Bài tập 1
Trả lời câu hỏi bài tập 1 trang 5 – 7 SBT Lịch sử 10
Bài tập 1. Hãy xác định chỉ một ý trả lời đúng cho các câu hỏi từ 1 đến 13 dưới đây.
1. Lịch sử là “quá trình tương tác không ngừng giữa nhà sử học và sự thật lịch sử, là cuộc đối thoại không bao giờ dứt giữa hiện tại và quá khứ” (Ét-uốt Ha-lét Ca).
Em hiểu về quan điểm này thế nào?
A. Phản ánh lịch sử là gì.
B. Phản ánh mối quan hệ giữa nhà sử học và hiện thực lịch sử.
C. Phản ánh mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại.
D. Để nhận thức lịch sử cần có sự tương tác không ngừng giữa nhà sử học, giữa hiện tại với quá khứ.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 1 SGK Lịch sử 10 trang 7.
Lời giải chi tiết:
- Lịch sử là tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ gắn liền với con người và xã hội loài người. Do đó chủ thể của lịch sử là con người.
- Con người luôn muốn tìm hiểu lịch sử tuy nhiên nhận thức của mỗi người là khác nhau do đó con người chỉ có thể tìm hiểu, nhận thức và trình bày lịch sử theo những cách khác nhau.
- Do lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ và được con người ở thời đại sau nghiên cứu, tìm hiểu và phục dựng lại nên đó là sự giao thoa, tương tác giữa quá khứ và hiện đại.
=> Chọn D.
2. Hiện thực lịch sử là gì?
A. Là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ.
B. Là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ của loài người.
C. Là những gì đã xảy ra trong quá khứ mà con người nhận thức được.
D. Là khoa học tìm hiểu về quá khứ
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 1 SGK Lịch sử 10 trang 7.
Lời giải chi tiết:
- Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ
=> Chọn A.
3. Nhận thức lịch sử là gì?
A. Là những mô tả của con người về quá khứ đã qua.
B. Là những hiểu biết của con người về quá khứ, được tái hiện hoặc trình bày theo những cách khác nhau.
C. Là những công trình nghiên cứu lịch sử.
D. Là những lễ hội lịch sử - văn hóa được phục dựng
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 1 SGK Lịch sử 10 trang 7.
Lời giải chi tiết:
- Nhận thức lịch sử là những hiểu biết của con người về hiện thực lịch sử, được trình bày, tái hiện theo những cách khác nhau: kể chuyện, ghi chép,…
=> chọn B.
4. So với hiện thực lịch sử, nhận thức lịch sử có đặc điểm gì?
A. Nhận thức lịch sử luôn phản ánh đúng hiện thực lịch sử.
B. Nhận thức lịch sử không thể tái hiện đầy đủ hiện thực lịch sử.
C. Nhận thức lịch sử thường lạc hậu hơn hiện thực lịch sử.
D. Nhận thức lịch sử độc lập, khách quan với hiện thực lịch sử.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 1 SGK Lịch sử 10 trang 7.
Lời giải chi tiết:
- Do lịch sử là toàn bộ những gì đã xảy ra trong quá khứ.
- Những nhận thức của con người về các sự kiện, hiện tượng lịch sử đã diễn ra còn rất nhiều hạn chế cả về dung lượng và độ chính xác.
- Cùng 1 sự kiện, hiện thực lịch sử,…lại có nhiều cách hiểu khác nhau.
=> chọn B.
5. Ý nào dưới đây không phải là đối tượng nghiên cứu của Sử học?
A. Những hiện tượng tự nhiên đã xảy ra trong quá khứ.
B. Quá khứ của một cá nhân hoặc một nhóm, một cộng đồng người.
C. Quá khứ của một quốc gia hoặc của một khu vực trên thế giới.
D. Quá khứ của toàn thể nhân loại.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-a SGK Lịch sử 10 trang 9.
Lời giải chi tiết:
- Đối tượng của sử học:
+ Toàn bộ quá khứ của loài người.
+ Có thể là quá khứ của một cá nhân, một nhóm, cộng đồng người hay một quốc gia khu vực hoặc toàn thể nhân loại.
=> chọn A.
6. Ý nào dưới đây không thuộc chức năng của Sử học?
A. Khôi phục các sự kiện lịch sử diễn ra trong quá khứ.
B. Rút ra bản chất của các quá trình lịch sử, phát hiện quy luật vận động và phát triển của chúng.
C. Giáo dục tình yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.
D. Rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-a SGK Lịch sử 10 trang 10.
Lời giải chi tiết:
Chức năng của sử học là:
- Chức năng khoa học:
+ Khôi phục các sự kiện lịch sử diễn ra trong quá khứ
+ Rút ra bản chất của các quá trình lịch sử, phát hiện quy luật vận động và phát triển của chúng
- Chức năng xã hội:
+ Rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại.
+ Giáo dục tư tưởng tình cảm, đạo đức.
=> Chọn C.
7. Ý nào dưới đây không thuộc nhiệm vụ của Sử học?
A. Cung cấp tri thức về hiện thực lịch sử một cách khách quan, khoa học.
B. Truyền bá những giá trị, truyền thống tốt đẹp của lịch sử, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước…
C. Dự báo về tương lai của đất nước, nhân loại,…
D. Đề ra những chính sách phù hợp để phát triển đất nước.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-a SGK Lịch sử 10 trang 10.
Lời giải chi tiết:
- Nhiệm vụ của Sử học:
+ Cung cấp tri thức về hiện thực lịch sử một cách khách quan, khoa học.
+ Góp phần truyền bá những giá trị, truyền thống tốt đẹp của lịch sử, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước,…
+ Thông qua việc tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm,… Sử học góp phần dự báo về tương lai của đất nước, nhân loại,…
=> Chọn D.
8. Các viên quan chép sử trong câu chuyện Thôi Trữ giết vua sẵn sàng đón nhận cái chết để bảo vệ nguyên tắc nào khi phản ánh lịch sử?
A. Khách quan.
B. Trung thực.
C. Khách quan, trung thực.
D. Nhân văn, tiến bộ.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-b SGK Lịch sử 10 trang 11.
Lời giải chi tiết:
- Thôi Trữ giết vua là một hành động cướp ngôi trắng trợn đã được quan chép sử là Thái sử ghi chép lại. Thôi Trữ lo sợ việc làm xấu xa của ông ta bị lưu truyền đến đời sau nên đã ra lệnh cho sửa khác đi.
- Các viên quan chép sử không đồng ý và sẵn sàng đón nhận cái chết để đảm bảo rằng lịch sử diễn ra như thế nào thì phải ghi lại đúng như thế đó, phải tôn trọng sự thật lịch sử - đó là nguyên tắc trung thực.
- Sử sách được lưu truyền đến đời sau là cơ sở quan trọng để tái hiện lại lịch sử, chỉ cần thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của người đời sau, các quan chép sử làm như thế đã đảm bảo nguyên tắc khách quan của sử học.
=> chọn C.
9. Ý nào dưới đây không phản ánh đúng nguyên tắc cơ bản trong nghiên cứu lịch sử?
A. Khách quan.
B. Trung thực.
C. Nhân văn, tiến bộ.
D. Vì người lao động.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-b SGK Lịch sử 10 trang 11.
Lời giải chi tiết:
Các nguyên tắc cơ bản của lịch sử là: Khách quan, trung thực, nhân văn tiến bộ.
=> chọn D.
10. G. M. Cla-đen-ni-ớt – nhà sử học người Đức thế kỉ XVIII cho rằng: “Đòi hỏi người viết sử phải tự đặt mình vào vị thế của người không tôn giáo, không tổ quốc, không gia đình,… thì đó là một sai lầm lớn, vì họ đang đòi hỏi những điều không thể”. Quan điểm này nên được hiểu thế nào cho đúng?
A. Cần đảm bảo tính khách quan, trung thực tuyệt đối trong nghiên cứu lịch sử.
B. Tính khách quan, trung thực trong nghiên cứu lịch sử có ý nghĩa tương đối.
C. Đòi hỏi khách quan, trung thực trong nghiên cứu lịch sử là điều không thể.
D. Nhà sử học đều phải có gia đình, tổ quốc, tôn giáo của mình.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-b SGK Lịch sử 10 trang 11.
Lời giải chi tiết:
- Các nhà sử học khi nghiên cứu lịch sử chắc chắn không thể tránh khỏi sự chi phối từ các quan điểm tôn giáo, chính trị, bối cảnh lịch sử mà mình sinh sống.
- Thậm chí rất nhiều nhà nghiên cứu còn chịu sự chi phối từ các tổ chức chính trị, nhà nước.
- Do đó đòi hỏi sự trung thực, khách quan tuyệt đối trong nghiên cứu lịch sử là điều bất khả thi tuy nhiên phải khách quan, trung thực dựa trên những cơ sở, nguyên tắc đã được đề ra.
=> chọn B.
11. Một số phương pháp cơ bản trong nghiên cứu lịch sử là gì?
A. Phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic.
B. Phương pháp lịch đại và phương pháp đồng đại.
C. Phương pháp liên ngành và phương pháp lịch sử.
D. Gồm các phương pháp: lịch sử, lo-gich, lịch đại, đồng đại, liên ngành.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-c SGK Lịch sử 10 trang 12.
Lời giải chi tiết:
Các phương pháp cơ bản của Sử học là: phương pháp lịch sử, lô-gich, lịch đại và đồng đại, liên ngành.
=> chọn D.
12. Phân loại theo hình thức, sử liệu không bao gồm loại nào sau đây?
A. Sử liệu truyền miệng.
B. Sử liệu hiện vật.
C. Sử liệu chữ viết.
D. Sử liệu gốc.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-d SGK Lịch sử 10 trang 12.
Lời giải chi tiết:
- Căn cứ vào hình thức, có sử liệu hiện vật, sử liệu truyền miệng, sử liệu chữ viết, sử liệu hình ảnh, sử liệu đa phương tiện,…
=> chọn D.
13. Căn cứ vào tính chất, sử liệu bao gồm những loại nào?
A. Sử liệu trực tiếp, sử liệu gián tiếp.
B. Sử liệu đa phương tiện, sử liệu trực tiếp.
C. Sử liệu hiện vật, sử liệu gián tiếp.
D. Sử liệu trực tiếp, giáp tiếp, sử liệu chữ viết.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-d SGK Lịch sử 10 trang 12.
Lời giải chi tiết:
Căn cứ vào tính chất có sử liệu trực tiếp (sử liệu gốc, sử liệu sơ cấp) và sử liệu gián tiếp (sử liệu thứ cấp, sử liệu phái sinh).
=> chọn A.
Bài tập 2
Trả lời câu hỏi bài tập 2 trang 8 – 9 SBT Lịch sử 10
Bài tập 2. Ghép nối hình ảnh và ô chữ cho đúng.
2.1. Phân biệt hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử thông qua các hình ảnh dưới đây.
Phương pháp giải:
B1: Dựa vào nội dung mục 1 SGK Lịch sử 10 trang 7.
B2: Nắm rõ khái niệm hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử:
+ Hiện thực lịch sử: là những sự kiện, hiện tượng, nhân vật, đồ vật lịch sử,…đã xảy ra/diễn ra trong quá khứ.
+ Nhận thức lịch sử: là sản phẩm của quá trình tư duy, nhận thức của con người.
Lời giải chi tiết:
- Hiện thực lịch sử: hình 1, 4, 7.
- Nhận thức lịch sử: Hình 2, 3, 5, 6.
2.2. Phân biệt các nguồn sử liệu thông qua những hình ảnh dưới đây.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung mục 2-d SGK Lịch sử 10 trang 12.
Lời giải chi tiết:
a) Sử liệu chữ viết: Hình 10, 11, 12.
b) Sử liệu hiện vật: Hình 9, 10.
c) Sử liệu đa phương tiện: Hình 13.
d) Sử liệu gốc: Hình 8, 9, 11.
e) Sử liệu phái sinh: Hình 12.
Bài tập 3
Trả lời câu hỏi bài tập 3 trang 10 SBT Lịch sử 10
Bài tập 3. Đọc và xác định các dữ liệu lịch sử sau được hình thành thông qua sử dụng phương pháp nghiên cứu nào? Dựa vào cơ sở nào mà em xác định như vậy
Phương pháp giải:
B1: Dựa vào nội dung mục 2-c SGK Lịch sử 10 trang 12.
B2: Nắm rõ khái niệm của các phương pháp sử học.
Lời giải chi tiết:
- Tư liệu 1 sử dụng phương pháp lịch sử, do trình bày các sự kiện lịch sử theo lối biên niên (năm – nội dung lịch sử) theo trình tự thời gian của các sự kiện lịch sử đó.
- Tư liệu 2 sử dụng:
+ Phương pháp lịch sử: trình bày sự kiện lịch sử gắn liền với nhân vật lịch sử: Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán với chiến thắng Bạch Đằng.
+ Phương pháp lôgic: rút ra bài học, ý nghĩa của sự kiện chiến thắng Bạch Đằng: “…làm cho người phương Bắc không dám sang nữa”…
- Tư liệu 3: sử dụng phương pháp liên ngành: dựa vào những thành tựu nghiên cứu của khoa học âm nhạc để khắc họa di sản văn hóa đã xuất hiện trong quá khứ và tồn tại đến ngày nay – Nhạc cung đình Huế.
Bài tập 4
Trả lời câu hỏi bài tập 4 trang 10 SBT Lịch sử 10
Bài 4. Vận dụng các phương pháp nghiên cứu lịch sử như: phương pháp lịch sử, phương pháp logic… để khai thác thông tin sử liệu từ các hình 8, 9, 10, 11, 12, 13 được giới thiệu ở hoạt động 2.2 ở trên.
Phương pháp giải:
B1: Dựa vào nội dung mục 2-c SGK Lịch sử 10 trang 12.
B2: Nắm rõ khái niệm của các phương pháp sử học.
Lời giải chi tiết:
Khai thác hình 11:
- Phương pháp lịch sử:
+ Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và được công bố trước toàn dân vào ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
+ Bản tuyên ngôn này ra đời trong thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và nó đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Phương pháp Lôgic:
+ Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định những quyền lợi dân tộc cơ bản của Việt Nam.
+ Khẳng định thêm tính đúng đắn của con đường cách mạng vô sản mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam.
+ Chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng ta trong quá trình lãnh đạo, vận động quần chúng đấu tranh, chớp thời cơ thuận lợi ngàn năm có một để phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Bài tập 5
Trả lời câu hỏi bài tập 5 trang 10 SBT Lịch sử 10
Bài tập 5. Hãy phân tích chức năng, nhiệm vụ của Sử học thông qua ví dụ cụ thể.
Phương pháp giải:
B1: Lựa chọn 1 sự kiện lịch sử để phân tích
B2: Dựa vào nội dung mục 2-c SGK Lịch sử 10 trang 12. Nắm rõ chức năng và nhiệm vụ của sử học.
Lời giải chi tiết:
Phân tích chức năng, nhiệm vụ của Sử học thông qua sự kiện hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết (21/7/1954)
- Chức năng khoa học:
+ Khôi phục sự kiện hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (21/7/1954):
* Ngày 25/1/1954, tại Béc-lin, Hội nghị ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã thống nhất triệu tập hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
* Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta giành thắng lợi,buộc Pháp phải kí kết hiệp định Giơ-ne-vơ.
* Ngày 20/7/1954, các văn bản chính của Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết.
+ Ý nghĩa của Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương:
* Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng ba nước Đông Dương; là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để nhân dân ta ra sức đấu tranh, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc.
* Vì thế, việc Hiệp định quy định Quân đội Pháp buộc phải rút hết khỏi Việt Nam là một thắng lợi quan trọng, quyết định việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.
* Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược; giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà (…)
- Chức năng xã hội:
* Kết quả của cuộc kháng chiến chống Pháp có vai trò to lớn trong việc giáo dục tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc,..
- Nhiệm vụ: Khi nghiên cứu về Hiệp định Giơ-ne-vơ có những nhiệm vụ sau:
+ Làm rõ vai trò của các bên liên quan khi tham gia ký kết hiệp định.
+ Vai trò của chiến thắng Điện Biên Phủ với việc ký kết hiệp định.
+ Phân tích thái độ, hành động của các nước lớn trước, trong và sau khi hiệp định được ký kết đặc biệt là Hoa Kỳ để làm rõ những âm mưu, hành động chống phá của Mỹ trong những năm tiếp theo.
Bài tập 6
Trả lời câu hỏi bài tập 6 trang 10 SBT Lịch sử 11
Bài tập 6. Hãy đặt các câu hỏi để khai thác tư liệu sau (gợi ý: đặt câu hỏi theo kĩ thuật tư duy 5W1H trong học tập lịch sử).
Phương pháp giải:
Tìm hiểu và nắm rõ kỹ thuật 5W1H
Lời giải chi tiết:
-What: Đây là hiện vật gì? Hiện vật được làm từ chất liệu gì?
-Where: Hiện vật được tìm thấy ở đâu?
- When: Hiện vật được tạo ra khi nào? Được phát hiện ra khi nào?
- How: Hiện vật có giá trị ra sao?
Chủ đề 6. Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước 1858)
Chuyên đề 1: Hệ phương trình bậc nhất ba ẩn và ứng dụng
Chủ đề 6: Bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên
Unit 1: Feelings
Prô - mê - tê và loài người
Chuyên đề học tập Lịch sử - Kết nối tri thức Lớp 10
Đề thi, kiểm tra Lịch sử lớp 10
SBT Lịch sử - Cánh diều 10
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Lịch sử lớp 10
SBT Lịch sử 10 - Chân trời sáng tạo Lớp 10
SGK Lịch sử - Cánh Diều Lớp 10
SGK Lịch sử - Chân trời sáng tạo Lớp 10
SGK Lịch sử - Kết nối tri thức Lớp 10