Cuộc sống ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống, và giáo dục cũng không ngoại lệ. Sự bùng nổ của công nghệ và mạng internet đưa thế giới bước vào giai đoạn mới-gọi là xã hội thông tin. Ở đó, thông tin được coi như là một loại hàng hóa đặc biệt có khả năng quy đổi, trao đổi. Cùng với sự phát triển ấy, giới trẻ đã tận dụng triệt để những tính năng vượt trội của các trang mạng xã hội để phục vụ cho nhu cầu giải trí cũng như học tập của bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực dễ thấy ấy, vẫn còn tồn tại những hiện tượng lệch lạc trong cách sử dụng mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Mạng xã hội là khái niệm chỉ chung các dịch vụ kết nối thành viên, bạn bè qua Internet. Các dịch vụ, ứng dụng này cho phép người dùng chia sẻ thông tin qua tin nhắn, thậm chí gọi điện trực tuyến. Có thể nói, mạng xã hội là một trong những sản phẩm khoa học trí tuệ của con người trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.
Sự xuất hiện của mạng xã hội đem lại cho con người nhiều lợi ích không thể phủ nhận. Đó là nơi giao lưu, kết bạn, trò chuyện, cập nhật tin tức, chia sẻ tâm tư, tình cảm tiện lợi, kịp thời. Mạng xã hội trở thành công cụ làm việc, cập nhật thông tin nghề nghiệp, bán hàng thuận tiện, tiết kiệm. Bên cạnh đó, các hoạt động từ thiện, chia sẻ thông tin nhân đạo cũng nhờ mạng xã hội mà mở rộng phạm vi, thu hút được sự chú ý, quan tâm nhiều hơn. Như vậy, nếu biết vận dụng đúng cách, khai thác đúng lúc, mạng xã hội hoàn toàn có thể phát huy tối đa ưu điểm, vai trò của mình.
Bên cạnh những ưu điểm, chúng ta không thể phủ nhận rằng, mạng xã hội đã và đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những thói hư tật xấu nảy nở. Đặc biệt, với giới trẻ, lứa tuổi nhạy bén nhưng thiếu kinh nghiệm, thì việc kiểm soát những hành động trên mạng xã hội là điều hết sức khó khăn. Một trong những vấn đề nổi cộm lên là việc “sống ảo”. Giới trẻ hiện nay dành quá nhiều thời gian cho các trang mạng xã hội. Họ có thể ngồi hàng giờ để lướt web, đọc tin tức, bình luận và thậm chí tham gia vào các cuộc tranh cãi vô bổ. Nhiều người trẻ thậm chí còn tạo ra những hình ảnh giả dối, khoe khoang về cuộc sống của mình trên mạng xã hội. Họ chụp ảnh, chỉnh sửa và đăng tải những bức ảnh đẹp đẽ, sang trọng để thu hút sự chú ý của người khác. Nhưng thực tế, cuộc sống của họ lại rất đơn giản, bình thường và không hề giống như những gì họ thể hiện trên mạng xã hội.
Hiện tượng “anh hùng bàn phím” cũng là một biểu hiện tiêu cực của lối sống ảo. Những người này thường xuyên sử dụng mạng xã hội để bình luận, đánh giá, thậm chí là xúc phạm người khác một cách vô tội vạ. Họ không hiểu rõ nội dung, không nắm bắt đầy đủ thông tin nhưng lại sẵn sàng đưa ra những phán xét chủ quan, gây tổn thương cho người khác. Điều này đã góp phần làm tăng thêm căng thẳng, mâu thuẫn trong xã hội.
Ngoài ra, mạng xã hội còn là nơi ẩn náu của những kẻ lừa đảo, buôn bán ma túy hay tuyên truyền phản động. Những thông tin sai lệch, độc hại được lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Có thể nói, lối sống ảo đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với giới trẻ. Nó khiến họ mất đi sự gắn kết với thực tại, xa rời gia đình, bạn bè và những mối quan hệ ngoài đời thực. Hơn nữa, nó còn làm giảm sút chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả học tập, lao động của giới trẻ.
Để khắc phục tình trạng này, mỗi cá nhân cần nhận thức rõ ràng về tác hại của lối sống ảo. Hãy biết quý trọng thời gian, phân bổ thời gian hợp lý và sử dụng mạng xã hội một cách có ích. Chúng ta nên sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho mục đích chính đáng như tìm hiểu kiến thức, kết bạn, giao lưu,... Đồng thời, tránh sa đà vào những hoạt động vô bổ, không lành mạnh trên mạng xã hội.
Mỗi người trẻ cần có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh, văn minh và tiến bộ.