chèo một mặt có thể nói Xuý Vân đã dựng lên màn giả dại rất đạt, mặt khác lại thấy rõ những mâu thuẫn này là tồn tại thực, thể hiện con người thực của Xuý Vân – một người không thể tự chủ trước bao lời réo gọi từ nhiều phía khác nhau.
Câu 4
Nêu những đoạn lời thoại có hình thức của thể thơ lục bát. So với cấu trúc lục bát “khuôn mẫu” thể lục bát xuất hiện ở đây có điểm gì khác biệt? Bạn đánh giá thế nào về tác dụng của điểm khác biệt đó trong việc thể hiện tâm trạng nhân vật và miêu tả tình huống của lớp chèo?
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Xuý Vân giả dại trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 127–130).
- Xem lại đặc điểm của thể thơ lục bát.
- Đưa ra đánh giá về tác dụng của điểm khác biệt trong việc thể hiện tâm trạng nhân vật và miêu tả tình huống của lớp chèo.
Lời giải chi tiết:
Những đoạn lời thoại có hình thức của thể thơ lục bát:
- Tôi kêu đò, đò nọ không thưa,
Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò.
- Cách con sông nên tôi phải luỵ đò,
[...]
Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên.
- Chờ cho bông lúa chín vàng,
Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.
- Rủ nhau lên núi Thiên Thai,
Thấy hai con quạ đang ăn xoài trên cây.
Ba cô bán mắm trong làng,
Mắm không bán hết, còn quang với thùng..
- Con cá rô nằm vũng chân trâu,
Để cho năm bảy cần câu châu vào!
- Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông,
Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.
- Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,
Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây. [...]
So với cấu trúc lục bát “khuôn mẫu” thể lục bát xuất hiện ở đây có một số nét khác biệt: số tiếng trong dòng thơ có khi nhiều hơn 6 (với dòng trên) và nhiều hơn 8 (với dòng dưới); bên cạnh nhịp chẵn, nhiều dòng có nhịp lẻ ("Tôi kêu đò,/ đò nọ không thưa, Tôi càng chờ/ càng đợi, /càng trưa chuyển đò”; “Cách con sông/ nên tôi phải luỵ đò”;..). Đây chính là hình thức lục bát biến thể. Việc chêm vào nhiều tiếng và biến đổi cách ngắt nhịp như nói trên có tác dụng làm cho lời thơ gần với lời nói hằng ngày, một mặt diễn tả được tâm trạng bấn loạn, rối bời của nhân vật, mặt khác thể hiện được tính bất thường của hoàn cảnh mà nhân vật đang lâm vào. Thêm nữa, việc kéo dài câu thơ còn có tác dụng tạo đủ thời gian cho diễn viên thực hiện các động tác múa kèm theo lời hát.
Câu 5
Phân tích hiện tượng chuyển nghĩa của từ "đò" trong hai dòng thơ sau:
Tôi kêu đò, đò nọ không thưa,
Càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò.
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về hiện tượng chuyển nghĩa để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Tôi kêu đò, đò nọ không thưa,
Càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò.
Từ “đò ” nguyên nghĩa chỉ một phương tiện chuyên chở trên sông nước nhưng ở dòng thơ thứ nhất, nó đã được dùng theo nghĩa hoán dụ, chỉ “người lái đò” (vì đó là vật vô tri, không thể nghe được tiếng gọi và cũng không thể cất lời “thưa”). Còn ở dòng thơ thứ hai, “đò” trong cụm từ“càng trưa chuyến đò” đã mang nghĩa ẩn dụ, chỉ tình trạng trễ tràng, lỡ làng hoặc ế ẩm, đáng than thở.
Câu 6
Xác định nghĩa của các từ trăng gió, gió trăng trong lời thoại sau của Xuý Vân:
Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng.
Gió trăng thời mặc gió trăng,
Phương pháp giải:
Phân tích nghĩa của các từ trăng gió, gió trăng.
Lời giải chi tiết:
Hai từ “trăng gió”, “gió trăng" trong lời thoại của Xuý Vân (“Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng./ Gió trăng thời mặc gió trăng”) không chỉ các hiện tượng tự nhiên mà chỉ phẩm chất, tính cách của con người. Người "trăng gió” hoặc người “gió trăng” là người đa tình, dễ yêu, hồi đáp nhạy bén với tiếng gọi của tình yêu, phần nào coi nhẹ những nguyên tắc giao tiếp giữa nam và nữ mà xã hội phong kiến đã quy định.
Câu 7
Xuý Vân có đáng được thông cảm hay không? Nêu ý kiến của bạn về vấn đề này.
Phương pháp giải:
Nêu ý kiến của bản thân về vấn đề trên.
Lời giải chi tiết:
Khi bày tỏ ý kiến về việc Xuý Vân có đáng được thông cảm hay không, cần chú ý triển khai lập luận theo một quan điểm nhân văn hoặc đạo đức rõ ràng, trên cơ sở thấu hiểu cảnh ngộ của nhân vật, thấu hiểu lí do thúc đẩy nhân vật có những hành động mà lớp chèo đã thể hiện. Có thể bày tỏ thái độ vừa tán đồng, vừa không tán đồng đối với nhân vật bằng những lí lẽ rành mạch.
Ví dụ: Xuý Vân vốn là cô gái đảm đang, xinh đẹp, lấy Kim Nham là do sự sắp đặt của cha mẹ chứ không phải xuất phát từ tình yêu. Sau khi lấy chồng, Xuý Vân vẫn làm tròn bổn phận của mình, ủng hộ con đường khoa cử của chồng, hứa đợi chàng trở về. Trong con người nàng luôn mong muốn có cuộc sống êm đềm, giản dị, hạnh phúc “chồng cầy, vợ cấy”.
Xuý Vân là người con gái có niềm khát khao yêu đương cháy bỏng. Tuy nhiên, do người chồng đi vắng suốt nhiều năm trời, Xuý Vân đang ở độ tuổi xuân thì mà phải cô đơn lẻ bóng một mình khiến nàng bị rung động trước những lời nói non ngọt của Trần Phương. Xuý Vân giả dại là để được tự do, để được sống cho bản thân mình, cũng chính vì điều đó đã khiến nàng rơi vào bi kịch. Xuý Vân đáng trách, nhưng xét cho cùng, nàng chỉ là hiện thân cho số phận éo le, bếp bênh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến nên chúng ta có thể cảm thông cho cuộc đời và số phận của nàng.
Unit 5: Inventions
Chủ đề 1. Lịch sử và Sử học
Chương 8. Chuyển động tròn
Unit 7: Viet Nam and international organisations
Unit 6: Money
Chuyên đề học tập Văn - Cánh diều Lớp 10
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Kết nối tri thức lớp 10
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Cánh diều lớp 10
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 10
Văn mẫu - Kết nối tri thức
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Chân trời sáng tạo lớp 10
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Kết nối tri thức Lớp 10
Lý thuyết Văn Lớp 10
SBT Văn - Cánh diều Lớp 10
SBT Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - siêu ngắn Lớp 10
Tác giả tác phẩm Lớp 10