Thủy triều đỏ là tên gọi phổ biến dùng để chỉ hiện tượng nở hoa của tảo ở biển. Hiện tượng này có thể kéo dài từ vài tuần đến một năm. Sau đó, những đám tảo nhỏ sẽ chết và phân hủy làm cho lượng oxy trong nước suy giảm đáng kể, các loài sinh vật dùng nước để hô hấp cũng vì thế mà dần kiệt sức.
Hiện tượng thủy triều đỏ không phải lúc nào cũng gây hại. Tuy nhiên, khi nó xảy ra đồng thời với các điều kiện môi trường khác như nồng độ oxy trong nước thấp, nhiệt độ tăng cao hay hiện tượng tảo không độc hại nhưng trở nên độc hại bởi các độc tố từ những loài khác sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện trên khắp các vùng biển Việt Nam và tập trung chủ yếu ở khu vực vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bãi biển Thuận An (Thừa Thiên Huế), Cát Bà (Hải Phòng), Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Một số nhà khoa học cho rằng, hiện tượng nở hoa của tảo, đặc biệt là tảo độc, gây nhiều thiệt hại cho con người và hệ sinh thái biển. Chúng có thể gây độc hại tới con người và động vật qua đường tiêu hoá, hoặc qua da; gây bệnh hô hấp, kích thích mắt và họng, phá huỷ mô, rụng tóc và rụng lông. Một số loại tảo có thể tiết ra các độc tố gây rối loạn giấc ngủ, gây liệt cơ, đau lưng, đau ngực, khó thở, tim đập chậm, huyết áp cao, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí ung thư. Tảo độc cũng có khả năng tạo ra trạng thái "biển chết" khi chúng nở hoa với mật độ cao, làm cạn kiệt oxy trong nước và giết chết các sinh vật biển.
Ngoài ra, khi hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra, các độc tố mà chúng sản sinh ra không những gây hại cho các sinh vật sống trong nước như tôm, cá… mà còn ảnh hưởng đến con người nếu như ăn phải. Những biểu hiện thường thấy ở người khi ăn phải hải sản nhiễm độc là dị ứng, ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, phù nề, hỏng giác mạc, hôn mê, tê liệt thần kinh, suy hô hấp, tim đập chậm, huyết áp hạ thấp, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí ngưng thở.
Đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào về thủy triều đỏ ở Việt Nam được tiến hành một cách đầy đủ và chi tiết. Việc nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở mức sơ bộ, bước đầu tiên trong việc tìm hiểu hiện tượng này. Vì vậy, rất khó để đưa ra một con số cụ thể về số lần xuất hiện của hiện tượng thủy triều đỏ ở Việt Nam.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của thủy triều đỏ, cần thiết phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan bao gồm các nhà khoa học, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Qua đó, giúp nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến của hiện tượng, đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng và đề xuất các biện pháp ứng phó hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiện tượng thủy triều đỏ, nhất là đối với những người trực tiếp tham gia hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro do hiện tượng này gây ra, bảo vệ sức khỏe và môi trường biển.