Dàn ý
Dàn ý
1. Mở bài
Nêu vấn đề nghị luận: thói ăn chơi đua đòi.
2. Thân bài
a. Giải thích
– Thói ăn chơi đua đòi là việc sống xa hoa, tiêu xài những thứ vượt quá hoàn cảnh của bản thân.
b. Biểu hiện
– Mua sắm phung phí, ăn mặc quần áo ngắn cũn cỡn.
– Chơi bời không lo học hành.
– Thấy người khác có gì thì mình phải có bằng được.
– Đua đòi những thứ mà ba mẹ không có.
– Học đòi hàng hiệu, xe xịn.
– Tập tành trang điểm, son phấn.
c. Tác hại
– Khiến mọi người xa lánh, hắt hủi.
– Lãng phí thời gian, tiền của.
– Ảnh hưởng tới việc học cũng như cuộc sống hàng ngày.
– Mất cân bằng xã hội.
d. Biện pháp
– Bản thân cần hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình mình và biết cách sống cho hợp tình hợp lí.
– Gia đình và xã hội cũng nên quan tâm nhiều hơn đến giới trẻ.
3. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề nghị luận.
– Nhận xét của bản thân.
Bài mẫu
Bài mẫu
Ăn chơi đua đòi là một hiện tượng ta thường bắt gặp trong cuộc sống; nó đã và đang diễn ra quanh ta, nhất là trong lớp trẻ. Nó đã trở thành “thói” rất đáng chê trách.
“Thói” là lối, cách sống hay hoạt động thường không tốt, được lặp lại lâu ngày thành quen. Ta thường nói: “Thói hư, tật xấu; dở thói du côn đầu bò; mãi mới bỏ được thói hút xách nghiện ngập; thói ăn chơi đua đòi. Tục ngữ có câu: “ Đất có nghề, quê có thói”, hoặc “ Thói đời trâu buộc ghét trâu ăn”…
Thói ăn chơi đua đòi là cách sống của một số người bắc chước nhau, đua đòi nhau về cách sống, cách xài sang, thích chưng diện, chạy theo “mốt”. Có kẻ thì khoe sang, khoe giàu, ăn tiêu như phá. Xe máy, xe ô tô thích dùng loại “xịn”. Từ bộ váy, bộ vét đến đôi giày, đồng hồ, túi xách…phải là hàng Nhật, hàng Ý, hàng Mĩ,… mua bằng đô-la trong các siêu thị mới oách!
Ăn thì đặc sản, uống thì rượu Tây, mỗi cuộc nhậu phải chi vài “vé”. Chơi thì quán nhảy, vũ trường, karaokê thâu đêm suốt sáng, dập dìu gái đẹp trước sau. Họ vênh váo, vênh vang lắm!
Hiện tượng “ mắt xanh môi đỏ”, nhuộm tóc vàng, móng chân móng tay nhuộm đỏ, trai đeo khuyên tai… ta thường thấy ở một số học sinh hư.
Là quý tử, tiểu thư, con ông này bà nọ, chức trọng quyền cao, vàng bạc đầy két,… đua đòi ăn chơi là có nhẽ. Ta thường nghe họ nói: “ Chết cũng không mang được của nả sang thế giới bên kia! Có tiền thì ăn chơi mua sắm cho sướng!”. Nghe họ nói và buồn cười.
Có một số kẻ, tiền bạc chẳng có nhiều thế mà cũng ăn chơi đua đòi, lười lao động, trốn học bỏ học. Có kẻ vì ăn chơi đua đòi mà sa ngã như những kẻ trộm cắp, hút chích, cờ bạc, mại dâm, v.v… Có nhiều gia đình con cái ăn chơi đua đòi rồi trộm cắp, tù tội… mà bố mẹ mang tiếng xấu xa ê chề!
Nhân dân ta vốn cần cù, giản dị, tiết kiệm trong làm ăn, sinh sống. Thói ăn chơi đua đòi là một hiện tượng tiêu cực, trái hẳn với nếp sống và đạo lí của nhân dân.
Học được một điều hay, rèn được một đức tính tốt thì rất khó, nhưng đua đòi ăn chơi sẽ bị sa ngã. Câu tục ngữ: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” và lời nhắc nhở của ông bà, cha mẹ: “Chọn bạn mà chơi” là bài học rất bổ ích để mỗi chúng ta tu dưỡng đạo đức, tính tình.
Ăn chơi đua đòi là một thói xấu. Ăn ngon mặc đẹp ai cũng muốn, nhưng phải hợp lí, hợp thời, hợp cảnh. Xung quanh ta có biết bao tấm gương sáng và đẹp về con người mới. Hình ảnh những học sinh giỏi ở trường ta, quê hương ta là những tấm gương để ta noi theo.
CHƯƠNG III. HỆ PHƯƠNG TRÌNH BẬC NHẤT HAI ẨN
Đề thi vào 10 môn Anh Lâm Đồng
CHƯƠNG II. NHIỄM SẮC THỂ
Văn biểu cảm
CHƯƠNG I. ĐIỆN HỌC