Facebook là một mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, nó giúp cho mọi người kết nối liên lạc với nhau dễ dàng hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều bạn lạm dụng quá mức dẫn đến tình trạng "nghiện" Facebook. Vậy chúng ta cần phải hiểu như thế nào là "nghiện" Facebook? Đó là việc mỗi ngày các bạn dành ra rất nhiều thời gian để lên Facebook, các bạn có thể ngồi hàng giờ để lướt news feed xem mọi người đăng những gì, các bạn vào Facebook mà quên đi mất việc chính mình hôm ấy là gì. Các bạn dành quá nhiều thời gian vào việc chát chít với những người bạn mới quen chưa một lần gặp mặt, quan tâm tới họ mà bỏ bê học tập, thậm chí là trốn tránh bố mẹ để online. Như vậy, việc sử dụng Facebook quá nhiều sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trước hết là ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi người. Các bạn ngồi trước màn hình máy tính trong thời gian dài sẽ khiến cho mắt mỏi, xương sống tổn thương do tư thế ngồi không đúng... Tiếp theo là việc ảnh hưởng tới kết quả học tập. Mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ mà các bạn lại dành quá nhiều thời gian cho Facebook thì lấy đâu thời giờ để học tập, nghiên cứu. Và chắc chắn rằng kết quả học tập của các bạn sẽ sa sút, bản thân mình cũng nhận thấy chán nản. Hơn nữa, việc "nghiện" Facebook còn ăn mòn chính bản thân các bạn, làm cho các bạn trở nên vô cảm, thờ ơ với mọi thứ xung quanh dù là những thứ gần gũi nhất như ba mẹ, anh chị, hay cảnh đẹp thiên nhiên ngoài kia. Các bạn chỉ biết sống ảo, tự tạo ra cho mình một cuộc sống trong mơ ở thế giới ảo mà thôi. Một thực trạng đáng buồn nữa là hiện tượng nhiều bạn lợi dụng Facebook để bôi nhọ, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; hoặc thể hiện thái độ bất kính, thiếu tôn trọng senior bằng cách đăng tải những bức ảnh nhạy cảm, phản cảm nhằm câu like, mua vui cho bản thân. Những hành động này thật đáng lên án và phê phán gay gắt bởi đây là biểu hiện của lối sống thiếu văn hóa, trái với đạo đức và chuẩn mực xã hội. Nguyên nhân của vấn nạn này đầu tiên phải kể đến là do các bạn đã bị lôi cuốn bởi những tính năng mới lạ, độc đáo của Facebook. Ở thế giới ảo đó, các bạn được thỏa sức trò chuyện, giao lưu, kết bạn, chia sẻ âm nhạc, hình ảnh,... mà đôi khi chẳng cần quan tâm người kia trông ra sao, tên họ là gì. Chỉ cần một cú click chuột là các bạn có thể có vô số người bạn khắp mọi nơi trên thế giới, quen biết được những thần tượng từ lâu mình hâm mộ, được bày tỏ cảm xúc, thể hiện bản thân mình với cả thế giới. Không chỉ vậy, ở thế giới mạng kia các bạn được tự do ngôn luận, muốn phát ngôn ra sao thì phát ngôn, không ai quản lý, điều chỉnh. Mà tâm lí tuổi trẻ thì luôn muốn bộc lộ cái tôi cá nhân, muốn thử thách, chống đối lại các quy định, luật lệ thông thường. Chính vì vậy, các bạn nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy của Facebook. Bên cạnh đó, một phần là do các bậc phụ huynh chưa sát sao với con em mình, vẫn còn buông lỏng, thả trôi con cái mà không có sự quản lí chặt chẽ. Nhiều bạn còn được giữ password tài khoản Facebook của mình nên càng thích làm gì thì làm, chẳng sợ ai quản chế. Điều đó càng khiến cho tình trạng nghiện Facebook thêm trầm trọng. Để khắc phục được tình trạng này, trước hết mỗi bạn trẻ cần tự nhận thức được những tác hại, sự lãng phí của việc "nghiện" Facebook. Từ đó, hạn chế sử dụng mạng xã hội, chỉ lên mạng khi có việc cần thiết chứ không ngồi "chát chít" suốt ngày nữa. Đồng thời, chúng ta hãy tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, tìm kiếm cơ hội việc làm thiết thực hơn để rèn luyện bản thân mình. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về tác hại của Facebook, của công nghệ thông tin đối với học sinh. Tổ chức những sân chơi lành mạnh, bổ ích để các bạn cùng tham gia. Có như vậy thì vấn nạn "nghiện" Facebook mới dần được cải thiện và đẩy lùi.