Đề thi
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Năm mươi người con theo cha xuống biển
Năm mươi người con theo mẹ lên rừng
Những người con ngồi đúc trống đồng
Tiếng chim hót phổ vào giọng nói
Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi
Nghe dịu dàng âu yếm biết bao
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt có từ đâu
Sau tiếng Mẹ là tiếng Yêu thánh thót
Tiếng Nước nghe như rơi từng giọt
Tiếng Đất nghe chắc nịch vững bền
Tiếng Cơm nghe ngạt ngào hương thơm
Người Giao Chỉ lắng nghe tiếng gió
Tiếng dòng sông rì rào sóng vỗ
Tiếng trời xanh lồng lộng mênh mang
Tiếng xôn xao của nắng thu vàng
Tiếng dế đêm trăng thanh vời vợi
Tiếng hổ gầm vang trong hốc núi
Tiếng mây bay vương vấn sắc trời
Tiếng sấm rền và tiếng mưa rơi
Tiếng nhịp đập trái tim thiếu nữ
Tiếng bập bùng nhen trong bếp lửa
Những thanh âm tha thiết bồi hồi
Bật ra thành tiếng Việt trên môi…
(Trích Tiếng Việt mến yêu, Nguyễn Phan Hách)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích?
A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
B. Phong cách ngôn ngữ chính luận.
C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.
Câu 2. Theo tác giả, Tiếng Đất nghe như… . Trong dấu “…” là gì?
A. Chắc nịch
B. Thánh thót
C. Ngạt ngào
D. Âu yếm
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ trong câu thơ: Tiếng Nước nghe như rơi từng giọt.
A. Điệp từ.
B. Nhân hoá.
C. Ẩn dụ.
D. Hoán dụ.
Câu 4. Cảm xúc được gợi lên qua 2 câu thơ sau là gì?
Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi
Nghe dịu dàng âu yếm biết bao
A. Bối rối.
B. Bồi hồi.
C. Yêu thương.
D. Lo lắng.
Câu 5. Hai câu thơ đầu trong đoạn trích được gợi từ truyện dân gian nào?
A. Thánh Gióng.
B. Con Rồng cháu Tiên.
C. Bánh chưng bánh giầy.
D. Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
Câu 6. Nguồn gốc của tiếng Việt trong đoạn trích xuất phát từ đâu?
A. Tiếng mẹ đẻ.
B. Tiếng của thiên nhiên.
C. Âm thanh của muôn loài.
D. Tiếng những thanh âm tha thiết của cuộc sống.
Câu 7. Đoạn trích đề cập đến đề tài nào dưới đây?
A. Thiên nhiên.
B. Đất nước.
C. Con người.
D. Tiếng Việt.
Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Hãy nêu tác dụng của phép điệp ngữ trong đoạn thơ sau:
Người Giao Chỉ lắng nghe tiếng gió
Tiếng dòng sông rì rào sóng vỗ
Tiếng trời xanh lồng lộng mênh mang
Tiếng xôn xao của nắng thu vàng.
Câu 9. Nhận xét về giọng điệu của đoạn trích.
Câu 10. Trách nhiệm của Anh/ Chị trong việc giữ gìn tiếng Việt.
II. VIẾT (4.0 điểm)
Đọc truyện ngắn:
Máy bay cất cánh trong mưa. Tiếng càng bánh xe gấp lại có vẻ mạnh hơn bình thường dội độ rung vào thân máy bay. Tôi tiếc là đã không nghe lời vợ. Đáng lý nên trả vé, đừng theo chuyến này. Ngày xấu, giờ xấu, thời tiết xấu.
Máy bay hẫng một cái như hụt bước. Tay vận complet ngồi bên cạnh tôi mặt nhợt đi, mắt nhắm nghiền, cặp môi run run. Tôi bấu chặt các ngón tay vào thành ghế. Con người tôi bé tí hin treo trên vực sâu đang càng lúc càng sâu thẳm.
- Mây ngay ngoài, các bác kìa! - bà cụ ngồi ở ghế trong cùng, kề cửa sổ, thốt kêu lên.
Chiếc TU đã lấy được độ cao cần thiết, bắt đầu bay bằng. Hàng chữ điện “Cài thắt lưng an toàn” đã được tắt đi. Nhưng ngoài cửa sổ vẫn cuồn cuộn mây.
- Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Bà cụ nói - Y thể cây lá ngoài vườn.
Tay vận complet nhấc mi mắt lên. Môi y mím chặt, vẻ căng thẳng đổi thành quàu quạu.
- Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ?
Tay nọ làm thinh.
- Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?
Không được trả lời, bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm. Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế. Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến, bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cũng thực tình là già chẳng có lắm tiền. Cô gái ân cần giải thích để bà cụ yên tâm rằng giá của suất ăn này đã được tính gộp trong tiền vé.
- Thảo nào hai lượt tàu bay những triệu bạc - bà cụ nói - Vậy mà lúc biếu già tấm vé các chú không quân cùng đơn vị với con trai già ngày nọ bảo là tốn có trăm ngàn. Các chú ấy cho già thì có, chứ còn tính ở quê đừng nói triệu với trăm ngàn, ngàn với trăm cũng khó.
Bà cụ hạ chiếc bàn gấp xuống song không bày bữa ăn lên đấy. Tất cả các thứ hộp thứ gói trên khay bà dồn hết vào chiếc làn mây. Bà chẳng ăn chút gì. Lúc người ta mang đồ uống đến, bà cũng chỉ xin một cốc nước lọc. Bà hỏi cô tiếp viên:
- Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?
- Dạ thưa - Cô gái nhìn đồng hồ đeo tay - Còn chừng dăm phút nữa ạ. Nhưng thưa cụ vì chúng ta bay trên biển nên không ngang qua sông mà sẽ chỉ ngang qua vùng trời vĩ tuyến 17.
- Lát qua đấy con bật dùm già cái cửa tròn này con nhé, cho thoáng.
- Ấy chết, mở thế nào được ạ. Cô gái bật cười.
Ngoài cửa sổ nắng loé lên, cánh máy bay lấp lánh, nhưng chỉ trong chốc lát. Trên rất cao này, trời vẫn còn mây. Người tôi nôn nao như ngồi trên đu quay. Chưa chuyến nào thấy mệt như chuyến này. Có lẽ vì cơn bão đang hoành hành ở miền trung nên không trung đầy rẫy ổ gà. Máy bay chòng chành, dồi lắc, bên thân và dưới sàn khe khẽ phát ra những tiếng răng rắc như sắp rạn.
Tay vận complet xoè diêm châm thuốc. Là dân nghiện nhưng lúc này tôi thấy gai với khói. Lẽ ra y nên xuống phía dưới mà thả khí chứ chẳng nên phớt lờ hàng chữ “không hút thuốc” sáng nay trước mũi y như vậy, tôi sẽ uể oải thầm nghĩ, đậy tờ báo lên mặt và nhắm mắt lại.
Giấc ngủ thiu thiu chầm chậm trườn tới.
- Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!
Tôi giật bắn mình. Tôi bị giằng khỏi giấc ngủ không phải vì tiếng quát, tay ngồi cạnh tôi không quát to tiếng, chỉ nạt, nạt khẽ thôi, đủ nghe. Nhưng âm hưởng của nỗi hoảng hốt và sự cục cằn trong giọng y như tát vào mặt người ta. Thận trọng, tôi liếc nhìn. Khói thuốc và cặp vai to đùng của y che khuất cả bà cụ già, cả ô cửa sổ.
- Này, cô kia, cô nhân viên! - Y sang trọng đứng dậy mắng - Tới mà nhìn! Đây là hàng không hay là cái xô bếp? Là phi cơ hay là cái miếu thờ thế này, hả?
- Van bác... - Bà cụ sợ sệt - Bác ơi, van bác... Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.
Tay nọ gần như bước xéo lên đùi tôi, xấn ra lối đi. Bộ mặt hồng hào bừng bừng giận dữ và khinh miệt.
Bà cụ ngồi, lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc. Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thuỷ tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc.
Cô tiếp viên vội đi tới. Cô đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn.
Máy bay vươn mình nâng độ cao vượt qua trần mây. Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.
Khói nhang nhả nhè nhẹ, bốc lên dìu dịu, mờ mỏng trong bầu không khí lành lạnh của khoang máy bay. Những cây nhang trên trời thẳm toả hương thơm ngát. Ngoài cửa sổ đại dương khí quyển ngời sáng.
Thực hiện yêu cầu:
Nhan đề Mây trắng còn bay phản ánh khía cạnh nội dung nào của tác phẩm? Anh/ Chị trả lời câu hỏi bằng cách viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ).
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. B. Phong cách ngôn ngữ chính luận. C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. D. Phong cách ngôn ngữ báo chí. |
Phương pháp giải:
Nhớ lại những kiến thức về phong cách ngôn ngữ
Lời giải chi tiết:
Văn bản trên thuộc thể loại truyện ngắn → Sử dụng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
→ Đáp án C
Câu 2. Theo tác giả, Tiếng Đất nghe như… . Trong dấu “…” là gì? A. Chắc nịch B. Thánh thót C. Ngạt ngào D. Âu yếm |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và điền từ còn thiếu vào chỗ trống
Lời giải chi tiết:
Từ còn thiếu trong dấu … là chắc nịch
→ Đáp án A
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ trong câu thơ: Tiếng Nước nghe như rơi từng giọt. A. Điệp từ. B. Nhân hoá. C. Ẩn dụ. D. Hoán dụ. |
Phương pháp giải:
Nhớ lại những kiến thức về biện pháp tu từ để xác định biện pháp trong câu thơ trên.
Lời giải chi tiết:
Câu thơ trên sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
→ Đáp án C
Câu 4. Cảm xúc được gợi lên qua 2 câu thơ sau là gì? Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi Nghe dịu dàng âu yếm biết bao A. Bối rối. B. Bồi hồi. C. Yêu thương. D. Lo lắng. |
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ hai câu thơ
- Phân tích những từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu, từ đó suy ra cảm xúc được gợi lên
Lời giải chi tiết:
Hai câu thơ ngập tràn cảm xúc yêu thương trong từng câu từ. Không chỉ tái hiện trước mắt người đọc khung cảnh ấm áp của ngày đầu tiên đứa trẻ cất tiếng nói, hai câu thơ còn thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả đối với tiếng Việt.
→ Đáp án C
Câu 5. Hai câu thơ đầu trong đoạn trích được gợi từ truyện dân gian nào? A. Thánh Gióng. B. Con Rồng cháu Tiên. C. Bánh chưng bánh giầy. D. Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ. |
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ hai câu thơ đầu
- Vận dụng kiến thức và liên hệ đến những câu chuyện dân gian
Lời giải chi tiết:
Hai câu thơ được gợi từ truyện dân gian Con Rồng cháu Tiên
Câu 6. Nguồn gốc của tiếng Việt trong đoạn trích xuất phát từ đâu? A. Tiếng mẹ đẻ. B. Tiếng của thiên nhiên. C. Âm thanh của muôn loài. D. Tiếng những thanh âm tha thiết của cuộc sống. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Trong đoạn trích, nguồn gốc của tiếng Việt được xuất phát từ tiếng những thanh âm tha thiết của cuộc sống.
→ Đáp án D
Câu 7. Đoạn trích đề cập đến đề tài nào dưới đây? A. Thiên nhiên. B. Đất nước. C. Con người. D. Tiếng Việt. |
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn trích
- Dựa vào những chi tiết tiêu biểu và nhan đề đề rút ra kết luận về đề tài của bài thơ
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích đề cập đến đề tài tiếng Việt (về lịch sử ra đời, quá trình hình thành, sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt cũng như gửi gắm tình cảm của tác giả đối với tiếng Việt)
→ Đáp án D
Câu 8. Hãy nêu tác dụng của phép điệp ngữ trong đoạn thơ sau:
Người Giao Chỉ lắng nghe tiếng gió
Tiếng dòng sông rì rào sóng vỗ
Tiếng trời xanh lồng lộng mênh mang
Tiếng xôn xao của nắng thu vàng.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn thơ
- Dựa vào những hình ảnh, từ ngữ để phân tích tác dụng của phép điệp ngữ
Lời giải chi tiết:
Tác dụng của phép điệp ngữ trong đoạn thơ:
- Tạo nhịp điệu, gợi sự sinh động, tăng giá trị biểu cảm cho đoạn thơ.
- Thể hiện sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt.
Câu 9. Nhận xét về giọng điệu của đoạn trích.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn trích
- Từ đó rút ra nhận xét về giọng điệu
Lời giải chi tiết:
Nhận xét về giọng điệu của đoạn trích:
Giọng điệu: ngọt ngào, tha thiết – rất phù hợp cho việc thể hiện cảm xúc: sự trân trọng, yêu quý của tác giả dành cho tiếng Việt.
Câu 10. Trách nhiệm của Anh/ Chị trong việc giữ gìn tiếng Việt.
Phương pháp giải:
Liên hệ bản thân để nêu trách nhiệm trong việc giữ gìn tiếng Việt
Lời giải chi tiết:
Trách nhiệm trong việc giữ gìn tiếng Việt:
Mỗi người phải tự hào, trân trọng; gìn giữ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.
II. VIẾT
1.Đề tài- chủ đề
- Đề tài: Cuộc sống của con người thời hậu chiến.
- Chủ đề: Nhận thức lại về chiến tranh: những ảnh hưởng của chiến tranh đến số phận, cuộc sống con người thời hậu chiến.
2. Nhân vật bà cụ
* Là một bà lão “ quê mùa” được khắc họa
- Gián tiếp
+ Vẻ ngạc nhiên, của bà cụ khi lần đầu đi máy bay đối lập với tâm trạng của những hành khách khác
+ Qua cái nhìn của nhân vật “tôi”: bà cụ lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại: “Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế”.
- Trực tiếp: qua cuộc đối thoại với tiếp viên hàng không:
+ Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến. bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cũng thực tình là già chẳng có lắm tiền.
+ Đề nghị cô tiếp viên mở cửa sổ máy bay: Lát qua đấy con bật dùm già cái cửa tròn này con nhé, cho thoáng
* Bà cụ- người mang trong mình vết thương chiến tranh
Bà cụ | Những hành khách khác | |
Khi chuyến bay gặp thời tiết xấu | -Bình thản, ngạc nhiên ngắm nhìn mây → Do bà cụ chưa đi máy bay bao giờ nên cụ không biết thời tiết xấu ảnh hưởng đến sự an toàn của chuyển bay để mà lo sợ | -Lo sợ: + Nhân vật “tôi”: Tôi tiếc là đã không nghe lời vợ. Đáng lý nên trả vé, đừng theo chuyến này. Ngày xấu, giờ xấu, thời tiết xấu.; bấu chặt các ngón tay vào thành ghế. Con người tôi bé tí hin treo trên vực sâu đang càng lúc càng sâu thẳm. + Tay vận complet: mặt nhợt đi, mắt nhắm nghiền, cặp môi run run →Do những người này đã có kinh nghiệm đi máy bay nên mới lo sợ một sự cố có thể xảy ra trên máy bay gặp thời tiết xấu |
Khi nhìn thấy những đám mây | + Lời nói “thốt kêu lên” một cách ngạc nhiên “Mây ngay ngoài, các bác kìa!” “Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ?” “Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?” + Cách so sánh giản dị, thân thuộc với những người dân quê “Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Y thể cây lá ngoài vườn.” | +Tay vận complet: tỏ vẻ khó chịu: nhấc mi mắt lên. Môi y mím chặt, vẻ căng thẳng đổi thành quàu quạu. Làm lơ bà cụ: Tay nọ làm thinh. →Vì họ coi đấy là một điều rất bình thường/ họ bất lực trước những thắc mắc “ ngây ngô” của bà cụ |
- Cuộc đối thoại với cô tiếp viên hàng không. Bà hỏi bao giờ đến sông Bến Hải
+ Sông Bến Hải: là ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc hồi đất nước chưa được thống nhất. Nơi mà máy bay không đi qua chúng ta bay trên biển nên không ngang qua sông
+ Vĩ tuyến 17: Gắn với sự kiện vào năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 (vĩ tuyến 17° bắc), dọc sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị, mà dòng Bến Hải chạy dọc vĩ tuyến 17 thành nơi chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam Bắc. Đây là khu phi quân sự thời bấy giờ. Đây là nơi chuyến bay của bà cụ có thể bay ngang qua chỉ ngang qua vùng trời vĩ tuyến 17.
Hai địa danh ( một trên vùng đất, một trên vùng trời) là nơi mà cbiết bao thế hệ con người Việt Nam đổ máu xuống để xóa ranh giới đó đi, nối liền hai miền Nam Bắc.
Việc bà cụ hỏi cô tiếp viên Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con? Hé lộ mục đích đi máy bay của cụ: đến thăm con.
- Hành động của bà cụ:
+ Lập một cái bàn thờ nhỏ trên máy bay.
+Dáng người cụ: Bà cụ ngồi, lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc.
+ Khi bị những hành khách phàn nàn, bà cụ: Van bác... - Bà cụ sợ sệt - Bác ơi, van bác... Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.
Sự đau đớn của người mẹ mất con
chiến tranh qua đi để lại cho con người quá nhiều vết thương mà dù cho thời gian qua đi cũng không thể nào chữa lành được.
- Hình ảnh biểu tượng: “Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.”
- “ Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo”: Con trai cụ- những phi công hy sinh vì tổ quốc được mọi người ngợi ca, ghi tạc công lao.
- “Người phi công còn rất trẻ”: biểu tượng cho một thế hệ trẻ, họ hiến dâng tuổi thanh xuân- phần đời đẹp nhất của mình cho Tổ quốc. Họ là những người hùng, những con người vĩ đại của một thời chiến tranh.
- Tờ báo“ đã xưa cũ”: sự hy sinh ấy liệu bây giờ có ai còn nhớ.
Bức ảnh là hình ảnh duy nhất của người con mà bà mẹ có được. Đó là biểu tượng của tình mẫu tử cao đẹp và cũng là sự hy sinh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng- hy sinh con mình vì Tổ quốc
Hiện thực nghiệt ngã: chiến tranh qua đi, hòa bình trở lại nhưng những vết thương mà nó để lại vẫn sẽ mãi ám ảnh con người
Hiện thực: con người sống trong thời bình, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, họ quên đi những mất mát, hy sinh, quên đi chiến tranh gian khổ mà chỉ nghĩ cho cái lợi của bản thân
3. Những người trên khoang máy bay
Gồm: nhân vật “tôi”, gã mặc complet, cô tiếp viên hàng không
Gã mặc complet | Cô tiếp viên hàng không | Nhân vật “tôi” | |
Lúc đầu: Trước phản ứng của bà lão quê mùa về những đám mây | Tỏ ra khó chịu vì bị làm phiền | kiên nhẫn giải thích cho cụ là: không được mở cửa máy bay/ bữa ăn không mất thêm tiền/ máy bay không thể qua sông Bến Hải vì nghĩa vụ của mình là một nhân viên phục vụ | quan sát một cách thờ ơ với một thái độ không chấp nhặt người già |
Khi đi qua vĩ tuyến 17: bà cụ lập bàn thờ thắp hương ngay trên máy bay | Phàn nàn về một bà cụ “dở hơi” thắp hương trên máy bay Bộ mặt hồng hào bừng bừng giận dữ và khinh miệt. | “Cô đứng sững” lại “Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn.” →Lặng im, nghiêng mình trước vong linh của người anh hùng; xót xa trước nỗi đau của người mẹ | Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh →Trân trọng, biết ơn/ cảm phục trước sự hy sinh cảu bà mẹ |
Ý nghĩa | Con người vì lợi ích của bản thân mà mặc kệ nỗi đau của người khác. | Dường như đã thấu hiểu nỗi lòng bà cụ, một người mẹ mất con mang trong mình những nỗi đau, vết thương chiến tranh không thể xoa dịu |
4. Đặc điểm nghệ thuật
Điểm nhìn trần thuật: kể theo ngôi thứ nhất- nhân vật xưng tôi, trình bày suy ngẫm của mình về những điều trông thấy làm cho câu chuyện:
+ vừa khách quan: xây dựng một câu chuyện khách quan từ điểm nhìn xa lạ của người ngoài cuộc.
+ vừa chủ quan: đồng cảm với nhân vật, thấy được suy tư, trăn trở của người kể chuyện
Nhà văn mong muốn xã hội thấu hiểu, đồng cảm đối với những người mang trong mình vết thương chiến tranh
Tình huống truyện: cùng đặt ra một tình huống nhưng phản ứng của mỗi nhân vật (gã mặc complet, cô tiếp viên hàng không, nhân vật “tôi” lại khác nhau, góp phần bộc lộ tính cách của nhân vật.
Giọng điệu: ẩn chứa một chất thơ đích thực, gạn lọc từ những số phận người, chan hòa trong một không gian nhuồm buồn.
5. Nhan đề
- “Mây trắng còn bay” cái tên lãng mạn như một bài thơ nhưng cái kết lại vỡ òa bi tráng.
- Mây trắng thì lúc nào chẳng ở trên bầu trời nhưng chữ “còn” lại mang cho con người ta một suy nghĩ khác. Có thể:
+ Mây trắng giống như tấm màng che giấu những kí ức đau buồn của bầu trời những năm chiến tranh.
+ Mây trắng trong tác phẩm như hình ảnh con trai của bà cụ.
SBT VĂN 10 TẬP 1 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 2 môn Địa lí lớp 10
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 1 môn Sinh học lớp 10
Thị Mầu lên chùa
Đề khảo sát chất lượng đầu năm
Chuyên đề học tập Văn - Cánh diều Lớp 10
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Cánh diều lớp 10
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 10
Văn mẫu - Kết nối tri thức
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Chân trời sáng tạo lớp 10
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Kết nối tri thức Lớp 10
Lý thuyết Văn Lớp 10
SBT Văn - Cánh diều Lớp 10
SBT Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
SBT Văn - Kết nối tri thức Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - siêu ngắn Lớp 10
Tác giả tác phẩm Lớp 10