Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Quỳnh mang nhiều dấu ấn riêng độc đáo nhưng nổi bật nhất đó chính là chất giọng nữ tính, giàu trực cảm, chứa đựng khát khao yêu thương. Chính vì vậy mà khi viết về chủ đề tình yêu, các sáng tác của bà luôn hấp dẫn người đọc bởi cái nét tinh tế, sôi nổi, hồn nhiên lại không kém phần suy tư, chín chắn. Một trong số đó là bài thơ "Sóng", được in trong tập "Hoa dọc chiến hào" (1968). Tác phẩm đã khắc họa những nét đẹp của tình yêu đôi lứa với sức sống thật phi thường, mãnh liệt.
Trước hết, vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa được thể hiện rõ nét thông qua hình tượng sóng. Sóng là một hình ảnh ẩn dụ cho tình yêu của người con gái. Ở những khổ thơ đầu tiên, tác giả đã miêu tả sóng với rất nhiều trạng thái đối lập nhau: "dữ dội và dịu êm", "ồn ào và lặng lẽ". Sự đối lập ấy gợi lên trong chúng ta những cảm giác giống như tâm trạng của người con gái lúc yêu, khi thì nồng nhiệt, say mê, lúc lại thầm thương trộm nhớ, dịu dàng, tha thiết. Tiếp đến, nhà thơ tiếp tục khắc họa những cung bậc cảm xúc khác nhau của sóng: "Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể". Có thể thấy rằng, khi không được thấu hiểu, yêu thương, người con gái ấy sẵn sàng rời bỏ chốn chật hẹp, tù túng để tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Đó chính là quy luật tất yếu trong tình yêu.
Không chỉ dừng lại ở đó, vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa còn được thể hiện thông qua nỗi nhớ da diết, khắc khoải của người phụ nữ khi yêu: "Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được". Điệp ngữ "con sóng" cùng hình ảnh tương phản "dưới lòng sâu - trên mặt nước" cho thấy con sóng dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều mang trong mình nỗi nhớ bờ da diết. Từ thiên nhiên, tác giả đã khéo léo bộc lộ tiếng lòng của mình khi yêu, đó là nỗi nhớ cồn cào, da diết, không thể nào nguôi. Nỗi nhớ ấy thậm chí còn chiếm cả tầng sâu và bề rộng, bao trùm lên cả không gian. Đồng thời, nhà thơ còn bộc lộ nỗi nhớ dành cho anh "Dẫu xuôi về phương bắc/ Dẫu ngược về phương nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh - một phương". Trong tình yêu, khoảng cách địa lí chính là thứ khiến con người ta thấy mệt mỏi và chán nản nhất. Bởi lẽ khi có quá nhiều lo toan, bận rộn, họ sẽ dễ quên đi lời hứa hẹn. Chính vì vậy mà nữ sĩ đã thể hiện nỗi nhớ của mình dành cho người thương bằng cách khẳng định "nơi nào" em cũng đều hướng về "anh". Lời thơ vừa bộc lộ nỗi nhớ mãnh liệt, vừa khẳng định sự chung thủy, son sắt trong tình yêu.
Cuối cùng, vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa được thể hiện ở niềm tin tuyệt đối của người phụ nữ vào tình yêu chân thành, bất diệt. Nhà thơ đã mượn hình ảnh sóng để nói lên mong ước của mình: "Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ". Bà muốn được tan chảy vào trong tình yêu, hòa nhập vào với tình yêu lớn lao để tình yêu của mình trường tồn, bất diệt, mãi mãi chứ không bị phai nhạt, chia lìa. Qua đó, ta thấy được khát vọng mãnh liệt của người phụ nữ khi yêu, đó là được sống với tình yêu trọn vẹn, cháy bỏng nhất.
Như vậy, bài thơ "Sóng" đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa thật chân thành, mãnh liệt. Đó là thứ tình cảm khiến con người ta thêm yêu cuộc sống, thêm trân trọng từng giây từng phút được tận hưởng men say của hạnh phúc. Đồng thời, tác phẩm còn khẳng định tài năng của nhà thơ Xuân Quỳnh trong việc xây dựng hình tượng, sử dụng ngôn từ. Tất cả đã góp phần làm nên một thi phẩm xuất sắc, xứng đáng trở thành bài ca bất hủ về tình yêu.