Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn cua nền văn học hiện đại Việt Nam. Với vốn am hiểu sâu sắc và gắn bó với nông thôn và người nông dân nên truyện của ông thường xoay quanh những nếp sinh hoạt, cảnh ngộ, phong tục truyền thống của người nông dân Bắc Bộ. Nguyên Hồng nhận xét: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với "đất" với "người" với "thuần hậu nguyên thuỷ" của cuộc sống nông thôn. Truyện ngắn Vợ Nhặt là tác phẩm tiêu biểu cho giọng văn ấy.
Truyện ngắn Vợ Nhặt được in trong tập Con chó xấu xí xuất bản năm 1962. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở v à bị mất bản thảo. Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, nhân dân ta phấn khởi tiếp tục dựng xây đất nước. Trong không khí ấy, nhà văn đã tái hiện lại truyện ngắn từ bản thảo cũ thành Vợ Nhặt.
Đoạn trích trên nằm ở phần cuối của tác phẩm, kể về bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình Tràng.
Bữa ăn ngày đói thật thảm hại: Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo..Niêu cháo lõng bõng chẳng ai muốn ăn vì họ đang được no mắt hơn no bụng: hình ảnh người vợ nhặt với dáng ngồi xòm bỏm chỏng lỏn, cách nói năng thì đanh đá, chua ngoa. Nhưng rồi mọi người đều lặng im, nắm lấy nhau, cố nuốt cho xong miếng cháo để ấm bụng.
Trong bữa ăn, bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này. Bà mẹ già nghèo khổ, nghèo đến nỗi ngay cả đứa con trai mà bà rất mực thương yêu cũng không lo nổi cho vợ chồng nó một đám cưới, một mâm cỗ ra trò. Ngay cả bà cũng chỉ mời được người hàng xóm vài ba bát cháo loãng. Nhưng trong bữa ăn, bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này: Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà... Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem. Bà nói bằng tất cả tình yêu thương, niềm hi vọng để động viên, thắp sáng niềm tin cho các con.
Bà cụ Tứ còn chuẩn bị món chè khoán thơm ngon đãi con. Chè khoán là món chè nấu bằng cám. Trong cơn đói khát cùng cực, bà cụ Tứ vẫn dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Tình thương của người mẹ nghèo thật bao la, sâu sắc vô bờ.
Người vợ nhặt tuy không phải nhân vật chính trong truyện nhưng qua đoạn trích, nhân vật đã bộc lộ những nét tính cách đặc trưng của mình. Thị là người con gái nghèo khổ, vì đói quá thị đã liều lĩnh theo Tràng về làm vợ. Trên đường theo Tràng về xóm ngụ cư, thị cũng biết bao xấu hổ tủi thẹn. Về đến nhà Tràng, thấy cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại, trong nhà, niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất, thì chị ta không khỏi chán nản, thất vọng: Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài".
Khi nghe Tràng nói hôm nay nhà có ổ gà, chị liếc mắt, mỉm cười với Tràng. Người vợ nhặt không khỏi lo lắng và khao khát một cuộc sống hạnh phúc, yên ổn. Hạnh phúc đơn sơ, bình dị nhưng thiêng liêng đã được đánh thức trong lòng người phụ nữ khốn khổ này. Chính vì vậy, thị đã thay đổi hẳn: Chị cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt gầy hốc hác xanh bủng bừng lên. Thị như quên hết những cảnh sống ê chề tăm tối hằng ngày, quên hết những miôn mỏi, buồn đau, giữa thị và Tràng đã nảy nở chút tình yêu thương thắm thiết. Thị là người đã đem lại hơi thở ấm áp, niềm vui và hạnh phúc cho gia đình bà cụ Tứ.
Qua đoạn trích, ta thấy được ngòi bút tài hoa, tinh tế của Kim Lân trong miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Nhà văn đã diễn tả thật chân thực, cảm động về tình người trong hoạn nạn, khó khăn với thái độ trân trọng, ngợi ca, tin tưởng vào khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Họ là những người lao động nghèo khổ, cùng chung số phận bất hạnh. Nhưng họ sẵn sàng cưu mang, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Với ngôn ngữ đối thoại độc đáo, nhà văn đã khắc hoạ thành công nhân vật người vợ nhặt. Qua đó, góp phần thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.