Bài thơ Đường ra mặt trận được tác giả Chính Hữu sáng tác năm 1965, in trong tập Đầu súng trăng treo. Bài thơ đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên đất trời giao mùa thật đẹp, đó cũng là thời điểm mà những người lính lên đường ra mặt trận. Những người lính trẻ khoác ba lô ra trận thật ung dung, lạc quan, phơi phới niềm tin và hi vọng. Trên vai họ mang vác những vũ khí, trang thiết bị nặng nhưng vẫn bước đều qua những cánh đồng lúa chín mênh mông, bát ngát. Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật tươi đẹp, thanh bình với những bông lúa vàng trĩu hạt. Từ láy “nhấp nhô” cho thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời nơi đây. Dường như nhà thơ đang cảm nhận rõ từng khoảnh khắc, từng giây phút được hòa mình vào thiên nhiên, được đứng giữa trời đất bao la, rộng lớn. Trong khung cảnh thiên nhiên ấy, hình ảnh những người lính hiện lên thật trẻ trung, tràn đầy nhựa sống. Họ mang trong mình khí thế hừng hực, quyết tâm ra tiền tuyến để bảo vệ độc lập dân tộc. Biện pháp nói quá “bước chân nát đá” đã thể hiện được nhiệt huyết đang tuôn trào trong trái tim của những người lính.
“Bác dắt con đi khắp nẻo quê hương
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay…”
(Trích Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Những vần thơ quen thuộc đưa ta trở về tuổi thơ êm đềm, nhẹ nhàng cùng những hồi ức đẹp đẽ. Quê hương là miền nhớ, miền thương và là thế giới tình cảm đong đầy, ấm áp. Tình yêu quê hương là sợi dây vô hình gắn kết mỗi con người với cội nguồn gốc gác.
Tình yêu quê hương là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Tình cảm ấy vô cùng thiêng liêng, cao quý. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, đối tượng và ý nghĩa của tình yêu quê hương lại có sự thay đổi. Khi còn trẻ thơ, quê hương chính là mái ấm gia đình, là vòng tay yêu thương của cha mẹ. Với những người trưởng thành, quê hương là xóm làng thân thuộc, là con sông quê hương, là những trò chơi dân gian tuổi thơ, là bạn bè và thầy cô… Còn với những người xa quê, quê hương còn là nỗi nhớ da diết, là niềm thương, là nỗi buồn sâu thẳm.
Yêu quê hương chính là biết trân trọng, gìn giữ và quảng bá nét đẹp của quê hương. Việc làm thiết yếu nhất thể hiện tình yêu quê hương chính là góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh. Thế hệ trẻ cần ra sức học tập và rèn luyện, trau dồi đạo đức để hoàn thiện bản thân, cống hiến và phụng sự tổ quốc, đem sức mình xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đấu tranh và lên án những hành động phá hoại hoặc xâm chiếm chủ quyền của đất nước.
Là một học sinh, để thể hiện tình yêu quê hương, em sẽ cố gắng học tập tốt, tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật, luôn có ý thức bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, em sẽ cùng các bạn trong lớp, trường giữ gìn trường lớp sạch đẹp và tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Tình yêu quê hương là sợi dây vô hình gắn kết mỗi con người với cội nguồn gốc gác. Nó nghe có vẻ trìu tượng nhưng tất cả chúng ta ai cũng có nó từ lúc mới sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay. Vậy tại sao chúng ta phải yêu quê hương? Bởi vì quê hương là nơi ta được sinh ra và lớn lên, nơi mà ta có nhiều kỉ niệm cũng như dấu ấn đáng nhớ. Nếu một ngày nào đó, quê hương bị lãng quên thì những con người ở đó cũng sẽ bị lãng quên. Điều đó chứng tỏ rằng quê hương đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người. Chúng ta phải yêu quê hương bởi vì nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi người phải luôn ghi nhớ và hướng tới quê hương dù ở bất cứ nơi đâu.
Có thể thấy, tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng, cao quý. Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng quê hương để xứng đáng với truyền thống anh hùng của dân tộc.