VỆ SĨ CỦA RỪNG XANH
Đại bàng ở Trường Sơn có hai loại phổ biến: loại lông đen mỏ vàng, chân đỏ và loại lông màu xanh cánh trả, mỏ đỏ, chân vàng.
Mỗi con đại bàng khi vỗ cánh bay lên cao nom như một chiếc tàu lượn. Nó có sải cánh rất vĩ đại, dài tới 3 mét. Và cũng phải nhờ sải cánh như vậy, nó mới có thể bốc được thân mình nặng gần ba chục cân lên bầu trời cao.
Cánh đại bàng rất khỏe, có bộ xương cánh tròn dài như ống sáo và trong như thủy tinh. Lông cánh đại bàng ngắn nhất cũng phải tới bốn mươi nhăm phân. Mỏ đại bàng dài tới bốn mươi phân, rất cứng. Và đôi chân thì giống như đôi móc hàng của cần cẩu, những móng vuốt nhọn của nó có thể cào bong gỗ như ta tước lạt giang vậy.
Hình ảnh con chim đại bàng trở thành hình tượng của lòng khát khao tự do và tinh thần dũng cảm, đức tính hiền lành của người dân miền núi.Cánh đại bàng vỗ vào không khí tạo nên luồng gió phát ra những tiếng kêu vi vút, vi vút. Anh chiến sĩ đã gọi đó là dàn nhạc giao hưởng trên bầu trời. Mặc dù có sức khỏe và được các loài chim nghiêng mình cúi chào, nhưng đại bàng cũng không cậy sức khỏe của mình để bắt nạt các giống chim khác.
Theo Thiên Lương
(Trích "Thú rừng Tây Nguyên")
Đọc bài "Vệ sĩ của rừng xanh" rồi trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1
Tìm đại ý bài văn.
Phương pháp giải:
Con đọc kĩ bài xem trong bài văn nhắc tới con vật gì và nói chuyện gì?
Lời giải chi tiết:
Đại ý:
Bài "Vệ sĩ của rừng xanh" miêu tả đại bàng là một giống chim rất to rất khỏe trên núi rừng Trường Sơn tượng trưng cho bao đức tính tốt đẹp của người dân miền núi.
Câu 2
Tìm bố cục bài văn, ý mỗi phần là gì?
Phương pháp giải:
Con đọc kĩ lại các đoạn văn xem nội dung mỗi đoạn là gì?
Lời giải chi tiết:
Bố cục:
Bài "Vệ sĩ của rừng xanh" là một bài văn miêu tả loài vật; có thể chia làm 3 phần:
a. Mở bài (đoạn 1): giới thiệu hai loại đại bàng ở Trường Sơn.
b. Thân bài (3 đoạn tiếp theo): tả các bộ phận của đại bàng như cánh, mỏ, chân, lông, cân nặng, lúc bay... nói lên sự vĩ đại và sức khỏe của đại bàng.
c. Kết bài (đoạn cuối): đại bàng tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp của người dân miền núi.
Câu 3
Đại bàng ở Trường Sơn có hai loại, là những loại nào?
Phương pháp giải:
Con đọc đoạn văn thứ nhất.
Lời giải chi tiết:
Tác giả cho biết đại bàng ở Trường Sơn có hai loại:
- Loại lông đen, mỏ vàng, chân đỏ.
- Loại lông màu xanh cánh trả, mỏ đỏ, chân vàng.
Câu 4
Những chi tiết nào cho thấy đại bàng rất vĩ đại, rất khỏe ?
Phương pháp giải:
Con đọc kĩ nội dung bài văn.
Lời giải chi tiết:
Chim đại bàng rất vĩ đại và rất khỏe:
- Mỗi con nặng tới 30 kg.
- Đôi cánh xòe ra dài tới 3 mét.
- Trụ cánh có bộ xương cánh tròn dài như ống sáo và trong như thủy tinh.
- Lông cánh đại bàng ngắn nhất cũng phải tới 45 phân.
- Mỏ đại bàng rất cứng, dài tới 40 phân.
- Đôi chân như hai móc hàng cần cẩu, móng vuốt rất sắc và nhọn có thể cào bong gỗ.
- Nó rất khỏe, bay cao, bay xa, đôi cánh vỗ tạo nên âm thanh vi vút, vi vút, mà anh chiến sĩ gọi là "dàn nhạc giao hưởng của bầu trời".
- Đại bàng to khỏe, được các loài chim kính phục, nhưng nó không hề bắt nạt các loài chim khác.
Câu 5
Đại bàng tượng trưng cho những đức tính nào của người dân miền núi?
Phương pháp giải:
Con đọc kĩ đoạn văn cuối cùng trong bài để tìm câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Đại bàng tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp của người dân miền núi như khát khao tự do, tinh thần dũng cảm, đức tính hiền lành.
Bài tập cuối tuần 1
Bài tập cuối tuần 13
Chủ đề 6. Sinh vật và môi trường
VỞ BÀI TẬP TIẾNG VIỆT 4 TẬP 1
SGK Tiếng Việt 4 - Cánh Diều tập 2
SGK Tiếng Việt Lớp 4
VBT Tiếng Việt 4 - Cánh Diều
SGK Tiếng Việt 4 - Chân trời sáng tạo
VBT Tiếng Việt 4 - Chân trời sáng tạo
SGK Tiếng Việt 4 - Kết nối tri thức với cuộc sống
VBT Tiếng Việt 4 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Tiếng Việt 4 - Cánh Diều
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Tiếng Việt lớp 4
Cùng em học Tiếng Việt Lớp 4
VNEN Tiếng Việt Lớp 4
Vở bài tập Tiếng Việt Lớp 4
Đề thi, đề kiểm tra Tiếng Việt Lớp 4
Ôn tập hè Tiếng Việt Lớp 4