Dòng chảy muôn đời của thời gian vẫn luôn xoay vòng theo quy luật tự nhiên của nó. Nhưng có những chân lý vĩnh hằng mãi mãi chẳng đổi thay. Đó là chân lý về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc ta. Truyền thống ấy luôn tồn tại trong dòng máu mỗi người Việt Nam, ăn sâu vào tiềm thức, trở thành lẽ sống cao cả nhất. Đặc biệt, trong cuộc sống hôm nay, chân lý ấy càng được khẳng định hơn nữa.
Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là "uống nước nhớ nguồn"? "Uống nước" là sự hưởng thụ thành quả, bao gồm cả những giá trị vật chất lẫn tinh thần của loài người. Còn "nguồn" tức là nơi mà tất cả những thứ đó được tạo ra. Nguồn nước, nguồn điện, nguồn lương thực,...đều được con người tạo ra bằng trí tuệ, sức lực của chính mình. Vậy "uống nước nhớ nguồn" là sự biết ơn, ghi nhớ công ơn của những người đã tạo dựng lên thành quả cho chúng ta hưởng thụ. Lòng biết ơn không đơn thuần chỉ là một phẩm chất đáng quý mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Bởi vậy, ông cha ta đã có những câu tục ngữ, ca dao như "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha nghĩa mẹ ơn thầy chớ quên"...
Lòng biết ơn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống. Đầu tiên là trong gia đình - cái nôi nuôi dưỡng, chăm sóc và nuôi lớn mỗi người. Cha mẹ chính là nguồn cơn, cũng là người tạo ra "dòng nước" ngọt ngào cho chúng ta thưởng thức. Họ vất vả mang nặng đẻ đau, rồi nuôi nấng ta nên người mà không hề toan tính. Bởi vậy, bổn phận của những người làm con chính là yêu thương, kính trọng và báo đáp cha mẹ. Không chỉ vậy, trong suốt những năm tháng cắp sách tới trường, thầy cô chính là người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta. Họ cung cấp cho chúng ta biển kiến thức bao la, giúp ta trang bị hành trang để bước vào cuộc sống. Vì vậy, thái độ tôn trọng và lòng biết ơn dành cho thầy cô chính là "liều thuốc" bổ vô giá.
Không chỉ vậy, lòng biết ơn còn được thể hiện ở chỗ, chúng ta là những người được hưởng lạc thành quả do bao lớp người tạo dựng nên. Mỗi lần gấp cuốn sách hay, chúng ta biết ơn những nhà khoa học, nhà văn đã dày công nghiên cứu, sáng tạo. Mỗi món đồ chúng ta mặc đều là công sức lao động miệt mài của người nông dân. Những tòa nhà cao tầng, những khu đô thị sầm uất đều được xây dựng bởi bàn tay của những người thợ. Tất cả những điều đó đều là "nguồn", là cội rễ cho "dòng nước" mát lành mà chúng ta đang tận hưởng.
Nếu không có sự hi sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước thì liệu chúng ta có được như ngày hôm nay hay không? Chính những con người thầm lặng, dũng cảm đó đã đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Chính họ đã tạo ra "nguồn", để rồi bao thế hệ con người thông minh, sáng tạo của đất nước ta thưởng thức và cuối cùng cũng là để phụng sự cho Tổ quốc. Bởi vậy, chúng ta cần phải luôn khắc ghi công ơn đó trong lòng. Thế nhưng, bên cạnh những người biết giữ gìn và phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn" thì vẫn còn một bộ phận nhỏ những người sống vô ơn. Họ sẵn sàng chạy theo lối sống phương Tây để bỏ bê trách nhiệm đối với gia đình. Thậm chí, có người còn tìm mọi cách để bóc lột người lao động, chỉ biết đến tiền bạc mà quên đi lương tâm. Thật đáng buồn!
Vậy chúng ta cần làm gì để phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn"? Trước tiên là đối với cha mẹ - những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta. Hãy luôn yêu thương, kính trọng cha mẹ, giúp đỡ những công việc vừa sức, khiến cha mẹ vui lòng. Bên cạnh đó, đối với thầy cô, chúng ta cũng phải luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và rèn luyện để không phụ công ơn dạy dỗ của họ. Với những thế hệ cha anh đi trước, ta phải luôn trân trọng những thành quả họ đã tạo dựng, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp. Và đặc biệt, ta phải biết thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những vị anh hùng đã hi sinh vì dân tộc. Cứ vào dịp lễ tết, mỗi người lại cùng người thân đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho những người con ưu tú của dân tộc, thể hiện tấm lòng thành kính.
Tóm lại, lòng biết ơn là một phẩm chất cao quý cần có ở mỗi người. Chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy thật tốt truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.