Làm sao để có câu trả lời hay nhất?
6 giờ trước
6 giờ trước
Được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”, Hồ Xuân Hương đã để lại cho chúng ta những tác phẩm thơ Nôm thật sự xuất sắc, trong đó đa số là các bài thơ nói về thân phận người phụ nữ, cùng với nỗi niềm đồng cảm, thương cảm sâu sắc và khao khát được hạnh phúc. Trong các tác phẩm ấy có chùm thơ ba bài thơ Tự tình, được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của bà. Mỗi bài thơ đều mang những nỗi niềm cảm xúc riêng nhưng tựu chung lại là nỗi buồn, nỗi cô đơn của một người phụ nữ khao khát yêu đương nhưng lại gặp phải những bất hạnh, đau đớn. Tự tình 2 được sinh ra trong niềm cảm hứng chung ấy.
Hồ Xuân Hương được sinh ra vào giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, khi mà xã hội đang chuyển mình đầy sóng gió. Cả xã hội khi ấy đều sục sôi cái tư tưởng đòi quyền sống, tự do và hạnh phúc. Và cái không khí ấy đã tác động mạnh mẽ tới tâm trí và hồn thơ của bà. Ngẫm lại số phận mình, hai lần lấy chồng, hai lần làm lẽ, hai lần chồng chết, cuộc đời bà là một chuỗi dài những tháng năm đau khổ, là những giọt nước mắt cho phận “hồng nhan”.
Có lẽ chính thế mà khi viết Tự tình 2, bà đã gợi mở ra không gian vắng lặng giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ còn xao xác tiếng trống canh khuya
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”
Một không gian bao la mở ra trước mắt chúng ta, thế nhưng không gian ấy lại vắng lặng, đìu hiu, cô quạnh đến vô cùng, chỉ còn tiếng trống canh lặng lẽ gióng lên từng hồi lạnh lẽo. Người ta cũng phải ngạc nhiên tự hỏi tại sao nhân vật trữ tình lại mở lời giữa lúc đêm khuya vắng thế này? Liệu còn điều gì khiến bà suy tư mà giật mình thức giấc hay vì cả đêm qua, bà chưa hề chợp mắt một phút nào chăng? Tiếng trống canh “dồn” dập, gấp gáp báo hiệu sự trôi chảy của thời gian, mỗi khắc trôi qua là tuổi xuân của bà lại trôi qua một chút. Đêm khuya là lúc người ta nghỉ ngơi, vậy tại sao bà còn ngồi đây với đầy nỗi niềm tâm sự?
Có lẽ là bởi vì sự cô đơn, sự buồn tủi, thao thức cho số kiếp của mình đang xâm chiếm lấy tâm hồn nhạy cảm của bà. Ở đây, Hồ Xuân Hương đã sử dụng từ láy “văng vẳng” – một từ láy tượng thanh miêu tả cái âm thanh vang vọng của tiếng trống canh trong đêm, và nó cũng là từ láy diễn tả cái không khí vắng lặng đến vô cùng của một con người đang thao thức giữa canh khuya.
<iframe class="ql-video ql-align-center" frameborder="0" allowfullscreen="true"></iframe>Đến câu thơ thứ hai, người ta nhận thấy đằng sau nỗi thao thức ấy là một bầu tâm sự đang cần trút bỏ:
“Trơ cái hồng nhan với nước non”
“Hồng nhan” là một từ ngữ vốn dùng để chỉ những người phụ nữ xinh đẹp, ấy thế mà người phụ nữ ấy giữa canh khuya lại phải chịu cảnh “trơ” trọi một mình. Ấn tượng nhất trong câu thơ là từ “trơ”. Có lẽ chưa từng có một nhà thơ nào lại bạo gan trong cách sử dụng từ ngữ như thế! “Trơ” ở đây có lẽ Hồ Xuân Hương muốn nhắc tới sự cô đơn, lẻ loi, trơ trọi – một nỗi buồn bao trùm lấy cả không gian. Hồ Xuân Hương đã đặt ở câu thơ một từ ngữ định lượng “cái” để chỉ “hồng nhan”. Đây là một sự cụ thể hóa cho cái nỗi buồn cho kiếp má hồng, giọng thơ chùng xuống thể hiện một sự não nề trong khung cảnh. Đặt chữ "trơ" lên đầu câu, bà muốn nhấn mạnh sự trơ trọi, đơn độc, cái buồn tủi của mình trong đêm vắng. Và cái buồn ấy càng cụ thể hơn khi nó được đặt bên cạnh một cái to lớn như “nước non”. Đến đây, ta chợt cảm khái rằng có phải chăng đây Hồ Xuân Hương đang muốn gợi đến hình ảnh của một người vợ lẽ đang mòn mỏi chờ chồng mình trong canh khuya của kiếp chung chồng cay đắng, tủi phận chăng?
Cái buồn rất dễ thấm vào tâm can con người, như Nguyễn Du đã nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nó cũng thấm sang cả cảnh vật trong đêm vắng lặng này. Vậy nên ta mới cảm thấy cái bóng đêm kia quá lạnh lẽo, quá cô quạnh. Và khi cái buồn đang đè nặng, chi phối tâm trạng con người thì có lẽ chén rượu là phương tiện để giải sầu hiệu quả nhất. Thế nên, Hồ Xuân Hương cũng học theo người xưa “nâng chén để tiêu sầu”, nhưng có lẽ điều đó chỉ làm cho nỗi buồn càng thêm nặng nề, nỗi bi kịch vẫn là bi kịch không lối thoát:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Như một quy luật của tạo hóa, trăng tròn rồi lại khuyết, lặp lại theo một chu kì nhất định. Vầng trăng – vốn là tượng trưng cho cuộc đời, cho tuổi xuân của người con gái, vầng trăng “tròn” tức là đã đến tuổi gả chồng, cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Thế nhưng, trăng trong thơ Hồ Xuân Hương lại chỉ khuyết chẳng tròn, và đã “xế” bóng, gợi lên tuổi xuân đang dần trôi đi của người con gái – nhân vật trữ tình trong bài thơ. Trăng đã xế, tuổi xuân đã qua, ấy vậy mà vẫn chưa có được hạnh phúc trọn vẹn. Phải chăng hình ảnh trăng chưa tròn là vì hạnh phúc của bà còn chưa viên mãn hay cũng là cuộc đời của bà, đã có tuổi mà hạnh phúc vẫn chẳng tròn đầy?
Những câu thơ nối tiếp vẫn nói lên nỗi đơn côi, lẻ bóng của nhân vật trữ tình thế nhưng lại với một sự chuyển biến khác:
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”
Nếu như bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh vắng lặng, đìu hiu của canh khuya cô quạnh, lời thơ dìu dặt, đượm buồn diễn tả cái tâm trạng chờ đợi mòn mỏi thì hai câu thơ này lại đột ngột chuyển mình mạnh mẽ. Hồ Xuân Hương đã dùng ở đây nghệ thuật đảo ngữ với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ tạo nên một khung cảnh sinh động, chân thực và đầy sức sống. Những đám rêu trên mặt đất được bóng trăng xiên ngang mà soi tỏ, những hòn đá vô tri còn được ánh trăng đâm xuyên qua những đám mây mà chiếu tới. Cảnh thực nhưng lại gợi cảm nhiều hơn gợi tả. Đến những thứ vô tri vô năng mà còn được ánh trăng soi tỏ, có đôi có cặp, cớ sao một kiếp hồng nhan lại phải chịu cảnh cô đơn một mình?
Hai câu thơ thôi mà toàn là những động từ mạnh “đâm toạc, xiên ngang” phải chăng nó đang bày tỏ cái nỗi lòng chất chứa sắp bùng nổ của nhà thơ? Lời thơ như là một sự phản ứng dữ dội cho kiếp sống cô độc của người phụ nữ ấy, nhân vật trữ tình không còn dịu dàng được nữa, bà muốn được giải thoát khỏi tâm trạng bức bối đang bủa vây lấy thân mình. Nghệ thuật đảo ngữ đã làm cho lời thơ thêm phần mạnh mẽ dứt khoát, táo bạo giống hệt tính cách của “bà chúa thơ Nôm”.
<iframe class="ql-video ql-align-center" frameborder="0" allowfullscreen="true"></iframe>Thế nhưng, cái bộc phát tức giận đó chỉ dường như bùng lên trong giây lát để rồi bà lại trở về với cái nỗi buồn mênh mang trong lòng. Một sự chấp nhận, một sự bất lực, cam chịu mà bà phải thốt lên trong sự đau đớn:
“Ngán nỗi xuân qua xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Một câu thơ nhưng lại khiến người đọc cảm thấy một khoảng thời gian dài đằng đằng khi mà tuổi xuân của bà cứ trôi đi trong lặng lẽ, trong sự ngao ngán về cuộc đời. Mùa xuân đến trong mừng vui rộn rã thì tuổi xuân của bà cũng dần chảy trôi đi, ấy vậy mà hạnh phúc, tình yêu vẫn chỉ được hưởng một chút “con con”. “Mảnh tình” – chỉ là mảnh tình chứ chẳng được trọn vẹn, ấy vậy mà còn phải “san sẻ” thì còn đáng bao nhiêu nữa đây? Có lẽ đây là lời thở than đầy cay đắng của Hồ Xuân Hương cho cái kiếp vợ lẽ của mình, sự san sẻ yêu thương là một điều không ai muốn, vậy mà bà phải chịu:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”
Hai câu thơ cuối khép lại như một lời than thầm kín của người phụ nữ trong phận làm lẽ của xã hội xưa. Bởi một kiếp làm lẽ sẽ chẳng bao giờ được hưởng trọn tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của mình.
Bài thơ được Hồ Xuân Hương viết lên để thể hiện tâm trạng và thái độ của mình trước duyên phận hẩm hiu, bà vừa uất ức, vừa đau xót muốn gắng gượng vươn lên nhưng bi kịch cứ nối dài bi kịch. Nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với những từ ngữ sinh động gây ấn tượng mạnh mẽ. Mặc dù sử dụng thể thơ Đường nhưng những ngôn từ của bà đều hết sức thuần việt. Ngôn từ khi dịu dàng, đằm thắm, gợi tả nỗi buồn, khi phá cách với nhịp điệu mãnh liệt, tất cả đều được sử dụng để miêu tả những cảm nhận của bà về nỗi buồn sự đời. Nghệ thuật đặc tả được bà sử dụng hết sức tinh tế cùng với nghệ thuật đảo ngữ tạo nên một Tự tình cực kỳ thành công về mặt cảm xúc và xây dựng hình tượng.
Tự tình 2 là bài thơ thể hiện tâm tư, tình cảm của Hồ Xuân Hương trước duyên phận của mình; vừa uất ức, tức giận, buồn tủi, lẻ loi, muốn vượt lên nhưng lại rơi vào bi kịch. Bài thơ là minh chứng cho khát vọng hạnh phúc mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương đồng thời khẳng định tài năng của bà, xứng đáng với danh xưng “bà chúa thơ Nôm”.
Nếu bạn muốn hỏi bài tập
Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút
CÂU HỎI LIÊN QUAN
1 giờ trước
1 giờ trước
Top thành viên trả lời