I. CÁC DẠNG THÙ HÌNH CỦA CACBON
1. Dạng thù hình của một nguyên tố là những đơn chất khác nhau do cùng một nguyên tố tạo nên.
Thí dụ oxi O2, ozon O3 là hai dạng thù hình của nguyên tố oxi.
2. Dạng thù hình của cacbon gồm đơn chất nào? Có tính chất cơ bản gì?
Nguyên tố cacbon có 3 dạng thù hình là:
- Kim cương: cứng, trong suốt, không dẫn điện.
- Than chì: mềm, dẫn điện.
- Cacbon vô định hình (than đá, than gỗ, than xương): xốp, không dẫn điện.
III. TÍNH CHẤT CỦA CACBON
1. Tính chất hấp phụ
- Than gỗ có khả năng giữ trên bề mặt của nó các chất khí, chất hơi, chất tan trong dung dịch. Than gỗ có tính hấp phụ
- Than hoạt tính có tính hấp phụ cao được dùng để làm trắng đường, chế tạo mặt nạ, phòng độc...
2. Tính chất hóa học
a) Tác dụng với oxi tạo thành cacbon dioxit CO2 (C là chất khử)
Phương trình hóa học: C + O2 \( \xrightarrow[]{t^{0}}\) CO2
Phản ứng tỏa nhiều nhiệt, do đó C được dùng làm nhiên liệu sản xuất và đời sống
b) Tác dụng với oxit kim tạo thành CO2 và kim loại
Phương trình hóa học: C + 2CuO \( \xrightarrow[]{t^{0}}\) 2Cu + CO2
Ở nhiệt độ cao, C khử được một số oxit kim loại như PbO, ZnO,...thành Pb, Zn.... Trong luyện kim người ta sử dụng tính chất này của cacbon để điều chế kim loại.
III. ỨNG DỤNG CỦA CACBON
Tùy thuộc vào tính chất của mỗi dạng thù hình, người ta sử dụng cacbon trong đời sống, sản xuất và trong kĩ thuật.
Thí dụ: than chì được dùng làm điện cực, chất bôi trơn, ruột bút chì; kim cương được dùng làm đồ trang sức quý hiếm, mũi khoan, dao cắt kính...