Đề bài
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÀ MAU TRƯỜNG THPT PHAN NGỌC HIỂN ........... ĐỀ CHÍNH THỨC
| ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM 2020 - 2021 Môn Ngữ Văn 12 Thời gian làm bài 90 phút Không kể thời gian giao đề |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi:
Bạn có nghĩ rằng cuộc đời mình cho đến thời điểm này chịu ảnh hưởng của toàn bộ những lựa chọn và quyết định mà bạn đã thực hiện (hoặc không thực hiện) không? Nếu có bất cứ điều gì trong cuộc sống làm bạn thất vọng, bất mãn, thì chính bạn phải là người chịu trách nhiệm. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng thì chính bạn phải là người nghĩ ra cách thức nhằm thay đổi và cải thiện tình hình.
Với tư cách là chủ nhân của chính mình, bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với mọi việc mình làm và cả kết quả của chúng nữa. Bạn phải chịu trách nhiệm cả với những rủi ro, hậu quả cho hành động của mình. Bạn phải hiểu rằng, để có được vị trí như hiện nay, trở thành con người như ngày nay là do chính bạn đã quyết định và lựa chọn như vậy. Nếu bạn không hài lòng với cuộc sống trong hiện tại, hãy quyết định tìm kiếm hoặc tự tạo ra những cơ hội để làm cho nó tốt đẹp hơn trong tương lai. Hãy xem đó là một mục tiêu, lập kế hoạch và bắt tay vào thực hiện để giành những gì bạn đáng được hưởng.
Bạn luôn là người tự do trong những quyết định tạo nên cuộc đời của chính mình.
(Trích Chinh phục mục tiêu – Brian Tracy – Nguyễn Trung An, MBA dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
2. Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết vì sao mỗi chúng ta phải là người tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình?
3. Anh /chị hiểu như thế nào về quan niệm: “Bạn luôn là người tự do trong những quyết định tạo nên cuộc đời của chính mình”?
4. Anh/chị có đồng tình với tác giả khi ông cho rằng: “Để có được vị trí như hiện nay, trở thành con người như ngày nay là do chính bạn đã quyết định và lựa chọn như vậy” không? Lý giải vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc làm chủ chính mình.
Câu 2 (5 điểm):
Anh/chị hãy phân tích vẻ đẹp hình tượng người lái đò, chất vàng mười của Tây Bắc trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
..................................HẾT................................
Lời giải chi tiết
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN
I. ĐỌC HIỂU | Câu 1: * Phương pháp: căn cứ vào các phương thức biểu đạt * Cách giải: - Phương thức biểu đạt: nghị luận Câu 2: * Phương pháp: Phân tích, tổng hợp * Cách giải: - Mỗi chúng ta phải là người tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình vì “cuộc đời mình cho đến thời điểm này chịu ảnh hưởng toàn bộ bởi những lựa chọn và quyết định mà bạn thực hiện (hoặc không thực hiện) trong quá khứ. Câu 3: * Phương pháp: Phân tích, tổng hợp * Cách giải: “Bạn luôn là người tự do trong những quyết định tạo nên cuộc đời của chính mình” có thể hiểu là: - Cuộc đời của chúng ta ở hiện tại chính là kết quả của quyết định của chúng ta trong quá khứ. - Khi đứng trước những lựa chọn trong cuộc đời, chúng ta hoàn toàn có quyền đưa ra những lựa chọn cuối cùng, không ai có thể tác động hoặc ép buộc. Kể cả khi bị ép buộc, chúng ta hoàn toàn có thể phản đối để bảo vệ quyết định của chính mình. Câu 4: * Phương pháp: Phân tích, tổng hợp * Cách giải: - Học sinh tự do thể hiện quan điểm, nhưng phải lý giải hợp lý.
|
II. LÀM VĂN
| Câu 1: Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận Cách giải: * Yêu cầu về kĩ năng: - Viết đúng kiểu đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. * Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau: - Giải thích: “Làm chủ chính mình” tức là tự mình kiểm soát và định hướng những suy nghĩ, hành động của bản thân và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả của những hành động đó. - Phân tích, chứng minh, bình luận: + Làm chủ chính mình giúp con người luôn sống một cách chuẩn mực trong tầm kiểm soát. Do vậy, sẽ hạn chế được những lời nói và hành động tiêu cực, gây tổn thương đến những người xung quanh, từ đó tạo dựng và duy trì được những mối quan hệ tốt đẹp. + Làm chủ chính mình giúp con người hiểu hơn về bản thân mình, sáng suốt trong việc nhận ra đam mê và hoạch định con đường tương lai đúng đắn. + Làm chủ chính mình giúp chúng ta rèn luyện bản lĩnh, hình thành thái độ tự tin, tư duy độc lập, không bị tác động tiêu cực từ dư luận, không chạy theo số đông một cách mù quáng. + Người làm chủ chính mình sẽ có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc hơn. Câu 2: * Phương pháp: - Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). - Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học. * Cách giải: Yêu cầu hình thức: - Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Yêu cầu nội dung: – Là người tinh thạo trong nghề nghiệp + Ông lão nắm vững quy luật khắc nghiệt của dòng thác sông Đà “Nắm chắc quy luật của thần sông thần đá”. + Ông thuộc lòng những đặc điểm địa hình của Sông Đà “nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào tất cả các luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”, Sông Đà “như một thiên anh hùng ca mà ông đò thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng”. – Là người trí dũng tuyệt vời: Ông sẵn sàng đối mặt với thác dữ, chinh phục “cửa tử”, “cửa sinh”, vượt qua trận thuỷ chiến với đá chìm, đá nổi, với những trùng vi thạch trận và phòng tuyến đầy nguy hiểm. Ông lái đò vượt qua bằng những hành động táo bạo và chuẩn xác. Ông hiện lên như một vị chủ huy dày dạn kinh nghiệm: + Ở trùng vây thứ nhất, thần sông dàn ra năm cửa đá thì có đến bốn cửa tử, cửa sinh duy nhất nằm sát bờ trái và huy độg hết sức mạnh của sóng thác đánh vỗ mặt con thuyền. Luồng sóng hung tợn “liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”. Thậm chí còn đánh đòn tỉa, đánh đòn âm… nhưng người lái đò bình tĩnh giữ chắc mái chèo giúp con thuyền “khỏi bị hất khỏi bờm song trận địa phóng thẳng vào mình”. Ngay cả lúc bị trúng đòn hiểm, mặt méo bệch đi nhưng ông vẫn tỉnh táo chỉ huy con thuyền lướt đúng vào luồng sinh. + Ở trùng vây thứ 2, dòng sông đã thay đổi sơ đồ phục kích và cả chiến thuật. Vòng vây thứ 2 này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào. Cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Nhưng ông đò đã “nắm chắc quy luật của thần sông thần đá” nên lập tức cũng thay đổi chiến thuật theo, nhận ra cạm bẫy của bọn thuỷ quân nơi cửa ải nước này. Ông không né tránh mà đưa con thuyền cưỡi lên sóng thác”, “cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. “Nắm chắc được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo vào cửa đá ấy”. Người lái đò tả xung, hữu đột như một chiến tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc có thừa lòng quả cảm đã đưa được con thuyền vượt qua tập đoàn cửa tử khiến cho những bộ mặt đá hung hăng dữ tợn phải xanh lè, thất vọng. + Ở trùng vây thứ 3, thạch trận ít cửa tử hơn những bên phải bên trái đều là luồng chết cả, cửa sinh lại nằm giữa lòng sông và bọn đá hậu vệ canh giữ. Nhưng ông đò không hề bất ngờ trước mưu mô hiểm độc của bọn chúng, tiếp tục chỉ huy con thuyền vượt qua trùng vây thứ 3. – Là người tài hoa nghệ sĩ: + Ông đối đầu với ghềnh thác cuồng bạo bằng sự tự tin, ung dung nghệ sĩ. Tay lái linh hoạt, khéo léo, tài hoa như một nghệ sĩ trên sông nước: “ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”, “Vút, vút… thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”. Dưới bàn tay chèo lái điêu luyện của ông con thuyền đã hoá thành con tuấn mã hiểu ý chủ- khi thì khéo léo né tránh luồng sóng dữ, khi thì phóng thẳng vào cửa đá có ba tầng cổng “cánh mở, cánh khép”. Con thuyền như bay trong không gian, ông đò luôn nhìn thử thách bằng cái nhìn giản dị mà lãng mạn. + Sau cuộc vượt thác gian nan, ông đò lại có phong thái ung dung của một nghệ sĩ “Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nước ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh…”. → Đây là hình ảnh về một người lao động mới mang vẻ đẹp khác thường. Người lái đò hiện lên như là vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, tài trí và luôn có phong thái ung dung pha chút nghệ sĩ. Ông chỉ huy cuộc vượt thác một cách tài tình, khôn ngoan và biết nhìn thử thách đó qua bằng cái nhìn giản dị mà không thiếu vẻ lãng mạn. Hình ảnh ông lái đò cho thấy Nguyễn Tuân đó tìm được nhân vật mới cho mình, những con người đáng trân trọng, đáng ngợi ca, không thuộc tầng lớp thượng lưu đài các một thời vang bóng mà ngay trong quần chúng lao động bình thường xung quanh ta. Qua hình tượng người lái đò sông Đà, nhà văn muốn phát biểu quan niệm: người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động thường ngày. – Đoạn văn tả trận thủy chiến, tập trung khắc họa hình tượng ông lái đò một lần nữa cho thấy sự uyên bác, lịch lãm của Nguyễn Tuân. Ở đây có tri thức, có ngôn ngữ sống động của quân sự, thể thao, võ thuật, điện ảnh… Nghệ thuật: - Nghệ thuật khắc họa nhân vật điêu luyện, độc đáo – Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị của tác giả. – Ngôn ngữ đa dạng, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.
|
CHƯƠNG 4. POLIME VÀ VẬT LIỆU POLIME
Unit 16 : The Associantion Of Southeast Asian Nations - Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á
Bài 42. Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo
Đề kiểm tra 45 phút - Chương 1 – Hóa học 12
Đề thi học kì 2 của các trường có lời giải – Mới nhất