Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Thế giới của chúng ta có muôn vàn điều thú vị để khám phá. Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, bạn cũng nên phá vỡ các giới hạn của nhận thức và luyện cho mình kĩ năng quan sát bằng những câu hỏi như: “Tại sao...? Tại sao không…?” và thứ tự tìm các câu trả lời hay sự trợ giúp bằng cách ra khỏi nhà, ra ngoài thiên nhiên và chú ý tới mọi điêu xung quanh. Hãy đặt cho bản thân của những người quen biết. Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi đã biết hết rồi, anh/ chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!”. Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới. Hãy nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng và các phòng trưng bày nghệ thuật, hãy đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau, hãy có những sở thích như khiêu vũ, chơi đàn, hội họa hay tập luyện một bộ môn thể thao.
Dù bạn chọn cho mình bộ môn nào đi nữa, bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu không ngừng nghi cho đến khi đạt được kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó một lần rồi bỏ xó”. Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần trong cá tính của bạn. Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân. Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và vươn ra biển lớn.
(Trích Tìm kiếm niềm đam mê, theo Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nxb Thế giới, 2017)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, chúng ta sẽ có lợi ích gì khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học”?
Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu thế nào là “phá vỡ các giới hạn của nhận thức”?
Câu 4 (1,0 điểm). Em rút ra được bài học gì cho bản thân từ đoạn trích trên?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về cách để nâng cao kiến thức cho bản thân.
Câu 2. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng trẽ bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tập mưa sa đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
(Trích Viếng lăng Bác - Viễn Phương, SGK Ngữ văn 9, tập 2, tr.58, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019)
Từ đó, nhận xét về tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên? |
Phương pháp: Căn cứ bài các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2:
Theo tác giả, chúng ta sẽ có lợi ích gì khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học”? |
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Theo tác giả, lợi ích khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học” là bổ sung được nhiều kiến thức mới.
Câu 3:
Em hiểu thế nào là “phá vỡ các giới hạn của nhận thức”? |
Phương pháp: Phân tích.
Cách giải:
“Phá vỡ các giới hạn của nhận thức” là vượt qua những rào cản, những hiểu biết hạn hẹp, tầm thường của mình và mọi người để hướng tới một suy nghĩ tích cực hơn, nhân văn hơn, hoàn thiện hơn.
Câu 4:
Em rút ra được bài học gì cho bản thân từ đoạn trích trên? |
Phương pháp: Phân tích.
Cách giải:
Qua đoạn trích trên, em rút ra bài học là mỗi con người cần không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức cho bản thân để có thể biết được nhiều điều mới mẻ hơn. Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên bước ra khỏi vùng an toàn của mình, tìm cho bản thân những kiến thức rộng lớn, bao la ngoài xã hội
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về cách để nâng cao kiến thức cho bản thân. |
Phương pháp: Phân tích, giải thích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
Giới thiệu vấn đề nghị luận: cách để nâng cao kiến thức cho bản thân
2. Bàn luận
- Kiến thức: Kiến thức là những dữ kiện, thông tin, sự mô tả, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm hay thông qua giáo dục, có nhiều cách để lĩnh hội được kiến thức khác nhau nhưng cùng chung mục đích là hiểu biết rộng hơn và phát triển hơn. Tiếp thu kiến thức cho bản thân là điều cần thiết với mỗi người.
- Để bản thân có kiến thức mỗi con người cần:
+ Ra sức học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân ở mọi lĩnh vực.
+ Luôn có tinh thần học hỏi, tìm tòi và khám phá với những điều mình chưa biết.
+ Gia đình, trường học, xã hội nên có các chương trình đào tạo học sinh hợp lý, trau dồi về cả kiến thức và kĩ năng sống.
+ Mỗi cá nhân cần có ý thức học tập cho chính bản thân mình và giúp đỡ mọi người cùng phát triển, tiến bộ.
- Phản đề:
+ Những kẻ lười biếng, không muốn học hỏi, chỉ dậm chân tại chỗ.
+ Những người ích kỉ, chỉ biết bản thân mình mà không muốn giúp đỡ người khác học hỏi, tiến bộ.
Câu 2:
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Đã thấy trong sương hàng trẽ bát ngát Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão tập mưa sa đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân... (Trích Viếng lăng Bác - Viễn Phương, SGK Ngữ văn 9, tập 2, tr.58, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019) Từ đó, nhận xét về tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1.Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Viễn Phương, tác phẩm Viếng lăng Bác.
- Nêu cảm nhận chung về hai khổ thơ được trích.
- Giới thiệu vấn đề: tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Thân bài
a. Khổ thứ nhất: Cảm xúc của nhà thơ khi đến thăm lăng Bác
- Bồi hồi, xúc động “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”:
+ Cặp đại từ xưng hô “con – Bác” là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho một người ruột thịt, một người bề trên trong gia đình. Đọc câu thơ tưởng như Viễn Phương là một người con xa xứ nay mới được trở về bên người cha của mình.
+ Cách nói giảm nói tránh “thăm” làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.
Câu thơ giản dị như một lời kể nhưng lại thấm đượm bao nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ, sau bao mong nhớ, đợi chờ, nay mới được đến viếng lăng Bác.
Ấn tượng đậm nét hiện lên trước mắt nhà thơ: “hàng tre bát ngát”:
+ Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt.
+ Đấy cũng là hình ảnh chưa nhiều sức gợi: “hàng tre xanh xanh” gợi vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam với sức sống tràn trề; “bão táp…thẳng hàng” là vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, bền bỉ, hiên ngang, bất khuất của con người Việt Nam. Hình ảnh hàng tre bao quanh lăng là biểu tượng của cả dân tộc đang quây quần bên Người, thể hiện tình cảm của người dân miền Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung dành cho Bác.
Khổ 1 là niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.
b. Khổ thứ hai: Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác
- Là nỗi tiếc thương, lòng biết ơn sâu nặng dành cho công lao của Bác.
+ Sáng tạo hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: mặt trời trên lăng – mặt trời tự nhiên, mặt trời trong lăng - ẩn dụ cho Bác. Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ, khổ đau. Hình ảnh ẩn dụ đã vừa khẳng định, ngợi ca sự vĩ đại của Người vừa thể hiện tình cảm tôn kính, biết ơn của cả dân tộc đối với Người.
- Đặc biệt, nhà thơ Y Phương đã diễn tả tình cảm của nhân dân dành cho Bác qua hai câu thơ:
Ngày ngày lòng người đi qua thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
+ Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận và sự sống vĩnh cửu; mang giá trị tạo hình, vẽ lên quang cảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt, lặng lẽ và thành kính vào viếng Bác. Lối nói “đi trong thương nhớ” thể hiện nỗi tiếc thương, nhớ nhung lớn lao của bao thế hệ người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.
+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân”: 79 năm cuộc đời Người đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Nó được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị cha già dân tộc. Đó cũng là cách để nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc.
c. Nhận xét tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho chủ tích Hồ Chí Minh được thể hiện qua hai đoạn thơ là tình cảm chân thành, kính trọng, biết ơn cùng niềm thương nhớ khôn nguôi .
3. Kết bài
- Thể hiện tình cảm nhớ thương, biết ơn của nhà thơ cũng như của nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Cảm xúc dâng trào, cách diễn đạt chân thật, thiết tha.
- Hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ, hình ảnh thơ nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng.
CHƯƠNG II. ĐƯỜNG TRÒN
Đề thi học kì 2 - Sinh 9
CHƯƠNG VI. ỨNG DỤNG DI TRUYỀN HỌC
Bài 34
Bài 15: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý của công dân