Câu chuyện về cách cư xử của các bạn trẻ hiện nay đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bởi lẽ, nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động trực tiếp tới những người xung quanh và xã hội.
Văn hoá ứng xử là tổng hoà tất cả lời nói, thái độ, hành vi, cử chỉ,... mà con người sử dụng để giao tiếp, thể hiện sự tôn trọng cũng như tình cảm dành cho đối phương. Đồng thời, đây cũng chính là thước đo phẩm chất, đạo đức của mỗi cá nhân. Đặc biệt, giới trẻ - thế hệ năng động, có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá mới thì lại càng cần phải chú ý đến việc rèn luyện lối cư xử đúng mực, phù hợp.
Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ ăn nói thiếu lễ độ, vô văn hoá. Họ thường xuyên chửi bậy, nói tục trước đám đông. Thậm chí, có trường hợp văng tục, chửi thề ngay trước mặt bố mẹ hay ông bà. Điều này không chỉ gây tổn thương đến những người xung quanh mà còn khiến họ xấu hổ, mất đi sự tôn trọng từ mọi người. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ có thói quen chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng mua đồ hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Một số khác lại có sở thích "kể khổ", đăng tải lên mạng xã hội những bức xúc chưa rõ thực hư nhằm mục đích câu like, nhận được sự đồng cảm của cộng đồng mạng. Đây đều là những biểu hiện xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nếp sống văn minh đô thị.
Nguyên nhân dẫn đến những hành động trên xuất phát từ nhiều phía. Trước hết, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện. Các bạn trẻ bị cuốn theo những trào lưu, xu hướng mới lạ, thậm chí là tiêu cực. Tiếp theo, cha mẹ quá bận rộn với công việc nên ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái. Nhà trường chưa sát sao trong việc giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ muốn dùng những chiêu trò ấy để trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Từ đó, tạo nên tấm gương xấu, ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ trẻ tương lai.
Để thay đổi thực trạng đáng buồn trên, mỗi cá nhân cần tự ý thức trong cách cư xử, giao tiếp hằng ngày. Chúng ta cần tránh xa những thói hư tật xấu, rèn luyện bản thân cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Gia đình luôn có vai trò to lớn trong việc giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh cho con trẻ. Cha mẹ nên thường xuyên tâm sự, chia sẻ với con cái để kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Đối với nhà trường, cần đưa nội dung giáo dục văn hoá ứng xử vào chương trình học. Các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trên các kênh thông tin đại chúng. Chỉ khi tất cả mọi người cùng chung tay góp sức, vấn nạn này mới được giải quyết triệt để.
Ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn sẽ giúp chúng ta ghi điểm trong mắt mọi người. Do vậy, mỗi cá nhân cần tích cực trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.