Nghị luận văn học lớp 11
Nghị luận văn học lớp 11

Phân tích hai câu đề và hai câu thực bài Tự Tình (II) của Hồ Xuân Hương.

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Dàn ý
Bài mẫu
Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Dàn ý
Bài mẫu

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu Hồ Xuân Hương

- Giới thiệu tác phẩm “Tự tình II” và bốn câu thơ đầu trong bài thơ:

2. Thân bài

– Hai câu thơ đầu mở ra cảm thức về thời gian và tâm trạng của nữ sĩ

+ Cảm thức về thời gian: Thời gian: đêm khuya. Âm hưởng của tiếng trống canh được đặt trong sự dồn dập, gấp gáp “trống canh dồn” cho thấy nữ sĩ cảm nhận sâu sắc bước đi không ngừng và vội vã của thời gian.

+ Cảm thức về tâm trạng: cảm nhận rõ ràng sự bẽ bàng của phận mình. Tác giả đã sử dụng biện pháp đảo ngữ, từ “trơ” được đưa lên đầu câu có tác dụng nhấn mạnh. “trơ” có nghĩa là tủi hổ, là bẽ bàng, cho thấy “bà Chúa thơ Nôm” đã ý thức sâu sắc bi kịch tình duyên của bản thân. Hai chữ “hồng nhan” được đặt cạnh danh từ chỉ đơn vị “cái” gợi lên sự bạc bẽo, bất hạnh của kiếp phụ nữ.

– Bức tranh tâm trạng đã được phóng chiếu rõ ràng hơn thông qua hai câu thơ tiếp theo

+ Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên sự tuần hoàn, luẩn quẩn, bế tắc đầy éo le của kiếp người đầy chua chát.

+ Hình tượng “vầng trăng” xuất hiện chính là ý niệm ẩn dụ cho cuộc đời của nữ sĩ: trạng thái “bóng xế”, sắp tàn nhưng vẫn “khuyết chưa tròn” nhấn mạnh bi kịch của cảm thức về thân phận: tuổi xuân đã trôi qua nhưng nhân duyên mãi mãi là sự dang dở, lỡ dở không trọn vẹn.

→ Bức tranh ngoại cảnh đồng nhất với bức tranh tâm trạng.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề 

Bài mẫu

        Trong xã hội phong kiến xưa, số phận người phụ nữ luôn là tấm gương oan khổ của những éo le, bất công. Sống trong xã hội với quan điểm “trọng nam khinh nữ”, có những người trầm lặng cam chịu, nhưng cũng có những người ý thức sâu sắc được bi kịch bản thân, cất lên tiếng nói phản kháng mạnh mẽ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những người phụ nữ làm được điều đó. Bài thơ “Tự tình II” nằm trong chùm thơ bao gồm ba bài là tác phẩm thể hiện rõ điều này. Bốn câu thơ đầu trong bài thơ đã làm nổi bật hoàn cảnh cũng như tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất muốn vượt lên trên số phận của nữ sĩ:

           “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

  Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

          Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

   Tâm trạng của tác giả đã được gợi lên trong đêm khuya, và cảm thức về thời gian đã được tô đậm, nhấn mạnh để làm nền cho cảm thức tâm trạng:

         Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

   Thời gian lúc nửa đêm nên không gian thật vắng lặng, tịch mịch, chỉ nghe tiếng trống cầm canh từ xa vẳng lại, vạn vật đã chìm sâu trong giấc ngủ, chỉ có nhà thơ còn trăn trở thao thức với tâm sự riêng tây.

   Đã nghe văng vẳng thì không thể có tiếng trống thúc dồn dập được. Âm thanh tiếng trống trở thành âm vang của cõi lòng nôn nao, bồn chồn. (Mỏ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om). Bao sức sống dồn nén trong chữ dồn ấy như chực trào ra.

   Lẻ loi trước thời gian đêm khuya và bẽ bàng trước không gian non nước nên cái hồng nhan trơ ra. Cách dùng từ sáng tạo và đầy bất ngờ: hồng nhan là một vẻ đẹp thanh quý mà dùng từ cái tầm thường để gọi thì thật là rẻ rúng, đầy mỉa mai chua xót. Trơ là một nội động từ chỉ trạng thái bất động, hàm nghĩa đơn độc, chai sạn trước nắng gió cuộc đời. Biện pháp đảo ngữ trơ cái hồng nhan đã nhấn mạnh nỗi đơn độc, trơ trọi, bẽ bàng của thân phận. Câu thơ chứa đựng nỗi dau của kiếp hồng nhan. Đặt cái hồng nhan trong mối tương quan với nước non quả là táo bạo, thách thức, cho thấy tính cách mạnh mẽ của nữ thi sĩ, khao khát bứt phá khỏi cái lồng chật hẹp của cuộc đời người phụ nữ phong kiến.

2. Hai câu thực nói rõ hơn tàm trạng của nhà thơ:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

      Vầng trăng bóng xê khuyết chưa tròn.

   Hai câu thơ có hai hình ảnh ẩn dụ. Hương rượu như hương tình, lúc lên men dậy sóng nhưng cũng chóng nhạt phai nên cuộc đời chao đảo, ngả nghiêng. Thật là trớ trêu cho con tạo. Cái ngọt ngào nồng nàn chỉ thoảng qua còn lại là dư vị chua chát, đắng cay. Say rồi lại tỉnh gợi cái vòng luẩn quẩn, dở dang. Còn vầng trăng khuya càng thêm chơ vơ, lạnh lẽo. Trăng đã xế như tuổi đã luống mà chưa bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn. Hai hình ảnh gợi hai lần đau xót. Vầng trăng của Thuý Kiều (Truyện Kiều - Nguyễn Du) là vầng trăng vỡ, còn của Xuân Hương mãi mãi là vầng trăng khuyết.

   Như vậy, thông qua cách sử dụng ngôn ngữ giàu giá trị biểu đạt kết hợp với những biện pháp tu từ như đảo ngữ, cùng những sáng tạo trong việc xây dựng hình tượng, bốn câu thơ đầu của bài thơ “Tự tình II” đã làm nổi bật cảm thức về thời gian, cho thấy tâm trạng buồn tủi cũng như ý thức sâu sắc về bi kịch duyên phận đầy éo le, ngang trái của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.Chính những yếu tố trên đã giúp bà trở thành “Bà Chúa thơ Nôm”, đồng thời cũng là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ với tiếng nói cảm thương và tiếng nói tự ý thức đầy bản lĩnh.


 

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved