Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin nay đã giải thể. Thơ ông thiên về cảm xúc trữ tình chính trị, mang đậm suy tư sâu lắng về đất nước và con người Việt Nam. Trong đó tiêu biểu có bài thơ Mặt đường khát vọng được sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên. Chương V Đất Nước là một trong những chương hay nhất của tác phẩm, thể hiện rõ nhất khuynh hướng tư tưởng và giọng điệu trữ tình chính luận của tác giả. Đoạn trích Đất Nước nằm ở phần mở đầu chương Đất Nước, nói về cảm nhận ban đầu khi tác giả nghĩ về tư tưởng lớn xuyên suốt tác phẩm là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.
Trong đoạn trích, hình tượng đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân quen, vừa thiêng liêng, hào hùng. Đó là một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời; có vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật; có những đau thương mất mát trong chiến tranh và có những con người vô danh đóng góp thầm lặng cho đất nước.
Trước hết, đất nước được nhìn từ nhiều phương diện khác nhau, gắn với mọi miền Tổ Quốc. Từ góc độ địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống...đất nước hiện lên với những vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
Ở khía cạnh địa lý, tác giả cảm nhận đất nước qua những danh lam thắng cảnh, những địa danh gắn với tên tuổi của những anh hùng dân tộc hoặc những truyền thuyết quen thuộc. Đó là núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút non Nghiên, vịnh Hạ Long, đất Tổ Hùng Vương, những tên làng, tên núi, tên sông... Tất cả những cảnh trí ấy đều là sự hội tụ và kết tinh của bao công sức và khát vọng của tổ tiên nhân dân ta. Còn khi đặt trong hệ quy chiếu của lịch sử, đất nước lại mang vẻ đẹp của một dải đất suốt bao nhiêu năm chịu đựng sự xâm lược, tàn phá của kẻ thù. Ở đó có bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của cha ông ta đổ xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này.
Không chỉ vậy, đất nước còn hiện lên qua vẻ đẹp của nền văn hóa, văn minh lâu đời, phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc. Đó là nền văn hóa từ hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói đến cả tên xã, tên làng... Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nên một đất nước thực sự. Như vậy, có thể thấy rằng, hình tượng đất nước trong đoạn trích được cảm nhận ở nhiều phương diện, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về đất nước.
Bên cạnh vẻ đẹp của bề dày lịch sử, truyền thống, đất nước còn hiện lên với những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của mỗi con người:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Tác giả đã tách rời hai yếu tố "đất" và "nước" để lí giải cụ thể ý nghĩa của từng yếu tố. Sau đó lại nối kết hai yếu tố ấy để khẳng định đất nước là không gian bao la, nơi chứa đựng và nuôi dưỡng sự sống của bao thế hệ con người. Đồng thời, đất nước cũng là nơi lưu giữ những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Để làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng đất nước, tác giả đã sử dụng linh hoạt và hiệu quả các biện pháp nghệ thuật như liệt kê, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa... Đặc biệt, giọng thơ tha thiết, chân thành cùng cách nói chuyện thủ thỉ tâm tình khiến cho những triết lí về đất nước trở nên nhẹ nhàng, dễ hiểu chứ không hề khô khan, cứng nhắc.
Như vậy, trong đoạn trích Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về hình tượng đất nước. Không chỉ vậy, tác giả còn muốn gửi gắm tới mọi người lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng ta cần phải cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức để cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.