Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (6đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
Sống mòn – Nam Cao
Chương VI
“... Trong khi ở nhà quê cũng vậy, làm đến chết người, cũng chỉ vì mỗi ngày mấy bữa cơm, ngoài ra, chẳng hề có một cái lạc thú gì khác nữa... Cuộc đời như thế kéo dài đã mấy năm rồi. Nó còn kéo dài ra năm năm, mười năm, hai mươi năm... biết đến bao giờ? Thứ hoảng hốt rằng đời y rất có thể cứ thể này mãi mãi, suốt đời... Thứ mở to đôi mắt, sợ hãi, nhận ra rằng bao nhiêu năm nay y đã sống như mơ ngủ vậy. Ôi chao! Còn cách gì có thể thay đổi được đời y? Y không đánh bạc, không mua vé số, không có vốn để đi buôn, cái đời công chức, có lẽ chẳng hơn cải đời y được bao nhiêu, mà lại có phần bỏ buộc hơn, chán nản hơn...
Y có sáu đứa em thì ba đứa sẽ phải cưới vợ, ba đứa phải gả chồng, rồi lại phải giúp cho chúng có nghề nghiệp, có cơ sở làm ăn. Y là con cả. Y đã được học nhiều. Cái bổn phận của y cố nhiên là phải to tát lắm. Y có rất nhiều gánh nặng. Càng nhìn xa, y càng thấy đời y càng ngày càng thắt chặt vào, càng chật chội thêm. Y chỉ có thể khổ hơn thế, không có thể sướng ra. Hết việc nọ đến việc kia, toàn những việc phải tiêu. Y đúng như một con ngựa còm, cứ vừa mới ý ạch qua cái dốc này thì lại đến ngay dốc khác. Tương lai sầm tối. Thử vụt đã lại đã biến thành con người thực tế hơn. Y không còn dám nghĩ gì đến những thú vui, những hy vọng cao xa. Y chỉ còn dám nghĩ đến cơm áo hằng ngày của vợ con... Số tiền gửi về nhà quê, số tiền để dành sẽ hụt đi. Vợ con y sẽ khổ thêm. Mà biết đến bao giờ y mới sạch công nợ, có được một số vốn con con để đỡ lo một chút? Vả lại ở nhà quê, vợ, các con y, bố mẹ y chả ăn uống khổ sở hàng đời người rồi hay sao, còn có bao giờ được no xôi chán chè lấy hai bữa, lấy vài tháng còn có bao giờ họ biết mùi thịt cá luôn, hay cũng chỉ cơm hầm cá hiu thôi? Vậy thì y được như hiện nay cũng là đủ lắm rồi. Tại sao y lại muốn sung sướng một mình trong khi cả nhà còn đói khổ? Y nhớ đến một lần y ở Hà Nội về quê. Hồi ấy vợ chồng y mới ăn riêng... Bởi vậy lúc ăn cơm, khi thấy bà, bố mẹ và các em ngồi một mâm, y thấy ngường ngượng mà lại buồn buồn. Khó chịu như là ở mâm y lại có một đĩa cá kho, còn mâm kia chỉ toàn là rau. Y cau mặt khẽ trách Liên. Liên chưa kịp trả lời thì bà mẹ y nhận thấy, đã cười và đáp hộ Liên:
- Dào ôi! Nhà chẳng có đâu. Chúng tôi ở nhà thì đên cơm cũng chẳng có mà ăn, còn có tiền đâu mà sắm thức ăn? Mọi khi nó cũng chỉ có rau không. Đây là hôm nay, cụ Bá thấy nói con rể cụ về, sợ con rể cụ xưa nay chỉ ở tỉnh thành, chịu kham khô không quen nên bảo vợ mày đem về cho mày một đĩa cả kho đấy chứ! Nó chẳng mua đâu mà mắng nó.
Y chép miệng:
- Hù! Khéo vẽ!... Ăn thế nào mà chẳng được.
Rồi y bảo lấy một đĩa nữa, xé đĩa cả ra, bỏ sang mâm kia một nửa cho bà và các em ăn với. Nhưng mọi người nhao nhao phản đối. Bà mẹ gắt lên:
- Thôi! Để đấy mà ăn. Chúng nó thì đến ăn cơm với tương cũng còn nhẵn cả nồi đấy, lạ là phải thức ăn ngon! Có thức ăn ngon cho bọn chúng nó ăn thì đến mười nồi cơm cũng chẳng xuể
- Thì mẹ cứ để cho chúng nó ăn, mẹ cũng xơi nhân thể.
Nhưng bà cụ đã vội và nốt bát cơm, buông đũa đứng lên.
- Thôi, tôi ăn xong rồi. Mỗi người có vài vực cơm, nhiều nhặn gì mà phải cá?
Thứ hơi phật ý. Y tưởng như bà và mẹ mia mai. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì có lẽ các cụ chỉ nhường nhịn đó thôi. Các cụ sợ nếu các cụ nhận ăn một lần thì lân sau, có món ăn gì Thứ cũng lại chia cho. Nhà quả đông người. Nếu muốn mua thức ăn cho chồng mà vợ Thứ cứ phải mua cho đủ mọi người ăn thì y lấy đâu ra tiền mà mua như vậy? Huống chi đĩa cá kho lại là của ông bố vợ Thứ cho y. Ông cho y thì để y ăn, người khác ăn vào, mang tiếng... Y nhớ đến những bữa ăn hàng, y tiêu tốn đến hàng đồng và thấy lòng ân hận... Y chẳng còn biết gì ngon. Và nếu không trông thấy mặt Liên buồn buồn, hai mắt nhìn xuống như có ý tủi thân, thì có lẽ đã chẳng chạm đũa vào đĩa cá... Buổi chiều hôm ấy, y còn được dịp nghĩ ngợi nhiều hơn.
Vừa mới chập tối, bà y đã đi nằm. Bà mẹ, đang ngồi nói chuyện với y ở đầu hè, đột nhiên cũng đứng lên:
- Kìa! Nó đã dọn cơm kia kìa! Đi mà ăn cơm!
Bà chực lảng vào buồng, Thứ hỏi:
- Nhà chưa ăn kia à?
- Chưa, lát nữa mới ăn.
Bà mẹ y vừa nói vừa tủm tỉm cười. Mấy đứa em y ngồi gần đấy cũng tủm tỉm cười. Y chợt đoán ra.
- Ở nhà không ăn.
Bà mẹ đáp, sau một thoảng ngập ngừng:
- Không. Chúng nó ăn khỏe, ăn dồn cả vào một bữa cho đỡ lách ca lách cách. Đằng nào cũng chỉ có bằng ấy gạo; chia ra hai bữa thì cũng thế.
Thứ thấy lòng sầm tối lại. Vợ y đặt trước y một cái mâm con, trên lỏng chỏng có một bát cơm lồng, một đôi đũa, một cái bát con và đĩa cả kho trưa còn thừa lại. Cơm là cơm nguội. Mọi ngày Liên cũng chỉ ăn một bữa thôi. Nhưng biết chồng từ bé đến nay, chưa phải ăn một ngày một bữa bao giờ, bữa trưa y đã lấy thừa ra một suất cơm. Lúc xới cơm, y đã xới ba lượt đầy, lồng lại, cất đi. Đó là bữa tối cho Thứ... Thứ thấy vô lý quả. Trong hai vợ chồng nếu có người nào cần phải ăn hơn thì người đó phải là Liên: Liên đã phải luật quật suốt ngày, lại phải lo đủ sữa để nuôi con. Vả lại, ngoài Liên ra, lại còn bà Thử, già ngoài bảy mươi tuổi rồi mà vẫn đang còn nằm nhịn đói kia. Lại còn mẹ y, cũng luật quật suốt ngày và cũng có con thơ. Lại còn cha y, bữa trưa ăn ba lượt cơm như mọi người thì mới đầy được một góc dạ dày. Lại còn các em y, chưa đảng phải chịu những cay cực của đời và tạng phủ đang cần được tẩm bổ nhiều để đủ sức lớn lên; chúng gầy guộc, ngơ ngác, nhút nhát, buồn rầu, có lẽ chỉ vì phải nhịn đói, phải vất vả, phải mắng chửi suốt ngày, ngay từ cải lúc mà đáng lẽ chúng phải được ăn no rồi chạy nhẩy nhởn nhơ, mặt trong trẻo và lòng vô tư lự. Thứ đang độ trẻ trung. Y không phải lao lực như bất cứ ai trong nhà. Y lại cũng được no mãi rồi, bây giờ có đói một vài bữa cũng không sao, mà có lẽ cũng là sự công bình. Ấy thế mà tại sao y lại cứ cần phải ăn, phải no một mình như vậy? Thứ suy rộng ra và chua chát nhận ra rằng cái sự buồn cười ấy lại là một sự rất thường, chẳng riêng gì trong một nhà y, mà có lẽ chung cho khắp mọi nơi. Bao giờ và ở đâu đâu thì cũng thế thôi. Thằng nào đã chịu khổ quen rồi thì cứ thế mà chịu mãi đi! Mà thường thường những kẻ ăn nhiễu nhất, hưởng nhiều nhất thì lại chính là những kẻ không cần ăn một ti nào hoặc không đáng hưởng một ly nào cả. Anh chẳng cần nhích chân, nhích tay làm một việc gì ư? Phần anh tất cả những cái gì ngon lành, béo bổ ở trên đời ... Vô lý quá!... Thử nhìn qua bát cơm lồng để cho y. Chẳng còn được bao nhiêu mà bõ chia cho mọi người ăn. Y nghĩ xem những người nào đáng ăn hơn. Y chạy vào, mời bà dậy xơi cơm. Bà cụ không ăn và khi Thứ cố nãi thì bà cụ kêu đầy. Ông bố, bà mẹ thì cố nhiên không đời nào chịu ăn rồi. Những đứa em lớn, dù có đói cho chết, cũng chẳng dám ăn. Và lại cũng không thông. Y đành gọi hai đứa em bé nhất. Bà mẹ đã vội vàng gạt ngay đi.
…-Khốn, nhưng rồi chúng quen đi thì chết đấy! Cử bắt chúng nó nhịn cho quen chứ!
- Úi chào!...
Y cố bắt các em ăn. Nhưng cũng chẳng đứa nào chịu ngồi ăn... Y ngồi thần mặt, buông đũa, quên cả đường ăn. Y chợt nhận ra bà y, mẹ y, vợ y, các em y thật là khổ không kém gì mình phải khổ. Quả thực lúc ấy, y muốn được nhịn đi cho bà, cho mẹ, hay vợ, hay các em, hay ngay cả con ở nữa, ăn thay. Nhưng mà không thể nhường cho ai. Y cũng không thể ngồi ăn, không hiểu sao y thấy thèn thẹn, không muốn cho ai đoán được rằng y thương bà, thương mẹ, thương vợ, thương các em quá đến nỗi không ăn được. Y đành một mình lui thủi ngồi ăn.
Nhưng y vừa ăn, vừa nghĩ ngợi gần xa thế nào mà nước mắt ứa ra. Miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt đi. Và thiếu một chút nữa là y đã òa lên khóc...
(https://www.cakhotranluan.com/Truyen-ngan-Nam-Cao/tac-pham-song-mon-chuong-6.html)
Câu 1: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Có sự thay đổi về ngôi kể, kết hợp cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
Câu 2: Trong đoạn trích, Thứ cho rằng mình không có cơ hội để thay đổi cuộc đời vì:
A. Y không đánh bạc, không mua vé số, không có vốn để đi buôn, cái đời công chức, có lẽ chẳng hơn cái đời y được bao nhiêu, mà lại có phần bó buộc hơn, chán nản hơn.
B. Y không thể vứt bỏ lòng tự trọng và lương thiện của bản thân.
C. Y không có tài năng kinh doanh giống như người khác.
D. Nhà y giàu nên không cần thay đổi gì.
Câu 3: Cảm xúc của Thứ khi chứng kiến bữa cơm của gia đình: bà, bố mẹ và các em ăn riêng một mâm toàn rau, Thứ ăn riêng một mâm có cả cá kho được miêu tả bằng các từ ngữ nào?
A. Bình thường
B. Ngường ngượng, buồn rầu, khó chịu
C. Đau đớn, xấu hổ
D. Xót xa, tủi hổ
Câu 4: Trong những câu văn sau, tác giả sử dụng hình thức ngôn ngữ nào?
Bà mẹ, đang ngồi nói chuyện với y ở đầu hè, đột nhiên cũng đứng lên:
- Kìa! Nó đã dọn cơm kia kìa! Đi mà ăn cơm!
Bà chực lảng vào buồng, Thứ hỏi:
- Nhà chưa ăn kia à?
- Chưa, lát nữa mới ăn
A. Độc thoại
B. Độc thoại nội tâm
C. Đối thoại
D. Kết hợp cả 3 hình thức ngôn ngữ trên
Câu 5: Trong truyện, bà mẹ Thứ cùng cả nhà chỉ ăn một bữa trưa và nhịn bữa tối vì?
A.Vì nhà nghèo quá, lại đông con nên không có tiền mua gạo.
B. Vì nhường cho Thứ được ăn no.
C. Vì ăn no buổi trưa rồi nên không muốn ăn nữa.
D. Vì cả nhà “ăn khỏe, ăn dồn cả vào một bữa cho đỡ lách ca lách cách. Đằng nào cũng chỉ có bằng ấy gạo; chia ra hai bữa thì cũng thế” và vì các em của Thứ đông quá, nên nếu cho ăn bữa tối thì “Khốn, nhưng rồi chúng quen đi thì chết đấy! Cứ bắt chúng nó nhịn cho quen chứ!”.
Câu 6: Nội dung đoạn trích xoay quanh những suy nghĩ của nhân vật ông Giáo Thứ về tình cảnh của bản thân và gia đình. Theo em, câu chuyện có đề tài viết về đề tài nào?
A. Đề tài về người nông dân.
B. Đề tài về người trí thức tiểu tư sản.
C. Đề tài về người công nhân
D. Đề tài về người lao động nghèo
Câu 7: Nhân vật Thứ được xây dựng chủ yếu thông qua các yếu tố nào?
A. Diện mạo, lai lịch.
B. Cử chỉ, hành động.
C. Nội tâm.
D. Lời nhận xét của các nhân vật khác.
Câu 8: Khi xây dựng nhân vật ông giáo Thứ, nhà văn Nam Cao muốn:
A. Thể hiện cuộc đời đầy bi kịch của tầng lớp trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ, những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội.
B. Thể hiện cái nhìn phát hiện về người trí thức tiểu tư sản với khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.
C. Thông qua câu chuyện để kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người.
D. Tất cả các phương án trên đều đúng.
Câu 9: Em có suy nghĩ và đánh giá gì về nhân vật ông giáo Thứ trong đoạn trích? (1đ)
Câu 10:Em hãy kể tên những tác phẩm em đã học có đề tài viết về người trí thức tiểu tư sản. (1đ)
II. VIẾT (4đ)
Lựa chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1: Viết bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của sự lương thiện
Đề 2: Phân tích, đánh giá về nhân vật ông giáo Thứ trong đoạn trích trên
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1(0.5đ) | Câu 2 (0.5đ) | Câu 3(0.5đ) | Câu 4(0.5đ) | Câu 5(0.5đ) | Câu 6(0.5đ) | Câu 7(0.5đ) | Câu 8(0.5đ) |
C | A | B | C | D | B | C | D |
Câu 1: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ ba D. Có sự thay đổi về ngôi kể, kết hợp cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về ngôi kể
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ ba (người kể toàn tri, giấu mình)
→ Đáp án C
Câu 2: Trong đoạn trích, Thứ cho rằng mình không có cơ hội để thay đổi cuộc đời vì: A. Y không đánh bạc, không mua vé số, không có vốn để đi buôn, cái đời công chức, có lẽ chẳng hơn cái đời y được bao nhiêu, mà lại có phần bó buộc hơn, chán nản hơn. B. Y không thể vứt bỏ lòng tự trọng và lương thiện của bản thân. C. Y không có tài năng kinh doanh giống như người khác. D. Nhà y giàu nên không cần thay đổi gì. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản (chú ý đoạn văn đầu tiên)
Lời giải chi tiết:
Trong đoạn trích, Thứ cho rằng mình không có cơ hội để thay đổi cuộc đời vì:
Y không đánh bạc, không mua vé số, không có vốn để đi buôn, cái đời công chức, có lẽ chẳng hơn cái đời y được bao nhiêu, mà lại có phần bó buộc hơn, chán nản hơn…
→ Đáp án A
Câu 3: Cảm xúc của Thứ khi chứng kiến bữa cơm của gia đình: bà, bố mẹ và các em ăn riêng một mâm toàn rau, Thứ ăn riêng một mâm có cả cá kho được miêu tả bằng các từ ngữ nào? A. Bình thường B. Ngường ngượng, buồn rầu, khó chịu C. Đau đớn, xấu hổ D. Xót xa, tủi hổ |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, chú ý những từ ngữ miêu tả cảm giác của nhân vật Thứ
Lời giải chi tiết:
Cảm xúc của Thứ khi chứng kiến bữa cơm của gia đình: bà, bố mẹ và các em ăn riêng một mâm toàn rau, Thứ ăn riêng một mâm có cả cá kho được miêu tả bằng các từ ngữ: Ngường ngượng, buồn rầu, khó chịu
+ “Thứ thấy lòng sầm tối lại…”
+ “Thứ thấy vô lý quá…”
…..
→ Đáp án B
Câu 4: Trong những câu văn sau, tác giả sử dụng hình thức ngôn ngữ nào? Bà mẹ, đang ngồi nói chuyện với y ở đầu hè, đột nhiên cũng đứng lên: - Kìa! Nó đã dọn cơm kia kìa! Đi mà ăn cơm! Bà chực lảng vào buồng, Thứ hỏi: - Nhà chưa ăn kia à? - Chưa, lát nữa mới ăn A. Độc thoại B. Độc thoại nội tâm C. Đối thoại D. Kết hợp cả 3 hình thức ngôn ngữ trên |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ các câu văn, nhớ lại kiến thức về các hình thức ngôn ngữ
Lời giải chi tiết:
Các câu văn trên sử dụng hình thức đối thoại (giữa hai nhân vật Thứ và bà mẹ)
→ Đáp án C
Câu 5: Trong truyện, bà mẹ Thứ cùng cả nhà chỉ ăn một bữa trưa và nhịn bữa tối vì? A.Vì nhà nghèo quá, lại đông con nên không có tiền mua gạo. B. Vì nhường cho Thứ được ăn no. C. Vì ăn no buổi trưa rồi nên không muốn ăn nữa. D. Vì cả nhà “ăn khỏe, ăn dồn cả vào một bữa cho đỡ lách ca lách cách. Đằng nào cũng chỉ có bằng ấy gạo; chia ra hai bữa thì cũng thế” và vì các em của Thứ đông quá, nên nếu cho ăn bữa tối thì “Khốn, nhưng rồi chúng quen đi thì chết đấy! Cứ bắt chúng nó nhịn cho quen chứ!”. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý đến câu trả lời của bà mẹ
Lời giải chi tiết:
Trong truyện, bà mẹ Thứ cùng cả nhà chỉ ăn một bữa trưa và nhịn bữa tối vì:
- “Không. Chúng nó ăn khỏe, ăn dồn cả vào một bữa cho đỡ lách ca lách cách… thì cũng thế”
- “Khốn, nhưng rồi chúng quen đi thì chết đấy! Cứ bắt chúng nó nhịn cho quen chứ!”
→ Đáp án D
Câu 6: Nội dung đoạn trích xoay quanh những suy nghĩ của nhân vật ông Giáo Thứ về tình cảnh của bản thân và gia đình. Theo em, câu chuyện có đề tài viết về đề tài nào? A. Đề tài về người nông dân. B. Đề tài về người trí thức tiểu tư sản. C. Đề tài về người công nhân D. Đề tài về người lao động nghèo |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích, tham khảo nội dung đoạn trích được gợi ý ở đề bài
Lời giải chi tiết:
Đề tài: Viết về người trí thức tiểu tư sản (nhân vật Thứ - một nhà văn)
→ Đáp án B
Câu 7: Nhân vật Thứ được xây dựng chủ yếu thông qua các yếu tố nào? A. Diện mạo, lai lịch. B. Cử chỉ, hành động. C. Nội tâm. D. Lời nhận xét của các nhân vật khác. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích, chú ý những chi tiết miêu tả nhân vật Thứ
Lời giải chi tiết:
Nhân vật Thứ được xây dựng chủ yếu thông qua yếu tố: nội tâm (đan xen trong lời đối thoại với các nhân vật khác là hàng loạt lời độc thoại nội tâm của nhân vật này)
→ Đáp án C
Câu 8: Khi xây dựng nhân vật ông giáo Thứ, nhà văn Nam Cao muốn: A. Thể hiện cuộc đời đầy bi kịch của tầng lớp trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ, những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội. B. Thể hiện cái nhìn phát hiện về người trí thức tiểu tư sản với khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người. C. Thông qua câu chuyện để kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người. D. Tất cả các phương án trên đều đúng. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, dựa vào kiến thức của bản thân về nhà văn Nam Cao
Lời giải chi tiết:
Khi xây dựng nhân vật ông giáo Thứ, nhà văn Nam Cao muốn:
- Thể hiện cuộc đời đầy bi kịch của tầng lớp trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ, những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội.
- Thể hiện cái nhìn phát hiện về người trí thức tiểu tư sản với khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.
- Thông qua câu chuyện để kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người.
→ Đáp án D
Câu 9: Em có suy nghĩ và đánh giá gì về nhân vật ông giáo Thứ trong đoạn trích? (1đ)
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích, chú ý những chi tiết miêu tả nhân vật thứ và đưa ra suy nghĩ của bản thân
Lời giải chi tiết:
Ông giáo Thứ trong đoạn trích là một người có đời sống nội tâm sâu sắc với những day dứt và giằng xé giữa một bên là khát vọng về một cuộc sống có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống, một bên là gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Dù nhiều lúc Thứ có những suy nghĩ ích kỉ nhưng xét đến cùng, đây vẫn là một con người lương thiện với tấm lòng vị tha, bao dung, luôn muốn giúp đỡ người khác và sống trách nhiệm với gia đình. Đây chính là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ với những đau khổ, những khát vọng và cả những phẩm chất tốt đẹp
Câu 10:Em hãy kể tên những tác phẩm em đã học có đề tài viết về người trí thức tiểu tư sản. (1đ)
Phương pháp giải:
Vận dụng những kiến thức của bản thân
Lời giải chi tiết:
Đời thừa, Trăng sáng (Nam Cao)
II. VIẾT (4đ)
Lựa chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1: Viết bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của sự lương thiện
Đề 2: Phân tích, đánh giá về nhân vật ông giáo Thứ trong đoạn trích trên
Phương pháp giải:
Sử dụng những kiến thức đã học và kinh nghiệm của bản thân để hoàn thành yêu cầu
Lời giải chi tiết:
*Yêu cầu chung: HS kết hợp được kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận xã hội. Bài viết phải có bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) đầy đủ, rõ ràng; đúng kiểu bài nghị luận; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
*Yêu cầu cụ thể
1. Mở bài: Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh của sự lương thiện.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
2. Thân bài:
Giải thích
Lương thiện được hiểu là không làm điều gì trái pháp luật và đạo đức. Lương thiện là không tham lam, ích kỉ; là biết giữ mình, biết kìm nén dục vọng. Như vậy, lương thiện là một phẩm chất, một phạm trù thuộc về đạo đức mà con người cần phải tự rèn luyện, phải giữ gìn suốt cả cuộc đời.
Phân tích các biểu hiện sông lương thiện
Người lương thiện là những người có tấm lòng thật thà, bao dung với mọi người. Lương thiện làm cho con người biết đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh, quan tâm, chia sẻ, chăm sóc những số phận bất hạnh hơn mình...
Ý nghĩa và sức mạnh của lương thiện
Học sinh tự lấy dẫn chứng về tác dụng, ý nghĩa của những việc làm lương thiện để minh họa cho bài làm văn của mình.
- Sống lương thiện giúp ta được sống an nhiên và hạnh phúc, thanh thản cho tâm hồn.
- Lương thiện có thể giúp ta thay đổi số mệnh, đem đến cho con người may mắn, phúc đức (Nêu dẫn chứng về câu chuyện Hạnh phúc lan tỏa - sự giúp đỡ của những người xa lạ với nhau cuối cùng lại đem lại hạnh phúc cho chính người khởi đầu).
- Tấm lòng lương thiện của mỗi người còn có sức mạnh lan tỏa, cảm hóa, thay đổi người khác theo chiều hướng tích cực. (Nêu dẫn chứng: Những người khốn khổ của V. Huy gô – khi Giăng Van Giăng được vị linh mục cảm hóa, từ một tên tù vượt ngục thành một ông thị trưởng hết lòng giúp đỡ người nghèo). Chỉ có tấm lòng lương thiện mới có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi tương lai hay số phận của con người. Xã hội nhân văn, tốt đẹp hơn vì có những người sống lương thiện.
Phản đề
- Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai cũng nhận thấy sức mạnh từ sự lương thiện. Nhiều người quan niệm sống lương thiện làm cho bản thân bị thiệt thòi, thua thiệt so với người khác. Họ cổ vũ cho lối sống lạnh lùng, ích kỉ để bản thân trở nên mạnh mẽ. Họ coi lương thiện là vẻ ngoài phù phiếm, hời hợt. Trong khi đó, về bản chất, lương thiện chân chính lại xuất phát từ nội tâm, từ sâu xa trong lòng mỗi người; là sự bao dung, sự tử tế, chính trực... khi đối đãi với người khác.
- Thậm chí nhiều kẻ còn đánh mất đi sự lương thiện của bản thân, gây hậu quả nghiêm trọng đến người khác. Những kẻ đó càng đáng lên án, phê phán và phải bị trừng trị thích đáng.
Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận: sức mạnh của sự lương thiện, liên hệ bản thân.
Đề 2:
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về nhân vật ông giáo Thứ trong tác phẩm Sống mòn và vấn đề cần phân tích.
2. Thân bài:
Nêu khái quát về nhà văn Nam Cao và phong cách sáng tác của Nam Cao
Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu hiện thực phê phán thời kỳ 1940 – 1945. Chỉ với 15 năm cầm bút, ông đã để lại cho đời một văn nghiệp đồ sộ với 2 tiểu thuyết, 50 truyện ngắn và nhiều tập bút ký có giá trị.
Sở trường của Nam Cao là những câu chuyện miêu tả tâm lý con người, ít có biến cố nhưng giàu chất triết lý, có sức ám ảnh, gợi mở. Đề tài chính trong tác phẩm của ông trước cách mạng tháng Tám thường là người nông dân nghèo và tầng lớp trí thức nghèo (mà Sống mòn là tác phẩm tiêu biểu).
Nêu khái quát về bối cảnh lịch sử - xã hội của tiểu thuyết Sống mòn và tóm tắt ngắn gọn về nội dung tác phẩm
Tác phẩm “Sống mòn” được nhà văn Nam Cao viết vào năm 1944, lúc đầu tác phẩm này có tên là Chết mòn, sau đó được Nhà xuất bản Văn nghệ ra mắt lần đầu vào năm 1956 và đổi lại là tên “Sống mòn” cho đến tận bây giờ.
Phân tích nhân vật Giáo Thứ trong đoạn trích:
- Tóm tắt về cuộc đời và lai lịch của nhân vật:
Giáo Thứ – nhân vật chính trong truyện xuất thân là một thanh niên được học hành tử tế, có hoài bão, có chí hướng cống hiến cho đời. Sau khi lấy được bằng Thành chung, Thứ vào Sài Gòn bắt đầu con đường mưu sinh. Sau 3 năm vật lộn nơi đất khách quê người, sống vất vả giữa nghèo khó và bệnh tật, Thứ phải bỏ về quê và chịu cảnh thất nghiệp. Thứ được anh họ mời về giảng dạy tại một trường tư. Ban đầu, Thứ dốc hết lòng với nghề giáo nhưng bất mãn vì chỉ được trả đồng lương còm cõi, lại còn bị bớt xén khẩu phần ăn hàng ngày. Khó chịu, chán nản, có những lúc Thứ muốn phản kháng nhưng lại tự vấn bản thân vì xấu hổ và ân hận... Chẳng biết từ khi nào, vì điều gì, những ước mơ thuở thiếu thời của y đã bị thui chột.
Thứ bị cái nghèo, cái nhỏ nhen đẩy đến cảnh sống mòn. Đến kỳ nghỉ hè, Thứ những mong tâm hồn được nghỉ ngơi nhưng lại phải đối mặt với những chuyện khó chịu ngay tại thôn quê và trong chính gia đình mình. Trở lại Hà Nội, Thứ gặp chuyện bất ngờ khi trường học phải đóng cửa. Thứ buộc lòng phải trở về quê, anh chua chát nghĩ lại cuộc đời phải chết khi chưa kịp sống. Lúc này, anh chấp nhận với tình cảnh khốn khổ sẽ đến ngay với mình. Tuy nhiên
khi nghĩ về tình thế chiến tranh đang xảy ra, đột nhiên trong đầu anh chợt có một niềm tin len lỏi rằng mọi thứ trong tương lai sẽ tốt đẹp và rộng mở hơn.
- Phân tích nội tâm và những suy nghĩ của nhân vật giáo Thứ trong đoạn trích:
+ Trong truyện, nhân vật giáo Thứ cũng được đặt trong những xung đột, được thể hiện trên nhiều bình diện. Từ đó tính cách và bản chất của các nhân vật được hình thành, phát triển.
+ Nhân vật giáo Thứ không được khắc hoạ nhiều ở phương diện bên ngoài với diện mạo mà chủ yếu được khắc họa bằng thế giới bên trong với nội tâm đầy những mâu thuẫn...
- Thứ đã bỏ lại quê hương và người vợ trẻ để lên Hà Thành dạy học trong chính ngôi trường của người anh họ với mong ước, hoài bão một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thế nhưng, thực tế lại vô cùng khắc nghiệt, cuộc sống chẳng dễ dàng gì với người giáo khổ trường tư, Thứ bị đè nén trong gánh nặng cơm áo gạo tiền - một cuộc sống bế tắc, ngột ngạt không hy vọng.
- Thứ vẫn đang hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng hơn, nhưng rồi chợt nhận ra cuộc sống của mình chỉ là tạm bợ. Thứ nhìn nhận rõ rằng mình không có cơ hội để thay đổi cuộc sống nghèo khó trước mắt,
- Thứ thấy cái gánh nặng của gia đình đè lên đôi vai của mình, thấy cái trọng trách nặng nề của một kẻ được cho là học hành cao nhất nhà.
- Thứ không còn dám hy vọng, không dám sống cho bản thân, không dám chuyển nhà vì cho rằng nếu làm thế là mình ích kỉ, sống sung sướng trên sự đau khổ và cơ cực của vợ con.
- Thứ nhớ về kí ức với bữa cơm cùng gia đình. Bữa cơm của người nghèo cả ngày chỉ có một bữa với toàn là rau. Chỉ có Thứ được ăn cơm 2 bữa với cá kho do bố vợ cho. Thứ thấy được sự khổ cực của gia đình, của vợ con, của bố mẹ và những đứa em đang tuổi lớn. Thứ cay đắng nhận ra sự bất công ấy vẫn đang diễn ra hàng ngày mà chẳng bao giờ có thể thay đổi.
- Thứ cay đắng và chua chát khi nhận ra rằng, dù anh có nhường cơm của mình cho mọi người thì cũng chả ai dám ăn. Kết thúc đoạn trích là cảnh Thứ ngồi ăn cơm một mình mà “Y ngồi thần mặt, buông đũa, quên cả đường ăn. Y chợt nhận ra bà y, mẹ y, vợ y, các em y thật là khổ... Miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt đi. Và thiếu một chút nữa là y đã òa lên khóc...”. Miếng cơm nghẹn lại hay cũng chính là sự bất lực và bế tắc của Thứ trước cuộc sống nghèo khổ của bản thân và gia đình.
Nêu nhận xét, đánh giá về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả
- Về nội dung: Nhà văn Nam Cao đã thành công khi miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của Thứ, cũng là của những người trí thức nghèo trong xã hội đương thời trước 1945, những “giáo khổ trường tư” là những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội. Nhà văn kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người. Đồng thời nói lên khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.
- Về nghệ thuật: Đoạn trích trên là tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả tâm lý của nhà văn Nam Cao ở đề tài trí thức tiểu tư sản khi đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật ông giáo Thứ với những mâu thuẫn giằng xé giữa một bên là nhu cầu tối thiểu của bản thân và một bên là gánh nặng và trách nhiệm với gia đình. Nam Cao đã chân thực đến tàn nhẫn, bóc tách từng lớp lang sâu kín ở lòng người. Cũng như cuộc đời, đôi khi ở đó sự ích kỷ tầm thường chiến thắng, nhưng trong phần lớn trường hợp, nhân vật Thứ - với bản chất trung thực và khả năng tự kiểm điểm mình sâu sắc - vẫn hướng tới những điều trong lành, tốt đẹp.
- Trong đoạn trích, từ câu chuyện về bữa ăn của gia đình, chúng ta thấy ẩn chứa sâu bên trong Thứ vẫn là một con người lương thiện, sống trách nhiệm với gia đình, với vợ con, dù có những giây phút tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon hay một châu xem xinê thì chúng ta cũng có thể hiểu đó là những yêu cầu rất chính đáng của một con người đã vất vả lao động.
- Ngôn ngữ truyện bình dị gần gũi với cuộc sống của người đọc. Về ngôi kể, truyện được kể bằng tâm sự của nhân vật tôi là Thứ nên trở nên chân thực, giúp người đọc có điều kiện đi sâu tìm hiểu thế giới nội tâm với những suy nghĩ và biến đổi tinh vi của nhân vật
- So sánh liên hệ với các tác phẩm cùng giai đoạn và cùng đề tài: Trăng sáng, Đời thừa...
3. Kết bài:
- Nêu khái quát thành công của tác giả qua việc xây dựng nhân vật.
- Từ nhân vật Thứ, liên hệ và nêu cảm nghĩ của em về thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 2 môn Toán lớp 10
Chủ đề 1. Mô tả chuyển động
Chủ đề 3: Tư duy phản biện và tư duy tích cực
SBT TOÁN TẬP 2 - KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG
CHỦ ĐỀ I. CẤU TẠO NGUYÊN TỬ
Chuyên đề học tập Văn - Cánh diều Lớp 10
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Kết nối tri thức lớp 10
Đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn - Cánh diều lớp 10
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 10
Văn mẫu - Kết nối tri thức
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
Chuyên đề học tập Văn - Kết nối tri thức Lớp 10
Lý thuyết Văn Lớp 10
SBT Văn - Cánh diều Lớp 10
SBT Văn - Chân trời sáng tạo Lớp 10
SBT Văn - Kết nối tri thức Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Cánh Diều - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Chân trời sáng tạo - siêu ngắn Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - chi tiết Lớp 10
Soạn văn - Kết nối tri thức - siêu ngắn Lớp 10
Tác giả tác phẩm Lớp 10