Khởi động
Nói về một dòng sông mà em biết.
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết của mình để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
- Dòng sông mà em biết là: Sông Đuống, Sông Hồng, sông Mã, sông Tô Lịch, sông Cửu Long,...
- Sống Đuống rất hiền hòa. Mỗi sớm mai, mặt sông phẳng lặng như gương. Dòng sông giống như một chiếc khăn mềm mại. Thấp thoáng trong sương mù, từng đoàn thuyền đang từ từ rời bến. Hai bên bờ sông là những bãi ngô, rặng tre xanh tươi. Những con thuyền trôi trên sông lững lờ. Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng rực rỡ chiếu lấp lánh làm cho dòng sông rạng rỡ giống như người thiếu nữ đầy sức sống. Sông Đuống đẹp như một bức tranh.
Bài đọc
SÔNG HƯƠNG
Từ xưa, người Huế đã dành những lời thơ đẹp nhất, tình cảm sâu đậm nhất cho dòng sông quê Hương.
Người ta kể rằng, xưa kia, dòng nước ở đây thường thoảng lên một mùi hương dìu dịu bởi nguồn sông chảy qua một cánh rừng mọc dày một loại cỏ có tên là thạch xương bồ.
Sông Hương là một bức tranh phong cảnh khổ dài mà mỗi đoạn, mỗi khúc đều có vẻ đẹp riêng của nó. Bao trùm lên cả bức tranh là một màu xanh có nhiều sắc độ, đậm nhạt khác nhau: màu xanh da trời, màu xanh của nước biếc, màu xanh non của những bãi ngô, thảm cỏ,...
Cứ mỗi mùa hè tới, hoa phượng vĩ nở đỏ rực hai bên bờ. Hương Giang bỗng thay chiếc áo xanh hằng ngày thành dải lụa đào ửng hồng cả phố phường.
Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng.
Sông Hương là một đặc ân của thiên nhiên dành cho Huế, làm cho không khí thành phố trở nên trong lành, làm tan biến những tiếng ồn ào của chợ búa, tạo cho thành phố một vẻ đẹp êm đềm.
(Theo Cửu Thọ)
Từ ngữ:
- Huế: thành phố thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, từng là kinh độ của Việt Nam thời nhà Nguyễn.
- Thạch xương bồ: loài cỏ có hương thơm dìu dịu, dân gian thường dùng để chữa bệnh.
- Sông Hương (Hương Giang): tên con sông nổi tiếng ở Huế.
- Đặc ân: ơn đặc biệt.
Câu 1
Bài đọc đã giúp em hiểu điều gì về tên gọi của sông Hương?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn đầu bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Người ta kể rằng, xưa kia, dòng nước ở đây thường thoảng lên một mùi hương dìu dịu bởi nguồn sông chảy qua một cánh rừng mọc dày một loại cỏ có tên lò thạch xương bồ. Vì thế nên gọi dòng sông là sông Hương.
Câu 2
Tác giả muốn khẳng định điều gì khi nói sông Hương là một bức tranh khổ dài?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn thứ 3 để tìm câu trả lời cho phù hợp.
Lời giải chi tiết:
Tác giả muốn khẳng định vẻ đẹp như tranh của sông Hương, mỗi khúc, mỗi đoạn của dòng sông đều mang vẻ đẹp riêng.
Câu 3
Màu sắc của sông Hương thay đổi như thế nào? Vì sao có sự thay đổi như vậy?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn 4 của bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Màu sắc của sống hương thay đổi là:
- Màu xanh có nhiều sắc độ, đậm nhạt khác nhau: màu xanh da trời, màu xanh của nước biếc, màu xanh non của những bãi ngô, thảm cỏ,...
- Cứ mỗi mùa hè tới, hoa phượng vĩ nở đỏ rực hai bên bờ. Hương Giang bỗng thay chiếc áo xanh hằng ngày thành dải lụa đào ửng hồng cả phố phường.
- Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng.
Màu sắc của sông Hương thay đổi theo mùa, theo thời gian và cảnh sắc của cảnh vật hai bên bờ sông.
Câu 4
Vì sao nói “sông Hương là một đặc ân của thiên nhiên dành cho Huế”?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn cuối bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Vì sông Hương làm cho không khí thành phố trở nên trong lành, làm tan biến những tiếng ồn ào của chợ búa, tạo cho thành phố một vẻ đẹp êm đềm.
Câu 5
Em thích nhất hình ảnh so sánh nào trong bài? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em lựa chọn hình ảnh so sánh mà mình yêu thích và nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải chi tiết:
Em thích hình ảnh: "Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng."
Vì hình ảnh gợi lên một vẻ đẹp lung linh, lại thanh tịnh và yên bình của dòng sông.
Nội dung
Vẻ đẹp của bức tranh phong cảnh sông Hương ở cái nhìn bao quát và từng thời điểm khác nhau (ban ngày, ban đêm, mùa hè và các mùa trong năm). Bài đọc thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, sự gắn bó của tác giả với song Hương ở những thời điểm khác nhau. |
Toán lớp 3 tập 1 - Chân trời sáng tạo
Học kì 1
Chủ đề: Mái trường em yêu
Unit 5: Sports & Hobbies
Đề kiểm tra học kì 2
Cùng em học Tiếng Việt Lớp 3
VBT Tiếng Việt - Cánh diều Lớp 3
Đề thi, đề kiểm tra Tiếng Việt 3
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Tiếng Việt lớp 3
Tiếng Việt - Cánh diều Lớp 3
Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 3
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 3
Văn mẫu Lớp 3
VBT Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 3
VBT Tiếng Việt - Kết nối tri thức Lớp 3