15/01/2024
15/01/2024
15/01/2024
Bài thơ "Mẹ" của Nguyễn Ngọc Oánh là một tác phẩm nghệ thuật đậm chất nhân văn, tình cảm, và sâu sắc. Tác giả đã thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh để mô tả một hình ảnh chân thực và đầy cảm xúc về người mẹ.
Mở đầu bài thơ là chân dung giản dị, chân thực của một bà mẹ nghèo, “quê kiểng”:
“Mẹ gầy, cái dáng khô gầy cành tre
Gót chai nứt nẻ đông hè
Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân”.
Với cái dáng “khô gầy cành tre”, gót chân chai cứng nứt nẻ tứ mùa và những ngón chân “tòe ngón”, mẹ hiện lên gần gũi, quen thuộc, sống động, như ta đã gặp đâu đó ngoài đời. Chỉ bằng vài chi tiết, hình ảnh, người thơ đã khắc họa thành công chân dung người mẹ nông dân lam lũ, cơ cực, quanh năm vất vả với công việc đồng áng. Không chỉ thế, người mẹ trong bài thơ chẳng nề hà bất cứ công việc gì, miễn là việc ấy có ích: “Mẹ gom giẻ rách, giấy manh/ Mặc đôi quang thủng giữ lành tiếng rao”. Vì gia cảnh nghèo khó, mẹ phải đi gom nhặt giẻ rách, giấy manh… bằng đôi quang thủng, nhưng mẹ vẫn “giữ lành tiếng rao”, sống trong sạch, giản dị, bằng chính sức lao động của mình. Những lúc nông nhàn, mẹ lại làm cái công việc quen thuộc “vá áo”, đến nỗi ngón tay cầm kim đã “sần”. Ở câu thơ này, tác giả dùng từ ngữ rất tinh tế diễn tả tình mẹ: “vá bao mong ước”… Mỗi đường kim mũi chỉ của mẹ, không chỉ chứa đựng tình cảm, mà còn gửi vào đó bao mong ước tốt đẹp cho con, cho cuộc đời này. Thấu hiểu phận nghèo cùng nỗi vất vả, cơ cực của mẹ, người thơ xót xa: “Áo nâu phơi vẹo bờ rào/ Cái phận đã bạc còn cào phải gai”, câu thơ được hiểu theo nghĩa bóng, làm cho nỗi cơ cực càng cơ cực hơn. Dù vậy, mẹ không hề than thân, trách phận, mẹ vẫn dành thời gian để học chữ, dẫu đây là một việc đầy khó khăn:
“Tối về đến lớp bình dân
I tờ nhặt được đôi vần lại rơi”
Mẹ là thế, bình dị nhưng vô cùng vĩ đại. Khi đất nước có chiến tranh, cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, mẹ gạt thầm nước mắt, tiễn con ra chiến trường, mong ngày chiến thắng, con bình an trở về. Từ ngôn từ đến hình ảnh, tác giả đã tạo nên một bức tranh sống động về cuộc sống của người mẹ nông dân, với những góc khuất và vất vả. Mỗi chi tiết nhỏ như "gót chai nứt nẻ đông hè" hay "Bát canh đắng lá chân chim" đều là những hình ảnh tưởng chừng như bình thường nhưng lại chứa đựng đầy ý nghĩa và tình cảm sâu sắc. Bức tranh về tình mẹ trong bài thơ không chỉ giới hạn ở khía cạnh vật chất mà còn nâng cao lên mức độ tinh thần. Tình yêu thương và hy sinh của mẹ được thể hiện qua việc "vá bao mong ước tay sần mũi kim" và "Hai tay hết sẻ lại cho". Đây không chỉ là sự chăm sóc vật chất mà còn là sự truyền đạt tinh thần và giáo dục nhân cách. Bài thơ cũng đánh giá cao tinh thần lạc quan, tích cực của người mẹ khi mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng mẹ vẫn không ngừng cố gắng học hỏi ("Tối về đến lớp bình dân"). Điều này tạo nên một hình ảnh mẹ không chỉ là người chăm sóc mà còn là nguồn động viên, lẫn lộn trong cuộc sống.
Bài thơ Mẹ của Nguyễn Ngọc Oánh đã phác họa sinh động bức chân dung vật chất và tinh thần của mẹ bằng những từ ngữ, thi ảnh gần gũi, giản dị, lay động trái tim độc giả. Cảm hứng nổi bật của bài thơ là tình mẹ, là lòng biết ơn, kính phục và tự hào của con đối với mẹ. Mẹ là nguồn mạch của sự sống và tình yêu. Có mẹ là con có cả một bầu trời yêu thương rộng lớn.
Nếu bạn muốn hỏi bài tập
Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút
CÂU HỎI LIÊN QUAN
Top thành viên trả lời