Nghị luận văn học

Viết một đoạn văn bình luận một khổ thơ trong bài mùa xuân nho nhỏ

     Có những con người đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước. Họ thấy hạnh phúc trước sự đổi thay da đổi thịt hàng ngày của quê hương mình. Thanh Hải là một con người như thế. Ông yêu quê, khao khát cống hiến cho cuộc đời ngay cả lúc ông đang nằm trên giường bệnh đấu tranh từng ngày để giành giật sự sống. Nhà thơ muốn được dâng hiến cho cuộc đời, nhưng chỉ dâng hiến một cách thầm lặng, như chính ông đã viết trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc" 

Thanh Hải sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Huế giàu truyền thống. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Thơ ông mang một giọng điệu ngọt ngào như những làn điệu dân ca trữ tình với ngôn ngữ bình dị cùng sự chân thật, đôn hậu như bản chất của con người xứ Huế. Mùa xuân nho nhỏ được coi là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Hải, ra đời trên giường bệnh, trước lúc ông mất không lâu. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời. Đồng thời cũng thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước. Thời gian vẫn cứ trôi, bốn mùa vẫn chuyển nhưng cuộc đời con người chỉ có một lần duy nhất, và lần duy nhất ấy Thanh Hải muốn sống trọn vẹn với quê hương. Hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" cùng với sự "lặng lẽ" khiến ta hình dung về sự cống hiến một cách thầm lặng trong suốt cả cuộc đời. Mùa xuân - tuổi trẻ của Thanh Hải chỉ là một phầnnhỏ trong mùa xuân lớn của cả dân tộc. Ông biết điều ấy, và ông cũng tự nhận cống hiến của mình như một nốt trầm trong bản hòa ca bất tận của cuộc đời. Thế nhưng, nhiều hạt cát nhỏ mới tạo nên sa mạc mênh mông; đại dương bao la kia cũng được tạo thành bởi muôn vàn giọt nước. Điều đó cũng có nghĩa đất nước được  như ngày hôm nay chính là nhờ sự cống hiến không ngừng nghỉ của những con người giống như Thanh Hải. Điệp từ "Dù là" cùng với hai hình ảnh ẩn dụ mang tính đối lập "hai mươi", "tóc bạc"  làm cho hai câu thơ vang lên như một lời thề của con người cao cả ấy. Thanh Hải đã cống hiến cho đất nước của ông từ những ngày hai mươi, khi sức trẻ, nhiệt huyết của ông vẫn căng đầy trong lồng ngực. Nhưng sự hăng say, hồ hởi ấy vẫn luôn tồn tại ngay cả khi mái tóc ông đã bạc trắng. Suốt cả cuộc đời mình, Thanh Hải chưa bao giờ thôi trăn trở, suy tư về nghĩa vụ của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, trong một dân tộc với 4000 năm văn hiến. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi ông đang phải chống chọi với căn bệnh xơ gan hiểm nghèo ta mới thấy hết được tinh thần và khao khát rất đỗi nhân văn của một con người có trái tim nhân hậu như Thanh Hải. Có thể nói, đây là khổ thơ vừa mang khao khát vừa là lời thề suốt cả cuộc đời ông. Qua đó ta cũng càng thêm yêu mến và trân trọng hơn tấm lòng của Thanh Hải, người con của xứ Huế mộng mơ.

Nguồn: Sưu tầm

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved