29/01/2024
29/01/2024
Chẳng biết tự bao giờ, mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Mùa xuân như đồng hiện cùng thi ca, song hành suốt chiều dài lịch sử văn học. Trong thơ mới, mùa xuân được khắc họa phong phú, đa tầng, đa nghĩa với nhiều cách tân, sáng tạo, độc đáo ở cả nội dung, hình thức, tư tưởng... Giữa vườn xuân đa sắc, đa hương, Xuân Diệu xác lập cho mình một vị thế đặc biệt.
Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu, với ý nghĩa là thời gian vật lý (mùa – danh từ) bao giờ cũng đẹp đến nao lòng. Khí xuân, sắc xuân căng tràn, vừa gợi lên nét thanh tân, dịu dàng mà cũng không kém phần ngọt ngào, quyến rũ: Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si/ Và này đây ánh sáng chớp hàng mi/ Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa”. Mùa xuân đẹp đến nỗi tiếng thơ bật lên như lời cảm thán, ngỡ ngàng: “Trời xanh thế! Hàng cây thơ biết mấy!/ Vườn non sao! Đường cỏ mộng bao nhiêu” (Xuân đầu).
Mùa xuân là mạch nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Thơ mới cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, thơ mới mang đến một diện mạo xuân, hồn xuân khác hẳn so với thời kỳ văn học trước đó. Cái khác biệt ấy từ đâu mà có nếu không phải là tâm thế của chủ thể sáng tạo đã khác. Mỗi chủ thể là một cá tính sáng tạo, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, là thế giới quan, nhân sinh quan khác biệt được hình thành từ tri thức, quan điểm, tình cảm riêng khác. Mùa xuân trong thơ mới hiện diện như là “đặc tính của tuổi trẻ, tình yêu, xuân tình – cái phần non tươi, ngọt ngào, đẹp đẽ, hấp dẫn, đáng sống, đáng hưởng thụ và cũng đáng tiếc, đáng thương xót, ngậm ngùi (khi đi qua) nhất của con người, cuộc đời”: “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi/ Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi” (Nguyên đán). “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu/ Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều/ Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.../ Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa/ Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta/ Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa/ Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng” (Xuân không mùa).
Cái xuân tình ấy được Xuân Diệu lẩy lên qua những vần thơ: “Giữa vườn inh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi/ Mùa xuân chín ửng trên đôi má/.../ Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười (Nụ cười xuân); “Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng/ Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/ Cho no nê thanh sắc của thời tươi/ - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” (Vội vàng)... Vời vợi xuân là khi “ông hoàng thơ tình” viết: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Chỉ bằng một câu thơ, Xuân Diệu đã nâng tầm cả mùa xuân của đất trời. Cái sự “ngon” ấy không còn thuộc về đặc tính của thời gian vật lý, vượt thoát ra khỏi khuôn khổ bàn tay tạo hóa. Đó là xuân của lòng người, là sự tinh tế, táo bạo, mới mẻ trong cách tri nhận, bày tỏ cảm xúc, thi liệu.
Trong thơ Xuân Diệu nói riêng, thơ mới nói chung, khi viết về mùa xuân luôn tồn tại hai thái cực trong cảm xúc. Song hành với cái rạo rực, say đắm thì luôn tồn tại một nỗi thấp thỏm, lo âu, tiếc nuối trước sự chảy trôi của thời gian, hữu hạn của xuân: “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian/ Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại/ Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi/ Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời” (Vội vàng). Xuân không là bất biến cũng giống như tuổi trẻ, tình yêu không là vĩnh hằng, đời người hữu hạn trước cuộc sống vô thường: “Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng!/ Những mặt hồng chia rẽ hết cười” (Xuân rụng).
Ám ảnh về thời gian là tuyến tính, quy luật khắc nghiệt của tạo hóa cũng chính là đang nhận thức sâu sắc về cái tôi giữa cuộc đời. Đây là cảm xúc chủ đạo, góp phần định hình và xác lập vị thế của thơ mới trong dòng chảy thi ca Việt. Mỗi độ xuân sang, trong cái hân hoan, rạo rực, những vần thơ của Xuân Diệu nói riêng, thơ mới nói chung như càng thổi bừng lên sức sống, khát khao, say đắm với đời, với người.
29/01/2024
An Gia Có người từng tâm niệm: “Thơ hay giống như người con gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc, cái để sống với nhau lâu là đức hạnh. Nhan sắc của thơ là chữ nghĩa, tấm lòng mới là đức hạnh của thơ.” Trong nền văn học, có rất nhiều bài thơ nhưng những bài thơ có thể đọng lại trong lòng người đọc thì không nhiều. Phải chăng bằng trải nghiệm và vốn sống phong phú của mình mà những vần thơ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu luôn mang đến những vần thơ nồng nàn, sâu sắc và có giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam. Đặc biệt, thi phẩm Xuân không mùa của hồn thơ khát khao luyến ái còn để lại dấu ấn không phai trong lòng độc giả.
Xuân Diệu là một trong những cây bút lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhà thơ đã đem đến cho thơ ca đương đại một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông còn là nhà thơ lớn của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ đắm say, sôi nổi và yêu đời. Thi sĩ được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, chất thơ của Xuân Diệu luôn tạo ra sự khác biệt, cách dùng ngôn từ sáng tạo và hấp dẫn người đọc. Một trong những sáng tác tiêu biểu của Xuân Diệu là thi phẩm Xuân không mùa. Tác phẩm là một trong những bài thơ thuộc chùm thơ của mùa xuân và của tình yêu. Với Xuân Diệu, tình yêu và tuổi trẻ luôn song hành cùng mùa xuân, vậy nên tư tưởng ấy đã được nhà thơ khéo léo đưa vào trong thi phẩm và rồi đi vào trong trái tim độc giả.
Ai đã một lần đọc qua thơ của Xuân Diệu chắc hẳn rằng sẽ khó lòng mà quên được sức sống mãnh liệt trong những vần thơ ấy, mang đến cho họ một niềm khao khát hòa mình với thiên nhiên, với cuộc sống tươi đẹp này. Tình yêu vốn là điều kì diệu mà thượng đế đã ban cho chúng ta, ai sinh ra cũng mang trong mình vô vàn tiếng yêu. Tình yêu với Xuân Diệu như được tôn thờ và trân trọng như một thức quà quý giá:
“Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mây càng xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.”
Như chính Xuân Diệu đã từng nói:
“Làm sao sống được mà không yêu,
Không nhớ, không thương một kẻ nào?”
Quả thực, tình yêu là gia vị cho cuộc sống thêm ngọt ngào và đắm say hơn. Thế giới có tình yêu là thế giới đa màu sắc tươi đẹp. Nói như nữ văn sĩ Quỳnh Dao: “Tình yêu – Tôn giáo thứ nhất của loài người; Tình yêu – Từ đó mà có mọi sự; Tình yêu – Không có nó con người không còn là con người”. Phải chăng chính vì lẽ đó mà tình yêu qua lăng kính của Xuân Diệu cứ ngọt ngào lại tha thiết đến lạ kì. Đọc thơ Xuân Diệu tôi như say trong điệu nhảy của ngôn từ, say trong những áng thơ chan chứa mật ngọt của tình yêu!
Không chỉ vậy, trong cái nhìn của thi sĩ, mùa xuân luôn đại diện cho tình yêu và tuổi trẻ. Chúng luôn song song tồn tại, không tách rời:
“Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ
Xuân là lúc gió về không định trước”
Vì thế mà nó tồn tại như một thực thể của tâm hồn, rất đỗi tinh tế mà tha thiết và lắng sâu. Và cứ như thế, xuân trong cảm thức của Xuân Diệu không dừng ở những cảm nhận về sự giao hòa giữa mùa xuân với tình yêu, mùa xuân với tuổi trẻ mà đã thành lẽ sống với một khát vọng mạnh mẽ của một thi nhân luôn biết trân trọng tình yêu và những điều bình dị của cuộc sống. Không những thế, với người “thi sĩ không tuổi và xuân không ngày tháng” thì xuân không chỉ dừng lại ở ba tháng mà còn hiện diện trong những khoảnh khắc ngẫu nhiên của “nắng rạng đến tình cờ” , khi “chim trên cành há mỏ hát ra thơ” hay khoảnh khắc “gió về không định trước”. Xuân Diệu đã nhấn mạnh vẻ đẹp của mùa xuân như lời nhắc nhở mỗi người hãy cảm nhận hương xuân, cảm nhận sắc xuân khi còn đang gần kề chúng ta. Hơn nữa, hình ảnh xuân trong liên tưởng của nhà thơ còn bay bổng lạ hóa:
“Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược,
Mây bay đi để hở một khung trời
Thế là xuân. Ngày chỉ ấm hơi hơi,
Như được nắm một bàn tay son trẻ…”
Câu thơ như nhấn mạnh vẻ đẹp của mùa xuân-mùa tràn đầy nhựa sống, lãng mạn mà tuyệt sắc. Tác giả đã gửi gắm tình yêu của mình vào những áng thơ bất hủ, thể hiện tình yêu đời, yêu cuộc sống đến nỗi luôn để ý những thay đổi của thiên nhiên đất trời. Tình yêu luôn hiện hữu xung quanh con người và mùa xuân chính là hiện thân của tình yêu. Xuân đến xua tan cái lạnh của không khí mùa đông lạnh giá, như tình yêu đến xua tan cô đơn, xua tan sự nhạt nhòa của tuổi trẻ. Bởi vậy, đọc các thi phẩm của Xuân Diệu ai cũng gật gù tâm đắc những vần thơ tình mang ý nghĩa sâu sắc của thi nhân.
Thêm vào đó, điều đặc biệt trong xuân của thi sĩ của tình yêu là hình ảnh xuân xuất hiện giữa mùa đông, mùa hè và mùa thu:
“Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé;
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa;
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.”
Cách miêu tả mùa xuân khi nó hiện diện trong mùa đông “khi nắng hé”, giữa mùa hè “khi trời biếc sau mưa” còn giữa mùa thu “khi gió sáng bay vừa”. Mùa xuân có mặt trong các mùa bởi mùa xuân mang những đặc điểm tự nhiên phong phú. Đó là sự độc đáo và đặc trưng của mùa đặc biệt trong năm, là những phát hiện mới mẻ trong lăng kính của Xuân Diệu. Bởi thế mà tình yêu không những tồn tại trong lòng mỗi người theo một cách mà có vô vàn cách thể hiện tình yêu cùng những biểu hiện phong phú, độc đáo của tình yêu. Không dừng lại ở những vẻ đẹp đó, mùa xuân còn mang bao màu sắc mà ta không thể bỏ lỡ:
“Nếu lá úa trên cành bàng không rụng,
Mà hoa thưa ửng máu quá ngày thường;
Nếu vườn nào cây nhãn bỗng ra hương,
Là xuân đó. Tôi đợi chờ chi nữa?”
Tác giả sử dụng hình ảnh lá úa không rụng, hoa ửng máu và mùi hương từ cây nhãn để miêu tả vẻ đẹp đặc biệt của xuân. Thêm vào đó là sự nhấn mạnh những dấu hiệu được cho là minh chứng xuất hiện của mùa xuân, góp phần tạo nên một không gian thú vị và tươi mới. Và tôi tin chắc rằng chỉ có tan hòa trong cõi thiên thai của cảm thức: Mùa xuân – Tuổi trẻ – Sống và yêu, Xuân Diệu mới viết được những câu thơ đầy khát vọng sống mãnh liệt như thế nầy.
Xuân Diệu đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân tình yêu đầy tươi mới và rực rỡ. Cùng với đó, nhà thơ đã miêu tả mùa xuân với cảm nhận “như được nắm một bàn tay son trẻ”, câu ví von bằng thủ pháp chuyển đổi cảm giác khiến mùa xuân như một thực thể hữu hình mặc ta cầm nắm trong tay. Hơn hết, Xuân Diệu còn khéo léo sử dụng hình ảnh bình minh và những cảm xúc trong lòng để tạo nên sự kết thúc ấn tượng cho thi phẩm của mình! Như một cách khẳng định: mùa xuân là tình yêu không tuổi và không bị giới hạn bởi thời gian.
Thế Lữ trong lời tựa tập Thơ thơ từng nói: “ Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xậy dựng trên đất của một tấm lòng trần gian”. Quả thực, thi sĩ đã mang đến cho thơ ca dân tộc một cách nhìn mới, một bút pháp mới, một cảm xúc mới đúng như ông quan niệm: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Đến đây mới thấy, Xuân Diệu hoàn toàn xứng đáng với danh xưng “Nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”
Nếu bạn muốn hỏi bài tập
Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút
CÂU HỎI LIÊN QUAN
Top thành viên trả lời