Học tập là nhiệm vụ hàng đầu của học sinh. Nhưng học thế nào để hiệu quả nhất thì không phải ai cũng biết. Phương pháp tự học là một trong những cách học giúp ta đạt được kết quả tốt nhất trong học tập. Vậy tự học là gì và mang lại hiệu quả như thế nào?
Tự học là quá trình chủ động, tích cực, độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức và hình thành kỹ năng cho bản thân. Tự học không chỉ đơn thuần là tiếp nhận kiến thức từ thầy cô mà là còn học hỏi ở bạn bè, tìm tòi nghiên cứu sách vở hay học hỏi, quan sát từ thực tế.
Tự học đóng một vai trò rất quan trọng trên con đường trau dồi tri thức của mỗi người. Người có tinh thần tự học sẽ luôn chủ động tìm tòi, khám phá, nghiên cứu bất cứ vấn đề nào mà họ gặp phải. Từ đó, tự học giúp chúng ta tiếp thu được kiến thức một cách chủ động, toàn diện, hiểu sâu và nhớ lâu hơn. So với việc thụ động nghe giảng và thuộc lại các kiến thức đã được sắp xếp trong vở ghi, thì tự học bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ để hiểu được bản chất vấn đề. Khi đã nắm chắc lý thuyết, tự học còn giúp chúng ta biết suy luận, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống. Không chỉ vậy, tự học giúp con người rèn luyện kĩ năng phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, phản xạ nhạy bén trước các vấn đề. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có được sự tự tin, năng động, sáng tạo, không bị bỡ ngỡ trước bất kì tình huống nào trong cuộc sống.
Trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam có rất nhiều tấm gương tự học thành tài. Trạng Nguyên Nguyễn Hiền là một trong những tấm gương tự học tiêu biểu. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại phải thay cha mẹ chăm sóc các em, nhưng cậu bé Hiền vẫn chịu khó mò cua bắt ốc, lên chùa nghe giảng kinh, vừa lao động vừa tranh thủ học. Cậu tự làm đèn dầu học bài lúc đêm khuya, lấy lá chuối làm bảng, dùng que tre chấm mực tàu để học viết. Chính nhờ sự nỗ lực tự học phi thường, ông đã trở thành trạng nguyên trẻ tuổi nhất ở nước ta. Trong thời kỳ đất nước bị xâm lược, rất nhiều những vị lãnh tụ của ta phải bôn ba nơi xứ người để học hỏi rồi mới quay về giúp đỡ nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Họ có thể không được hướng dẫn trực tiếp bởi những người thầy vĩ đại, nhưng tinh thần tự học đã giúp họ tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, từ sách báo, từ thực tế cuộc sống, từ đồng nghiệp, bạn bè. Cuối cùng, họ đã đem những tri thức ấy ứng dụng vào sự nghiệp cách mạng, trở thành những nhà lãnh đạo tài ba của dân tộc. Ngày nay, có rất nhiều học sinh, sinh viên cũng biết coi trọng việc tự học. Họ không chỉ lắng nghe lời giảng của thầy cô mà còn tìm hiểu thêm ở bạn bè, đọc thêm sách báo, tham khảo tài liệu, nghiên cứu tài liệu. Nhờ vậy, các bạn sẽ hiểu bài vở một cách sâu sắc hơn, vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương tốt, vẫn còn rất nhiều bạn lười biếng, chưa tích lũy đủ kiến thức cơ bản. Các bạn ấy thường có thói quen học vẹt, học tủ, học đối phó, chép phao, chép bài bạn trong giờ kiểm tra. Những lối học sai lầm này sẽ khiến chúng ta vừa hổng kiến thức, vừa thiếu đạo đức. Vì vậy, mỗi học sinh cần xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn, xây dựng kế hoạch học tập cụ thể, phù hợp với khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, cần chủ động đọc sách, nghiên cứu tài liệu tham khảo, tìm kiếm sự trợ giúp từ thầy cô, bạn bè khi gặp khó khăn. Đặc biệt, chúng ta không nên ngại ngần khi gặp phải vấn đề khó giải quyết, vì càng gặp khó khăn, càng cố gắng tìm tòi, ta mới có thể nâng cao được trình độ học vấn của bản thân.
Chắc hẳn, ai cũng muốn mình trở thành một con người giỏi giang, tài hoa. Muốn thực hiện được ước mơ ấy, chúng ta phải không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân. Hãy biến quá trình học tập thành một cuộc hành trình chinh phục tri thức đầy say mê, hứng thú chứ đừng biến nó trở thành gánh nặng với những giờ "học vẹt" căng thẳng, mệt mỏi.