Trả lời câu hỏi 1 trang 70
Nội dung câu hỏi:
Chỉ ra các thủ pháp nghệ thuật trào phúng được dùng trong bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến và Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương. Phân tích tác dụng khác nhau của các thủ pháp nghệ thuật trào phúng được dùng trong hai bài thơ này.
Phương pháp giải:
Đọc lại bài bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến và Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương để tìm và chỉ ra được thủ pháp nghệ thuật trào phúng được sử dụng trong bài. Đồng thời dựa vào những phân tích nội dung để chỉ ra được tác dụng của các thủ pháp nghệ thuật trào phúng.
Lời giải chi tiết:
Trong bài thơ Bạn đến chơi nhà, Nguyễn Khuyến đã sử dụng lối nói phóng đại để tạo ra tiếng cười tự trào hóm hỉnh, nhẹ nhàng vì tuy tác giả không có gì thết đãi bạn nhưng qua câu thơ cuối lại làm cho mọi người thấy tình cảm của tác giả với bạn khăng khít hơn bao giờ hết. Còn ở bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống, Hồ Xuân Hương đã sử dụng thủ pháp nói giễu, thể hiện qua các từ ngữ, hình ảnh như: ghé mắt trông ngang, kìa, cheo leo, đây, há bấy nhiêu,… Thủ pháp này đã giúp tác giả bộc lộ cá tính, bản lĩnh và khát vọng thay đổi thân phận, lập nên sự nghiệp lẫy lừng của mình.
Trả lời câu hỏi 2 trang 70
Nội dung câu hỏi:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
MẮNG HỌC TRÒ DỐT II
Hồ Xuân Hương
Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói
Muốn sống đem vôi quét trả đền.
(In trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập mười bốn, NXB Khoa học xã hội, 2000)
a. Qua bài thơ trên, tác giả đã châm biếm những ai?
b. Tác giả đã sử dụng những thủ pháp trào phúng nào để châm biếm? Tác dụng của những thủ pháp trào phúng đó là gì?
c. Nêu chủ đề của bài thơ. Chỉ ra những căn cứ giúp em xác định chủ đề.
d. Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả?
đ. Theo em, thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ là gì? Các thủ pháp trào phúng được sử dụng đã giúp tác giả thể hiện thông điệp này như thế nào?
Phương pháp giải:
Xác định từ khóa của các câu hỏi kết hợp cùng việc phân tích hình ảnh, chi tiết văn bản để có thể hoàn thiện những yêu cầu mà đề bài đưa ra.
Lời giải chi tiết:
a. Ngay từ tiêu đề bài thơ, tác giả đã nói rõ đối tượng châm biếm: những học trò dốt. Họ bị châm biếm vì đã dốt lại cìn hay khoe chữ không phải chỗ.
b. - Thủ pháp trào phúng: giễu nhại (qua các từ ngữ như: dắt díu, đòi, phường lòi tói).
- Tác dụng: tạo tiếng cười có ý nghĩa phê phán, đả kích những kẻ dốt lại hay khoe chữ.
c.- Chủ đề của bài thơ: phê phán những kẻ đã dốt lại còn hay khoe chữ.
- Căn cứ giúp xác định chủ đề: qua việc sử dụng các từ ngữ mang tính giễu nhại như: dắt díu, đòi, phường lòi tói và câu thơ cuối.
d. Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả: khinh bỉ và có phần tức giận vì thấy sự dốt nát và ngạo mạn của những kẻ mang danh học trò.
đ. Thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ: cần học hành chăm chỉ, tránh ngạo mạn, khoe khoang. Thủ pháp trào phúng giễu nhại đã giúp tác giả thể hiện thông điệp này một cách rõ nét qua các từ ngữ như: dắt díu, đòi, phường lòi tói,…
Trả lời câu hỏi 3 trang 71
Nội dung câu hỏi:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
VỊNH KHOA THI HƯƠNG
Trần Tế Xương
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
(In trong Trần Tế Xương – Tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục, 2009)
a. Khung cảnh khoa thi Hương được gợi tả bằng những từ ngữ, biện pháp tu từ nào trong sáu câu thơ đầu?
b. Phân tích những thủ pháp trào phúng được sử dụng trong hai cặp câu 3-4, 5-6 và nêu tác dụng của chúng.
c. Tác giả đã bộc lộ tình cảm, cảm xúc gì qua hai câu thơ cuối?
d. Nêu chủ đề của bài thơ. Căn cứ vào đâu mà em xác định được chủ đề ấy?
đ. Thông qua bài thơ này, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
e. Khoa thi Hương năm Đinh Dậu được miêu tả với cảm hứng chủ đạo nào?
Phương pháp giải:
Xác định từ khóa của các câu hỏi kết hợp cùng việc phân tích hình ảnh, chi tiết văn bản để có thể hoàn thiện những yêu cầu mà đề bài đưa ra.
Lời giải chi tiết:
a. Khung cảnh khoa thi Hương được gợi tả trong sáu câu đầu:
- Câu 1 – 2: từ ngữ lẫn – lẫn lộn, báo hiệu một kì thi thiếu nghiêm túc, nhốn nháo.
- Câu 3 – 4:
+ Từ tượng hình gợi tả dáng vẻ luộm thuộm, nhếch nhác: lôi thôi; từ tượng thanh gọi tả sự ra oai, nạt nộ: ậm ọe.
+ Biện pháp tu từ: đối, đảo ngữ - nhấn mạnh sự xô bồ, nhếch nhác của trường thi: lôi thôi sĩ tử >< ậm ọe quan trường.
- Câu 5 – 6: biện pháp tu từ: đối – thể hiện thái độ mỉa mai, châm biếm, hạ nhục bọn quan lại, thực dân: lọng >< váy; trời >< đất; quan sứ >< mụ đầm.
b. Những thủ pháp trào phúng được sử dụng trong hai cặp câu 3 – 4 và 5 – 6:
- Thủ pháp nói giễu: những từ tượng hình (lôi thôi), từ tượng thanh (ậm ọe); hình ảnh mang tính phóng đại (lọng cắm rợp trời, váy lê quết đất).
- Thủ pháp đối với giọng điệu châm biếm: lôi thôi sĩ tử>< ậm ọe quan trường, lọng >< váy, trời >< đất.
→ Tác dụng: làm cho khung cảnh nhốn nháo, ô hợp của khoa thi Hương hiện lên một cách rõ nét, tạo nên sức mạnh đả kích quyết liệt, sâu cay; góp phần tạo nên tiếng cười trào phúng cho bài thơ; gián tiếp bộc lộ thái độ mỉa mai, phẫn uất của nhà thơ đối với chế độ thi cử đương thời.
c. Tình cảm, cảm xúc của tác giả được bộc lộ qua hai câu thơ cuối: đau đớn vì sự sa sút, nhốn nháo của nền thi cử Nho học; căm ghét bọn thực dân xâm lược thể hiện qua thái độ châm biếm, đả kích; ngậm ngùi, chua xót khi nhận thức được tình cảnh của đất nước (xã hội thực dân nửa phong kiến); kín đáo bộc lộ lòng yêu nước khi đưa ra lời kêu gọi, thức tỉnh lương tri của “nhân tài đất Bắc”. Căn cứ xác định chủ đề: lời kêu gọi Nhân tài đất Bắc nào ai đó, từ ngữ ngoảnh cổ mà trông, nước nhà.
d. Chủ đề của bài thơ: Thông qua bài thơ, tác giả vẽ nên bức tranh nhấn nháo, ô hợp của khoa thi Hương năm Đinh Dậu – một biểu hiện suy đồi của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu; đồng thời bộc lộ sự căm ghét đối với thực dân Pháp, xót xa trước tình cảnh nô lệ của đất nước, khát vọng thức tỉnh lương tâm và tinh thần dân tộc.
Căn cứ xác định chủ đề: Bức tranh khoa thì Hương năm Đinh Dậu thể hiện qua sáu câu thơ đầu và tâm trạng, thái độ của tác giả được bộc lộ trực tiếp qua hai câu thơ cuối.
đ. Thông qua bài thơ này, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp Người dân nói chung và “nhân tài đất Bắc” nói riêng cần nhận thức rõ tình cảnh của đất nước (đang chịu sự xâm lược của thực dân Pháp) và xã hội (nhốn nháo, ô hợp, suy đồi, khoa thi Hương chỉ là một minh chứng sống động về điều đó) để có thái độ ứng xử và hành động thích hợp.
e. Khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1897) được miêu tả với cảm hứng chủ đạo: vừa châm biếm, đả kích (thể hiện qua sáu câu thơ đầu) vừa đau đớn, xót xa (thể hiện qua hai câu thơ cuối).
Bài 19. Địa hình với tác động của nội, ngoại lực
Chủ đề 1. Em với nhà trường
Bài 10. Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân
SBT Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống tập 2
Chủ đề 6. Tham gia hoạt động phát triển cộng đồng
Soạn văn siêu ngắn Lớp 8
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SBT Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Ngữ văn 8 - Cánh Diều
VBT Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 8
Tổng hợp Lí thuyết Ngữ văn 8
SGK Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Cánh Diều
SGK Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
SBT Ngữ văn 8 - Cánh Diều
Soạn văn chi tiết Lớp 8
Tác giả - Tác phẩm văn Lớp 8
Văn mẫu Lớp 8
Vở bài tập Ngữ văn Lớp 8