28/03/2024
28/03/2024
28/03/2024
Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là một trong những gương mặt thơ nữ xuất sắc nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ tình Xuân Quỳnh có đủ các cung bậc cảm xúc, có vị trí xứng đáng trong lòng độc giả bao nhiêu thế hệ bởi sự giản dị, tinh tế mà cao thượng. Điều đó thể hiện rõ qua “Tự hát” (1984). Bài thơ này có lẽ đượcviết trong tâm trạng dạt dào hạnh phúc của một người phụ nữ đang yêu và được yêu. Xuất phát từ tình yêu sâu sắc và sự tôn trọng với người mình yêu, tác giả lập luận theo hình thức nêu ra giả định để khẳng định cao hơn. Xuân Quỳnh đã mở đầu bài thơ theo cách rất tự nhiên mà độc đáo: “Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/ Trái tim em anh đã từng biết đấy/ Anh là người coi thường của cải/ Nên nếu cần anh bán nó đi ngay”. Ở đây nhân vật trữ tình muốn khẳng định trái tim yêu của mình không phải là “vàng” quý giá, cũng chẳng là “mặt trời” cao cả, dù hai thứ đó luôn được người đời ao ước, đem ra để định danh tình yêu. Từ “vàng” ở câu thơ có sự luân chuyển sáng tạo từ nét nghĩa ẩn dụ trong tục ngữ (“Một túp lều tranh hai trái tim vàng”) sang tầng nghĩa thực: sự quý giá của tấm lòng, tình cảm sang sự quý giá của bạc vàng, vật chất. Từ đó, nhà thơ nói lên nguyện vọng chân thành, tha thiết nhất của mình: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết làm sống những hồng cầu đã chết/ Biết lấy lại những gì đã mất/ Biết rút gần khoảng cách của yêu tin”. Và còn đây nữa: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết khao khát những điều anh mơ ước/ Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu”. Đáng lưu ý là câu thơ “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” được lặp lại tới ba lần cùng với điệp ngữ “trái tim” tới bảy lần không phải là ngẫu nhiên mà có dụng ý rõ rệt nhằm nhấn mạnh: Trái tim phụ nữ khi yêu hãy biết sẻ chia, đồng cảm, dâng hiến và hi sinh cho tình yêu cao thượng nhưng đừng làm nô lệ cho tình yêu mù quáng. Tình yêu và hôn nhân không chỉ có tri ân mà còn cần sự tôn trọng, không chỉ là sự hi sinh mà phải có cả sự quan tâm, thấu hiểu từ hai phía. Vì vậy, người phụ nữ không chỉ “khao khát điều anh mơ ước” mà còn cần biết sống với bản ngã thực của mình. Bằng sự nhạy cảm của một trái tim phụ nữ từng trải, phần sau của bài thơ là những âu lo, dự cảm về những thách thức trên đường đời: “Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn. Em trở về đúng nghĩa trái – tim – em/ Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/ Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Bạn đọc không thể ngờ linh cảm của nhân vật trữ tình qua những câu thơ trên lại đúng đến thế! Tai nạn giao thông thảm khốc ở Hải Phòng 8/1988 đã cướp đi sinh mạng của cả một gia đình nghệ sỹ. Xuân Quỳnh (cùng người chồng Lưu Quang Vũ và người con Lưu Quỳnh Thơ) tuy mất đi nhưng những bài thơ thể hiện những giá trị và phong cách riêng của nữ thi sỹ sẽ sống mãi. Điều này bắt nguồn bởi chính tính cách luôn sống hết mình, thẳng thắn, rõ ràng từ trong cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ. Bài thơ “Tự hát” được đánh giá là một trong những thi phẩm hay, rất giàu nữ tính và thật đậm chất Xuân Quỳnh chính vì lẽ đó.
Nếu bạn muốn hỏi bài tập
Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút
CÂU HỎI LIÊN QUAN
Top thành viên trả lời