Đề bài
Ở vườn (hoặc công viên), các luống hoa (chậu hoa) nở bông rất đẹp. Hãy tả một cây bông mà em thích nhất (bài làm 3)
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Dàn bài chung cho bài văn tả cây cối
A. Mở bài
Giới thiệu cây (hoặc tả bao quát về cây): Có thể mở bài bằng một trong hai cách sau đây:
- Giới thiệu ngay cây cần tả (mở bài trực tiếp)
- Nói về những đề tài có liên quan để từ đó dẫn vào miêu tả cây cây cần tả (mở bài gián tiếp)
B. Thân bài
Tả từng bộ phận của cây hay tả sự thay đổi của cây qua từng thời kì phát triển
a. Tả bao quát
tầm cao, tán lá, hình dáng, đặc điểm nổi bật của cây khi mới nhìn hoặc nhìn từ xa.
b. Tả chi tiết (từng bộ phận của cây hoặc tả sự thay đổi của cây qua từng thời kì phát triển)
- Tả lần lượt từng bộ phận của cây (từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên)
+ Rễ cây có đặc điểm gì?
+ Gốc cây to hay nhỏ?
+ Chiều cao của thân cây? Vỏ cây như thế nào?
+ Lá: Hình dáng? Màu sắc? Tán lá có mấy tầng? Lá dày hay thưa?
+ Hoa: Màu sắc? Những nét đặc biệt về hình dáng hoa?
+ Quả (nếu có): Những nét đặc biệt về hình dáng, màu sắc của quả hoặc chùm quả?
- Hoặc có thể lựa chọn tả lần lượt từng thời kì phát triển của cây (Ra lá – Trưởng thành – Đâm hoa – Đậu quả)
- Tả cảnh vật hoặc các yếu tố liên quan đến đời sống của cây như gió, sương, chim chóc, sinh hoạt của con người,...
C. Kết bài
Có thể kết lại bài theo một số cách như sau:
a. Nêu cảm nghĩ về cây (Kết bài không mở rộng)
b. Sau khi kết thúc việc miêu tả, em có thể bình luận thêm về lợi ích của cây, tình cảm hoặc ấn tượng đặc biệt của người viết đối với cây (kết bài mở rộng)
Lời giải chi tiết
Chưa có mùa xuân nào vườn hoa nhà em lại nở nhiều bông như xuân năm này. Hình như chúng đua nhau thi tài khoe sắc, xem ai đón xuân đúng ngày, đúng tháng theo dự kiến của cô chủ nên mới hai mươi sáu, hai mươi bảy tết đã bắt đầu rục rịch hé mở những cánh hoa đầu tiên dưới nắng xuân hồng. Nào hồng, nào huệ, nào cúc, lay ơn, thược dược... loài nào cũng đẹp, cũng xinh. Nhưng em thích nhất vẫn là loài cúc trắng.
Ai cũng nghĩ là cúc thì phải màu vàng. Đúng như thế. Song chỉ có vậy, hoá ra cúc đơn điệu về màu sắc thế ư? Không! Vườn nhà em có loài cúc trắng, nó không chỉ nở về mùa thu mà suốt quanh năm cúc trắng vườn nhà em cứ đơm bông, khoe sắc với trời đất, vẫn nở nụ cười chúm chím lúc rạng đông rồi cười tươi một cách hồn nhiên đón nắng mai vàng khi ông mặt trời lên cao rực rỡ.
Cũng giống hệt như hoa cúc vàng, vẻ đẹp của cúc trắng chẳng kém phần lộng lẫy lại còn thêm vẻ trinh trắng kiêu sa hơn cúc vàng một bậc. Cũng những cánh hoa nhỏ li ti, cũng hương thơm ngan ngát dịu dàng, vậy mà em thích nó nhiều hơn cúc vàng đây. Cúc mọc thành từng khóm, thân cây chi chít, chen chúc lẫn nhau như muốn đứng tựa vào nhau bởi thân mềm, mảnh mai như thân sậy. Lá mọc thành từng chùm xoè ra như những ngón tay. Hình lá xẻ cong mềm mại, mọc so le nhưng rất dày, vì thế nhìn khóm cúc tưởng như nó xoà lan ra mặt đất. Lá cúc xanh quanh năm, một màu xanh dìu dịu. Còn bông thì nở theo từng tháng, mỗi đợt dễ đến gần nữa tháng hoa mới tàn, vài ngày sau đã bắt đầu điểm nụ. Vì thế, quanh năm dường như lúc nào cũng thấy bông có ở đầu cành. Dù nắng hạ mưa dông, tiết trời thay đổi cúc vẫn không quên nở hoa và cũng không vì thế mà kém cả sắc hương. Lúc nào, hoa cũng tròn xoe, trắng muốt, kiêu hãnh, xếp đặc cánh bao quanh nhụy. Và lúc nào cúc cũng được ong bướm bầu bạn đông vui nhất.
Cây cúc trắng không gợi nhớ mùa thu như cúc vàng, mùa xuân như vạn thọ. Nó là một loại hoa tứ quý luôn trang điểm cho đời thêm đẹp thêm vui. Có thể từ đặc điểm riêng biệt này mà làm cho em yêu loài hoa này nhất.
(Theo TT 151 Bài văn hay lớp 4)
SGK Tiếng Việt Lớp 4
VBT Tiếng Việt 4 - Cánh Diều
SGK Tiếng Việt 4 - Chân trời sáng tạo
VBT Tiếng Việt 4 - Chân trời sáng tạo
SGK Tiếng Việt 4 - Kết nối tri thức với cuộc sống
VBT Tiếng Việt 4 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Tiếng Việt 4 - Cánh Diều
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Tiếng Việt lớp 4
Cùng em học Tiếng Việt Lớp 4
VNEN Tiếng Việt Lớp 4
Vở bài tập Tiếng Việt Lớp 4
Đề thi, đề kiểm tra Tiếng Việt Lớp 4
Ôn tập hè Tiếng Việt Lớp 4