SGK Giáo dục công dân 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống

Trả lời câu hỏi - Mục 1 trang 6

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Lời giải phần a
Lời giải phần b

Em hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi:

1. Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

(Trích Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, 1951, Văn kiện Đảng: Toàn tập, Tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, 2001)

2. Bùi Xương Trạch sinh năm 1451, người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Là con một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ ông đã quen việc đồng áng. Bố mẹ cho đi học nhưng ông vẫn rất chăm làm. Khi đi bừa, ông đều mang sách buộc vào tay bừa để vừa bừa, vừa ôn bài. Nhà nghèo, không có tiền mua đèn thắp, đến mùa có đom đóm, ông bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy ánh sáng đọc sách. 

Trong kì thi Hội, mỗi bài thi cách nhau mươi hôm, ông đều tranh thủ về nhà ôn thi và ra đồng cấy, không bỏ phí một ngày.

Sau khi thi Hội, các thí sinh đều náo nức chờ đợi ngày yết bảng, riêng ông vẫn về đi cày. Khi xướng danh, bạn bè thấy tên ông, đã cử người về tận làng báo cho ông biết thì ông vẫn quần xắn trên đầu gối  đang hì hục cuốc đất. Lúc đó, ông mới vội thay quần áo chỉnh tề để lên kinh đô.

Năm 1478, hai mươi bảy tuổi, ông đỗ tiến sĩ. Tuy làm đến chức Thượng thư nhưng ông vẫn nổi tiếng là người tiết kiệm và liêm khiết.

(Theo Phương Thùy - Hoàng Trang, Bùi Xương Trạch - Học hay cày giỏi, sách Kể chuyện gương hiếu học, NXB Văn học, 2022)

3. Tết Nguyên đán năm 2022, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc tổ chức họp mặt, trao quà trực tiếp không diễn ra được nhưng hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam Bộ đều linh hoạt bằng nhiều cách thức khác nhau để chuyển quà đến tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có Tết. Nhiều người ở những xã đảo xa xôi, biên giới đều bất ngờ nhận được những phần quà Tết nghĩa tình đã không khỏi rưng rưng xúc động. Đoàn thanh niên Công an tỉnh Kiên Giang không quản ngại khó khăn, vượt 100km đường biển đến trao trực tiếp các túi an sinh (gồm gạo, mì, nước mắm, dầu ăn, trứng,...) hỗ trợ bà con ở huyện đảo Kiên Hải. Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh An Giang phối hợp tổ chức hoạt động "đồng hành cùng phụ nữ biên cương" trao trặng một ngôi nhà "Mái ấm biên cương" cùng 30 suất quà cho phụ nữ vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn. Thành ủy Cần Thơ phát huy tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đặc biệt là chăm lo các gia đình có trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Tỉnh Cà Mau cũng dùng ngân sách 40 tỉ đồng cho hoạt động thăm, tặng quà người có công với cách mạng, hỗ trợ thêm khẩu phần ăn cho bệnh nhân nhiễm COVID đang điều trị, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

(Theo Ấm lòng người nghèo đón Tết, báo Nhân dân, ngày 11 - 1 - 2022)

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn
Lời giải phần a
Lời giải phần b

Lời giải phần a

1. Nội dung câu hỏi 

Các thông tin trên nói về những truyền thống nào của dân tộc Việt Nam? Hãy chia sẻ hiểu biết của em về các truyền thống đó. Giá trị của những truyền thống ấy được thể hiện như thế nào?

 

2. Phương pháp giải

- Đọc các thông tin và nêu được truyền thống được thể hiện trong thông tin. Chia sẻ hiểu biết của bản thân.

-  Nêu được cách thể hiện của các giá trị truyền thống đó.

 

3. Lời giải chi tiết

- Thông tin 1 nói về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

+ Chia sẻ hiểu biết: truyền thống yêu nước được hình thành và bồi đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc là nét đặc trưng nổi bật nhất của truyền thống yêu nước.

+ Giá trị của truyền thống yêu nước:là nền tảng để xây dựng và bảo vệ đất nước; góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi cá nhân; yêu nước cũng là cơ sở và biểu hiện của các truyền thống: đoàn kết; dũng cảm, bất khuất; cần cù lao động; tự lực tự cường,… cùng nhiều truyền thống tốt đẹp khác của nhân dân Việt Nam.

- Thông tin 2 nói về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

+ Chia sẻ hiểu biết: Biểu hiện trước hết của truyền thống hiếu học là tinh thần ham học hỏi, thích hiểu biết một cách tự nguyện và bền vững..Người hiếu học là người có nhu cầu học tập suốt đời. Biểu hiện thứ hai của truyền thống hiếu học là thái độ luôn coi trọng sự học, coi trọng người có học.

+ Giá trị của truyền thống hiếu học: góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi cá nhân và là một trong những nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước.

- Thông tin 3 nói về truyền thống nhân ái, yêu thương con người của dân tộc Việt Nam.

+ Chia sẻ hiểu biết: Nhân ái, yêu thương con người là quan tâm, giúp đỡ người khác, làm những điều tốt đẹp cho người khác, nhất là những người gặp khó khăn, hoạn nạn.

+ Giá trị của truyền thống nhân ái: Tình yêu thương con người giúp mỗi cá nhân biết sống đẹp hơn; góp phần làm xã hội lành mạnh, trong sáng và ngày càng tốt đẹp.

Lời giải phần b

1. Nội dung câu hỏi 

Em hãy kể tên những truyền thống khác của dân tộc Việt Nam và nêu giá trị của những truyền thống đó.

 

2. Phương pháp giải

- Dựa vào hiểu biết của bản thân kể tên được những truyền thống khác của dân tộc Việt Nam.

-  Nêu được giá trị của những truyền thống đó.

 

3. Lời giải chi tiết

- Những truyền thống khác của dân tộc Việt Nam: đoàn kết; dũng cảm; bất khuất, kiên cường; cần cù và sáng tạo trong lao động; tôn sư trọng đạo; hiếu thảo; uống nước nhớ nguồn,...

- Giá trị của các truyền thống dân tộc:

+ Truyền thống dân tộc góp phần tích cực vào quá trình phát triển của mỗi cá nhân, là nền tảng cho lòng tự hào, tự tôn, cho sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc của mỗi người.

+ Các truyền thống tốt đẹp của dân tộc là nền tảng để xây dựng đất nước phát triển vững mạnh, là sức mạnh và bản sắc riêng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved