Bản chất của con người là luôn luôn vươn tới cái đẹp trong cuộc sống. Và thời trang là một trong những phương tiện hữu hiệu để góp phần tôn cao vẻ đẹp của con người. Nhưng thời trang chỉ là phương tiện, cái quyết định vẫn là con người sử dụng thời trang đó như thế nào cho hài hòa, hợp lí, tự nhiên để đem đến vẻ đẹp không chỉ cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Đây chính là vấn đề văn hóa mặc có liên quan đến nhân cách của từng con người và lối sống của toàn xã hội.
Ai mà chẳng muốn mặc đẹp. Mặc đẹp là sự tôn trọng mình và tôn trọng người. Nhưng như thế nào là mặc đẹp? Có người cho rằng mặc đẹp thì áo quần phải lòe loẹt, sặc sỡ, trang phục phải chạy theo mốt này, mốt nọ, thậm chí ăn mặc có hở hang một chút cũng không sao - thời “hiện đại” mà! Anh con trai vốn xuất thân từ nông thôn, đưa người yêu về “ra mắt’ bố mẹ mình lần đầu tiên, mà cô gái lại mặc váy quá ngắn, áo quá mỏng và cổ áo lại trễ xuống quá rộng thì coi sao tiện. Có gái đưa chàng rể tương lai về giới thiệu với gia đình mà tóc lại nhuộm xanh đỏ, dài ngang lưng, lại đeo cả hoa tai và dây chuyền vàng thì không hiểu đó là “nam thanh” hay “nữ tú”? Có bao giờ thầy giáo lại mặc áo phông không cổ để lên lớp giảng bài cũng như một nữ cán bộ lại mặc “bộ đồ" ở nhà đến công sở làm việc? Không hiếm những ca sĩ lên sân khấu biểu diễn đã khiến khán giả phải khó chịu về cách ăn mặc “không bình thường” cũng như ta vẫn thấy đâu đó những thanh niên mặc quần đùi, áo may ô ba lỗ (thậm chí có khi cởi trần) phóng xe máy như điên giữa những phố sang trọng và đông người... Những điều đó đều có liên quan đến văn hóa mặc của con người: mặc thế nào cho đẹp, cho sang trọng, đứng đắn, đúng lúc, đúng chỗ, và điều quan trọng nhất là mặc thế nào để hòa đồng vào lối sống của cộng đồng, làm đẹp cho dân tộc và phù hợp với xu thế của thời đại.
Ở đây có vấn đề truyền thống dân tộc và xu thế thời đại, cần phải quan niệm và ứng xử thế nào cho hợp lí và hài hòa trong trang phục? Có người cho rằng ta là người Việt Nam, người phương Đông thì ăn mặc phải nền nã, kín đáo, đứng đắn, tạo cho người đàn ông vẻ đẹp tao nhã, thanh cao, người phụ nữ vẻ đẹp tha thướt, dịu dàng. Điều đó, dĩ nhiên là đúng, nhưng chưa đủ vì như thế chỉ mới giữ được bản sắc dân tộc mà chưa hội nhập được với thời đại. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, quan niệm về cái đẹp của trang phục đã có sự thay đổi. Cái đẹp phải gắn với cái tiện ích phù hợp với cuộc sống năng động và tiến lên như vũ bão của con người. Trang phục phải tạo ra vẻ đẹp khỏe mạnh tự nhiên thoái mái của con người lao động sáng tạo - con người hành động. Nếu chú ý sẽ thấy, cái áo dài truyền thống của người phụ nữa Việt Nam, tuy vẫn giữ được nét duyên dáng tha thướt của nó, nhưng đã có sự cách tân đáng kể phù hợp với thời đại mới. Và để phù hợp với cuộc sống hiện đại. chúng ta đã có nhiều loại trang phục khác nhau, trong đó cái đẹp và cái tiện ích đã được kết hợp hài hòa để làm nên vẻ đẹp riêng của từng loại trang phục: trang phục công sở, trong nhà máy, trong hầm mỏ, trong nhà trường, trong bệnh viện; trang phục trong dạ hội, đi du lịch, đi tắm biển...
Trang phục làm đẹp cho con người nhưng con người phải biết sử dụng trang phục. Không nên chạy theo mốt này, mốt nọ, nay thời trang này, mai thời trang khác, dẫn đến mình là nô lệ cho thời trang chứ không phải làm chủ thời trang. Cần chú ý điều cốt lõi sau đây: thời trang trước hết phải hợp với mình (thì nó mới tôn vẻ đẹp của bản thân), sau nữa phải phù hợp với những người xung quanh để góp phần làm đẹp cho cộng đồng (ở gia đình, ở công sở, nhà máy, trường học, khu phố...). Cũng cái áo ấy thôi, vậy mà có người mặc vào (đúng lúc, đúng chỗ) thì sang trọng, đẹp, được mọi người tán thưởng; nhưng cũng có người mặc vào thì lại kệch cỡm, lố lăng, gây phản cảm, không được chấp nhận. Bản thân cái áo không có tội tình gì, điều quan trọng là người sử dụng nó có phù hợp hay không? Người ta nói: “Nét chữ thể hiện tính người”; cách ăn mặc cũng biểu hiện rất rõ nhân cách con người. Nhìn vào một con người ăn mặc như thế nào có thể thấy được nhân cách người đó ra sao. Nguyễn Du quả đã hết sức tinh tế khi giới thiệu nhân cách Mã Giám Sinh trước hết qua cách ăn mặc của y:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
(Truyện Kiều)
Nhân dân ta có câu: “Người quen xem dạ, người lạ xem áo” cũng là như vậy. Bởi thời trang chính là văn hóa mặc. Mà văn hóa mặc, trước hết là tự trọng, sau nữa là tôn trọng người. Có tự trọng thì mới tôn trọng người. Đó là văn hóa ứng xứ trong thời đại hội nhập khi con người chung sống với nhau trong cộng đồng nhân loại. Trang phục đâu chỉ là chuyện ăn mặc của riêng từng người mà chính là văn hóa mặc để làm đẹp cho lối sống của toàn xã hội, trong đó có vẻ đẹp của nhân cách mỗi con người góp phần.
“Người đẹp vì lụa”. Nhưng không phải cứ đắp lụa vào người là đẹp. Phải biết sử dụng “lụa” đó sao cho tốt nhất, phù hợp nhất với trang phục của mình. Trang phục của mỗi con người chỉ đẹp khi nó hài hòa với lối sông của dân tộc, của cộng đồng và nhân loại.
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Toán lớp 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 1 môn Vật lí lớp 12
Review 3
Một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ
Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết ) – Chương 6 – Hóa học 12