Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu chiếc đồng hồ em định tả
Thân bài:
a. Tả khái quát
- Đó là chiếc đồng hồ thuộc hãng gì?
- Do nước nào sản xuất?
- Hình dáng thế nào?
- Kích thước bao nhiêu?
- Em đặt chiếc đồng hồ ở vị trí nào?
- Màu sắc và chất liệu của chiếc đồng hồ là gì?
b. Tả chi tiết
- Màu sắc của những chiếc kim đồng hồ là gì?
- Độ dài của từng chiếc kim thế nào?
- Nút xoay điều chỉnh kim đồng hồ nằm ở đâu?
- Chiếc đồng hồ hoạt động bằng gì?
c. Công dụng
- Xem giờ trong ngày
- Báo thức
- Trang trí
Kết bài: Tình cảm của em với chiếc đồng hồ
Bài siêu ngắn
Bài tham khảo 1:
Cái đồng hồ của em cao hơn 30 cm. Đế của nó được làm bằng i-nốc sáng loáng hình bầu dục. Chỗ dài nhất của đế vừa bằng gang tay của em. Chỗ rộng nhất bằng hơn nửa gang tay. Phía trên của đế là hình một con tàu thủy mạ vàng sáng loáng. Một hình tròn giống như cái bánh lái được nối với thân tàu chính là hình tròn mặt chiếc đồng hồ. Trên nền vàng nhạt nổi lên những con số màu đen. Chiếc kim phút màu đen cứ chậm chạp,, chậm chạp nhích từng chút, từng chút thì cái kim giây màu đỏ lại có vẻ nhanh nhẹn hơn. Còn chiếc kim giờ dường như chỉ đứng yên một chỗ. Mặt kính đồng hồ trắng trong giúp cho em nhìn rất rõ mỗi lúc xem giờ. Đặc biệt nhất vẫn là quả lắc của đồng hồ. Nó không phải hình tròn cũng không phải là hình bầu dục mà lại là hình một chiếc nơ nhỏ bốn cánh trông rất xinh xắn. Nó chăm chỉ lắc đều suốt ngày này sang ngày khác. Mỗi khi đến giờ hẹn, tiếng chuông lại “ reng … reng …” giúp em trở dậy đúng giờ để kịp đến trường.
Thỉnh thoảng em lấy giẻ lau hồng hồ thật sạch. Em coi đồng hồ như người bạn thân thiết của mình. Nhờ nó mà em chưa bao giờ đi học trễ cả. Em thật hạnh phúc vì tất cả mọi người trong gia đình luôn quan tâm đến em. Em thầm hứa với mình sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa, chăm ngoan hơn nữa để khỏi phụ lòng ông bà, cha mẹ, cô, dì …
Bài tham khảo 2:
Cách đây ba năm, trong một lần đi chợ tỉnh, ba em mang về một chiếc đồng hồ để bàn. Từ đó “bác” trở thành người một người bạn thân của gia đình.
Đó là một chiếc đồng hồ nội hóa, loại lên dây. Cả đồng hồ là một hình hộp chữ nhật, rộng độ hai mươi phân, cao mười phân, dày sáu phân. Vỏ đồng hồ bằng nhựa trắng, mép ngoài mạ nhôm bóng lộn. Sau tấm kính trắng là mặt đồng hồ. Bên trái, có một ô vuông nhỏ, có số chỉ ngày. Phần chính là bên phải, gồm một hình bầu dục có ghi mười hai chữ số, từ số một đến số mười hai. Trên mặt đồng hồ có ba cây kim dài ngắn khác nhau và tốc độ di chuyển cũng không giống nhau. Kim giây dài nhất, mảnh mai, màu đỏ, quay nhanh liên tục. Kim phút tuy to hơn, nhưng ngắn hơn, chốc chốc mới nhích tới một bước ngắn. Chậm hơn cả và cũng ngắn hơn cả là kim giờ. Mặt sau đồng hồ có ba chiếc núm: núm để lên dây, núm để điều chỉnh giờ và núm hẹn giờ báo thức.
Trên chiếc bàn tròn của phòng khách, bác đồng hồ cần mẫn đếm thời gian. Tiếng “ tích tắc, tích tắc “ đều đặn phát ra từ chiếc đồng hồ không kể đêm ngày. Sáng sớm, đúng năm giờ, bác lên tiếng “ reng… reng” một hồi dài để đánh thức mọi người dậy. Chưa một lần nào bác bê trễ công việc, nếu mỗi ngày ta đừng quên lên dây cho bác.
Nhờ bác đồng hồ mà suốt mấy năm qua, em luôn đi học đúng giờ. Tiếng “ tích tắc, tích tắc” đều đặn của bác như luôn nhắc nhở em : “ Giờ nào việc ấy! Thời gian trôi qua không sao níu lại được!”.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Đồng hồ báo thức là đồ dùng rất quen thuộc trong phòng ngủ của mọi người đặc biệt là ở những thời kỳ trước đây khi điện thoại thông minh chưa phổ biến thì người ta thường sẽ dùng đồng hồ báo thức với rất nhiều chủng loại khác nhau để báo thức nhắc nhở.
Đó là chiếc đồng hồ tròn như cái bánh bao, chỉ khác là nó có chân đỡ. Cô bạn này được khoác một cái áo màu hồng phấn khá điệu đà. Phía mặt ngoài của đồng hồ được bảo vệ bởi một lớp kính khó vỡ. Nhìn qua lớp kính trong suốt ấy là cả một làng quê thanh bình với những hình ảnh bắt mắt. Trước hiên nhà, một chú bé để tóc trái đào đang cho gà ăn. Từng giây trôi qua, chú bé lại mở tay ra, đóng tay vào, những hạt thóc cứ rơi xuống từ bàn tay bé nhỏ của chú. Gần đó có những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, phía trên bầu trời biếc xanh, những đám mây trắng hững hờ trôi. Xa xa, những chú chim hải âu đang tung cánh chấp chới bay liệng giữa bầu trời cao và xa tít tắp.
Trên “khuôn mặt” đáng yêu của cô bạn đồng hồ là đại gia đình số và các anh em nhà kim đồng hồ. Xung quanh mặt đồng hồ, các con số từ 1 đến 12 đứng thành vòng tròn như đang chơi trò mèo đuổi chuột. Các anh em nhà kim đồng hồ mới thật là hay. Bác kim giờ áo đỏ, chậm chạp, nặng nề lê từng bước khó khăn. Bác như người đã đứng tuổi, bước đi không còn nhanh nhẹn nữa. Anh kim phút màu xanh lam nhẹ nhàng đi từng bước một chậm rãi. Anh chính là một chàng thanh niên khỏe mạnh mà không hấp tấp. Bạn kim giây diện bộ váy hồng thật nhí nhảnh. Bạn hệt như một đứa trẻ tinh nghịch nhưng hoạt bát và hiếu động, luôn chạy trước các anh. Còn em kim vàng bé nhất nhưng lại… “lười” nhất. Em chẳng hề nhích chân. Tuy vậy thôi chứ em có ích lắm đấy. Em là kim hẹn giờ.
Cô bạn của tôi làm việc suốt 24 tiếng đồng hồ mà không biết mỏi. Mỗi sáng sớm, bằng bài hát quen thuộc và giọng hát trong trẻo, cô luôn gọi tôi đón chào một bình minh tuyệt vời. Từng giờ, từng phút, tôi đều được biết nhờ khuôn mặt ngộ nghĩnh của cô. Đặc biệt, các con số và kim đều được tráng một lớp dạ quang nên đêm tối, tôi cũng biết là bao nhiêu giờ. Không những thế, đồng hồ còn là một người bạn tri kỉ của tôi. Tất cả những chuyện vui, buồn tôi đều chia sẻ với cô và được đáp lại bằng những tiếng tích… tắc… Mặc dù không nói thành lời nhưng nó cũng khiến tôi thấy thanh thản hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn muốn nói: “Thì giờ là vàng bạc”.
Thời gian cứ trôi mãi. Thấm thoát đã 9 năm rồi. Đồng hồ đã trở thành cô bạn thân thiết của tôi. Tôi thầm nói: “Cảm ơn bạn nhé! Tớ hứa sẽ không phung phí thời gian đâu, bạn yêu ạ!”.
Bài tham khảo 2:
Chiếc đồng hồ xinh xắn để trang trọng trên bàn học tại gia đình là quà tặng sinh nhật mẹ mua cho khi em vừa tròn 9 tuổi (10-10-2004). Đó là đồng hồ điện tử báo thức nhãn hiệu PEARL của Trung Quốc.
Chiếc đồng hồ vỏ bằng nhựa màu mận đỏ thẫm, mặt kính hình vuông. Các vạch phút, các con số chỉ giờ được bố trí trên đường tròn. Dưới con số 12 có hình vẽ trăng lưỡi liềm. Có 4 chiếc kim, to nhỏ, dài ngắn, màu sắc khác nhau. Kim ngắn nhất, to nhất chỉ giờ. Kim chỉ phút dài hơn, thanh mảnh hơn. Đầu kim giờ, kim phút có vệt lân tinh màu xanh nước biển để có thể nhìn rõ được trong đêm tối. Kim giây dài nhất, đen nhánh, thon dài như cái tăm, lúc nào cũng cần mẫn chuyển động theo vòng tròn. Kim chuông báo thức màu rêu, dài hơn kim giờ một tí, nhỉnh hơn kim giây. Bốn chiếc kim đính chung vào một cái chốt nằm giữa tâm vòng tròn; cái chốt đen nhánh xinh xinh như một cái cúc bằng kim cương, óng ánh.
Phía sau mặt đồng hồ là một buồng máy hiện rõ trên vách nhựa trong, một cái khoang lắp pin tiểu "Con Thỏ". Có 2 cái núm bằng 2 chiếc cúc bạc để điều khiển giờ, phút và chuông báo thức. Có một gạt nhỏ bằng nhựa trong suốt để định giờ cho chuông reo. Cái Lý con chú Tâm học lớp 5 đã bày cho em cách lắp pin, cách điều chỉnh giờ phút, cách sử dụng chuông báo thức. Nó chê em là nhà quê, dễ ợt mà chẳng biết. Không biết thì hỏi, có chi mà tự ái, em nghĩ thế !
Trước đây, gia đình em cũng có một cái đồng hồ "Ba con mèo” nhưng lâu nay nó hay giở chứng, như con bò già ì à ì ạch. có hôm chạy chậm đến nửa tiếng ! Từ ngày có cái đồng hồ điện tử báo thức ngồi chễm chệ trên bàn học, em đến trường rất chủ động. 6h30' mỗi sáng, em khoác ba lô sách vở lên vai, đội mũ lên đầu, chào ông bà, chào bố mẹ, em đi bộ đến trường. Chiều nào cũng 13h30', em đi đến lớp. Chưa bao giờ đến muộn như một vài bạn khác. Việc học tập ở nhà, em làm đúng giờ bố mẹ dặn: 19h-21h30' học bài, làm bài. 21h45' đi ngủ. 6h nghe chuông reo, em thức dậy, rửa mặt, đánh răng, ôn lại bài độ 10-15 phút, rồi chuẩn bị đi học.
Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ bé đối với em vô cùng thân thiết. Nó rèn luyện cho em đức tính chu đáo, khoa học trong cuộc sống, học tập, nghỉ ngơi và vui chơi hằng ngày. Em không còn phải chạy táo tác sang nhà chú Hy hỏi giờ như mọi khi nữa.
Chiếc đồng hồ là quà tặng chứa đựng bao tình thương của mẹ: "Lan ơi ! Con gái mẹ, ngày mai bước sang 10 tuổi rồi đấy nhé ". Mẹ vừa nói vừa âu yếm ôm con gái bé bỏng vào lòng.
Có nhiều hôm giữa đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng kêu "tích tích", đều đều, em tưởng như cái đồng hồ nhỏ bé đang thầm thì với em: "Cố gắng ! Cố gắng !".
Mỗi sớm, trong tiếng gà gáy lao xao gần xa, tiếng chuông đồng hồ reo, đối với em đó là khúc ca bình minh, là hành khúc lên đường.
Nhiều lúc, ngắm chiếc đồng hồ bé nhỏ thân yêu, em khẽ thốt lên: "Chú mày ơi, ta yêu chú mày lắm ! Chú mày đã bảo cho ta biết: Thì giờ còn quý hơn vàng bạc ..."
Bài tham khảo 3:
Cùng làm một công việc đếm thời gian, nhưng nếu tấm lịch lặng thầm thì đồng hồ lại luôn miệng: “Tíc - tắc, tíc - tắc...” đều đặn. Chiếc đồng hồ để bàn nhà em cũng vậy.
Đó là một chiếc đồng hồ hàng nội, loại lên dây, đã cũ. Ba em mua nó trong một lần đi chợ tỉnh cách đây hơn ba năm. Cả đồng hồ là một hình hộp chữ nhật rộng độ hai mươi phân và cao độ mười phân.
Vỏ đồng hồ làm bằng nhựa màu xám. Mép ngoài được mạ nhôm trước đây bóng lộn giờ đã bị trầy xước đôi chỗ. Sau tấm kính trắng là mặt đồng hồ. Trên đó, bên trái là hàn thử biểu, bên phải là phần chính hình bầu dục gồm một vòng mười hai con số từ số 1 đến số 12 trong đó số 6 được thay bằng ô chỉ ngày. Trên mặt đồng hồ có ba chiếc kim dài ngắn di chuyển nhanh chậm khác nhau. Đầu đỏ mảnh mai là kim giây quay liên tục. To và ngắn hơn là kim phút lâu lâu mới nhích tới một chút.
Kim giờ thoáng nhìn tưởng như bất động nhưng thật ra vẫn thầm lặng đếm thời gian, quay chậm chạp. Mặt sau đồng hồ có ba chiếc núm: núm để lên dây, núm điều chỉnh giờ và núm hẹn báo thức.
Ngồi đó, đồng hồ cần mẫn làm việc. Tiếng “tíc tắc”, “tíc tắc” hàng ngày đều đặn vang lên sớm tối. Trong nhà, ai cần đến là có nó ngay. Sáng ra mới năm giờ, nó đã lên tiếng reng reng một hồi lâu gọi mọi người tỉnh giấc. Chưa có lần nào đồng hồ bê trễ công việc nếu như mỗi ngày ta đừng quên một lần lên dây cho nó.
Chiếc đồng hồ làm công việc nhắc nhở ai nấy học tập, làm việc, sinh hoạt đúng giờ, trách chi cả nhà chẳng quý trọng và gìn giữ nó cẩn thận cho được.
Bài tham khảo 4:
Để giúp mọi người đi làm và em đi học đúng giờ, ba đi công tác về mua cho gia đình em một chiếc đồng hồ báo thức.
Đây là chiếc đồng hồ của Nhật còn mới tinh. Nó được để trong một chiếc hộp vuông xinh xắn. Loại đồng hồ chạy bằng pin, hiệu Sony. Cả đồng hồ là một khối tròn, đường kính khoảng mười lăm xăng-ti-mét. Vỏ đồng hồ được bọc một lớp mạ kền sáng loáng. Phía trên có quai xách cong cong rất tiện cho việc di chuyển. Sau tấm mi ka trắng là mặt đồng hồ. Mặt đồng hồ được phân định ra thành mười hai vạch chia đều cho các con số: mười hai, chín, sáu và ba. Riêng con số mười hai được ghi bằng màu đỏ. Các số khác màu đen. Giáp tâm đồng hồ có một ô nhỏ hình chữ nhật ghi ngày, tháng. Trên mặt đồng hồ có ba kim dài ngắn, to nhỏ, di chuyển nhanh chậm khác nhau. Kim nhỏ nhất, mảnh mai, màu đỏ là cô em út có tên gọi là kim giây, chạy nhiều và nhanh nhất. Nhìn vào, em thấy cô bé này quay liên tục không biết mệt mỏi. To và ngắn hơn là anh kim phút, lâu lâu anh ta mới nhích một chút. Chị kim giờ thấp người hơn anh kim phút, dường như đứng tại chỗ, nhưng thực ra, chị ta quay rất chậm, từ tốn như bước đi của một bà già ngoài bảy mươi tuổi.
Mặt sau đồng hồ có hai cái núm tròn cũng được mạ kền sáng bóng. Một núm để điều chỉnh giờ, núm kia là hẹn báo thức để gọi em dậy đi học. Hằng ngày, tiếng “tích tắc! tích tắc!” của đồng hồ đều đặn vang lên. Trong nhà, ai cần biết giờ chỉ cần chạy ra nhìn nó là biết ngay. Sáng sớm, lúc năm giờ, đồng hồ vang lên một hồi chuông dài và tiếp sau là tiếng “cạp, cạp” của chú vịt Đô-nan khiến mọi người bừng tỉnh giấc.
Em rất thích chiếc đồng hồ này, nó không những giúp em đi học đúng giờ mà còn nhắc nhở em chuyên cần hơn nữa trong học tập. Em sẽ cố gắng làm bài và sinh hoạt đúng giờ, biết giữ gìn đồng hồ và quý trọng thời gian.
Tuần 3: Luyện tập chung
Tuần 19: Diện tích hình thang. Hình tròn, đường kính. Chu vi hình tròn
Bài tập cuối tuần 35
Chuyên đề 12. Các bài toán về tính tuổi
Review 1