phần:
câu 2: Cuộc sống ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế... Chính sự phát triển như vũ bão ấy khiến con người ngày càng xa rời nhau. Dường như có lúc mỗi cá nhân chỉ còn là những cái bóng âm thầm lướt qua nhau mà chẳng ai hay biết. Thế rồi mạng xã hội ra đời, nó giống như một cây cầu kết nối con người với con người lại gần nhau hơn. Nhưng dường như chúng ta lại mắc phải một căn bệnh khác đó là lạm dụng mạng xã hội quá mức.
Mạng xã hội là khái niệm chỉ chung hoặc riêng các dịch vụ kết nối internet để chia sẻ, nhắn tin, gọi điện, tra cứu thông tin, đăng tải hình ảnh, âm thanh.. Một số mạng xã hội được người Việt Nam sử dụng như Facebook, Zalo, Instagram.. Với những tiện ích thiết thực, mạng xã hội đã xâm nhập sâu vào đời sống hằng ngày của con người. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp mọi người nói chuyện, tương tác, giao lưu với nhau qua mạng xã hội. Thậm chí, nhiều thông tin tuyển dụng, quảng cáo, rao vặt được đăng tải trên các trang mạng xã hội để tiếp cận được nhiều người, tiết kiệm chi phí. Nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm sống nhưng đã nhanh chóng dựa dẫm vào mạng xã hội. Đi đâu, ăn gì, nghĩ gì họ cũng post lên mạng xã hội và cuồng loạn bấm like, share, comment . Họ sợ mất lượt like, sợ mất lượt comment nên cố gắng làm mọi cách để thu hút thật nhiều sự chú ý. Đối với họ, lượng người theo dõi và tương tác trên mạng xã hội chính là thước đo cho giá trị của bản thân. Điều này khiến họ luôn ảo tưởng về bản thân mình, thậm chí sinh ra các chứng bệnh trầm cảm, tự ti, rối loạn ăn uống.. Vì vậy, họ dần mất đi niềm vui trong học tập, công việc, không muốn tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài trời. Cả thế giới rộng lớn ngoài kia họ không muốn khám phá mà chỉ chăm chăm vào một góc nhỏ của riêng mình. Đó là khi mạng xã hội đã bị lạm dụng, đã trở thành thứ giết chết tâm hồn của một con người.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mỗi người chúng ta ngày càng lạm dụng mạng xã hội. Có thể kể đến những lí do sau đây: Nhu cầu giao tiếp của con người ngày càng tăng, nhu cầu được nói, được chia sẻ, được thể hiện bản thân ngày càng cao nhưng lại sợ tốn kém tiền bạc, thời gian nếu thực hiện những chương trình offline nên lựa chọn cách giao tiếp trên mạng xã hội. Hoặc cũng có thể là do bẩm sinh đã mang thói ham mê cái mới lạ, tò mò về mọi thứ xung quanh nên luôn muốn cập nhật liên tục mạng xã hội để biết được những thông tin nóng hổi, những tin tức mới được cập nhật từng phút từng giây. Một số trường hợp đặc biệt còn sử dụng mạng xã hội để chống đối, chửi bới chính quyền, các cơ quan nhà nước, thực hiện tuyên truyền, phản động theo sự xúi giục của các tổ chức, thế lực phản động.
Việc lạm dụng mạng xã hội sẽ gây ra rất nhiều hậu quả cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xung quanh. Nó khiến chúng ta mất kiểm soát cuộc sống thực tại, dành quá nhiều thời gian cho việc online, chìm đắm trong thế giới ảo, khiến chúng ta quên đi nhiệm vụ chính của mình là học tập, lao động. Từ đó, dẫn tới tình trạng lười biếng, trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo trong học tập, công việc. Việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội là vô cùng thuận lợi và nhanh chóng, tuy nhiên nguồn thông tin đó có thể đúng, cũng có thể sai, thậm chí là độc hại. Nếu chúng ta không cẩn thận, không có sự chọn lọc kĩ càng thì rất dễ bị lừa dối, sa ngã vào những thông tin bịa đặt, những trang web đen, những tổ chức phi pháp, từ đó đẩy chúng ta vào tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu, làm hỏng hình ảnh của chúng ta trong mắt mọi người. Ngoài ra, việc lạm dụng mạng xã hội cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là thị giác của chúng ta. Nhìn màn hình máy tính, điện thoại liên tục trong thời gian dài sẽ khiến chúng ta mắc các bệnh về mắt, thậm chí gây mù.
Để khắc phục tình trạng lạm dụng mạng xã hội ở giới trẻ hiện nay, trước hết mỗi cá nhân cần có ý thức tự chủ, tự điều chỉnh hành vi của mình. Không nên quá phụ thuộc vào mạng xã hội, phải phân bố thời gian hợp lí cho công việc, học tập, bạn bè, gia đình và bản thân. Nên tìm cho mình những thú vui khác không liên quan đến mạng xã hội để khi cần có thể dừng lại. Gia đình và nhà trường cũng cần phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao tiếp ngoài đời thực, nâng cao hiểu biết cho học sinh về cả kiến thức và kĩ năng sống. Đồng thời, nhà nước cũng cần siết chặt quản lý các trang mạng xã hội, lọc bỏ những thông tin bẩn, thông tin sai lệch.
Như vậy, việc lạm dụng mạng xã hội đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại. Để sống có ích hơn, mỗi chúng ta hãy tự giảm thiểu tối đa việc lạm dụng mạng xã hội của bản thân, hãy sử dụng mạng xã hội đúng với mục đích, đem lại lợi ích cho bản thân. Có như vậy, cuộc sống của chúng ta mới trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn.