Đề bài
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng"
Lời giải chi tiết
Từ ngàn xưa đến nay, biết bao người sẵn sàng hi sinh mạng sống để bảo vệ danh dự; phẩm giá của mình. Đó là đức tính, là truyền thống ngàn đời của dân ta. Một lần nữa, để khẳng định điều ấy, tục ngữ ta có câu:
”Hùm chết để da, người ta chết để tiếng"
Câu tục ngữ phản ánh lại chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, một kinh nghiệm đời thường. Con hùm khi chết đi, tuy xương thịt rã rời nhưng vẫn để bộ da quí giá. Cũng như con người, dù đã chết tiếng tăm vẫn còn mãi về sau. Qua hình ảnh ngẫu nhiên, thường tình trong cuộc sống, câu tục ngữ muốn nhận một bài học: Phải sống đẹp sao cho khi đã mất tiếng thơm vẫn còn về sau; đừng sống thế nào mà khi không còn trên thế gian, tiếng xấu vẫn không phai mờ.
Bài học trong câu tục ngữ là bài học quý giá sống mãi với thời gian. Từ ngàn xưa đến nay, trên cuộc đời, vạn vật đều theo quy luật có sinh có tử, không ai biết từ bao giờ. Lúc còn sống, chúng ta có người giàu, kẻ nghèo; người giỏi, kẻ khờ, người hơn, kẻ thua kém. Thế nhưng, khi chết đi thì ai cũng là cái xác không hồn, không còn gì về vật chất - mà chúng ta để lại giá trị tinh thần tiếng tăm của bản thân. Nếu chúng ta sống "đẹp" thì tiếng thơm lưu mãi ngàn năm, sông "không đẹp" thì suốt đời tiếng xấu cũng vẫn còn:
"Trăm năm bia đá thì còn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"
Rõ ràng, con người ai cũng phải chết, nhưng tiếng tăm phải được lưu danh sử sách. Ngày xưa Trần Bình Trọng đã hiên ngang hét vào mặt bọn giặc: "Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" và cùng với Nguyễn Trãi, Lê Lợi... những vị anh hùng của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, lại có những vị vua như: Lê Chiêu Thông cõng rắn cắn gà nhà, Nguyễn Ánh đang tâm cầu viện thực dân Pháp... Những người tuy thần xác đã vùi vào cát bụi nhưng ngàn đời vẫn để lại nỗi nhục nhã cho dân tộc Việt Nam, ngàn đời vẫn phải chịu phê phán, chịu sự căm thù của nhân dân ta. Lại nữa, ca dao ta cũng có câu chuyện về con cò khi chết vẫn cố giữ sự trong sạch thanh cao cho cháu con tự hào. Huống chi, chúng ta là con người suy nghĩ, biết nhận thức. Vậy, thà "Tốt danh hơn lành áo". Câu tục ngữ là phương châm, là chân lý ngàn đời của mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, bên cạnh những cách sống đẹp vẫn còn tồn tại loại người không có ý thức, sống buông thả, bừa bãi. Họ xem thường đạo đức, xem đạo đức là thứ bỏ đi. Đó là những kẻ thiển cận, không nhìn xa thấy rộng không hiểu được đạo đức chính là giá trị cuộc sống. Họ chi sống một cuộc sống vô nghĩa, trống rỗng. Những loại người như thế là cặn bã của xã hội mà chúng cần phải loại trừ. Mặt tốt và mặt xấu luôn tồn tại song song trong xã hội, câu tục ngữ là chiếc phao giúp ta phát huy mặt tốt để xã hội ngày càng đẹp hơn. Do đó từ nhỏ, ta phải xây dựng cho mình một lối sống đẹp, sống làm sao để khi không còn trên cuộc đời này, ngàn năm mọi người vẫn còn tưởng nhớ đến chúng ta như thế chúng ta mới không hổ thẹn với con cháu. Và nếu ai cũng nghĩ và làm được như vậy thì xã hội này sẽ ngày một tốt đẹp biết bao!
Câu tục ngữ mãi mãi sống theo thời gian bởi đó là kim chỉ nam, giúp thành người hữu ích cho đất nước, non sông.