Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm thơ chữ Hán và đặc biệt truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm đã đưa nền văn học Việt Nam lên đỉnh cao. Đoạn trích Chị Em Thúy Kiều nằm ở phần đầu của Truyện Kiều nói về vẻ đẹp và đức hạnh của hai chị em Thúy Kiều - Thúy Vân.
Mở đầu đoạn trích Nguyễn Du giới thiệu khái quát về hai chị em Thúy Kiều:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Hai chị em có cốt cách thanh cao như cây mai, tâm hồn trong trắng như tuyết, mỗi người một vẻ đẹp riêng nhưng đều đẹp hoàn mỹ. Tiếp đến là bức chân dung tuyệt mĩ của Thúy Vân:
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Bằng những nét bút chấm phá, Nguyễn Du đã vẽ nên một bức chân dung của cô em gái Thúy Vân thật xinh đẹp, quý phái. Vẻ đẹp ấy của Thúy Vân khiến cho những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên cũng phải cúi chào, nhún nhường. Với việc sử dụng ngôn từ chọn lọc, kết hợp với nghệ thuật ước lệ tượng trưng, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung hậu, đảm đang, nết na của nàng. Nếu Thúy Vân hiện lên với vẻ đẹp phúc hậu, thì Thúy Kiều lại mang một vẻ đẹp khác:
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Cũng giống như khi tả Thúy Vân, ở đây tác giả vẫn dùng thủ pháp liệt kê, hình ảnh ẩn dụ không hề thay đổi, nhưng chỉ thêm một vài chi tiết thôi, đã tạo ra cảm giác hoàn toàn khác. Khi tả đôi mắt Thúy Vân là khuôn trăng đầy đặn thì đôi mắt của Thúy Kiều lại là làn thu thủy long lanh, trong sáng như làn nước mùa thu. Còn đôi lông mày lại được ví như nét xuân sơn, tức là nét núi mùa xuân tươi non, mềm mại. Về nhan sắc thì mỗi người một vẻ, nhưng về tài năng thì Thúy Kiều hơn hẳn Thúy Vân:
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh, lại càng não nhân.
Nếu Thúy Vân chỉ được miêu tả về nhan sắc, thì Thúy Kiều được miêu tả cả về nhan sắc lẫn tài năng. Không chỉ vậy, tác giả còn dành riêng cho nàng một nỗi buồn, một số phận bấp bênh, chìm nổi. Qua đó thể hiện sự đồng cảm với số phận con người trong xã hội cũ.
Như vậy qua đoạn trích Chị Em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét chân dung của hai chị em Thúy Kiều vừa bằng lòng nể trọng, vừa bằng trái tim nhân đạo của mình.