Gương là một vật dụng, một đồ dùng mà hầu như gia đình nào cũng có, người con gái nào cũng có. Soi gương để điểm trang, để tự ngắm nghía, tự kiểm tra mặt mũi của bản thân hàng ngày. Soi gương trước lúc đi học, đi làm là một thói quen đẹp. một nếp sống đẹp.
Cô thôn nữ soi gương xuống mặt giếng khơi. Chàng trai thợ mộc Thanh Hoa, mài lưỡi rìu, lưỡi bào... để ngắm vuốt. Các tráng sĩ thời xưa vừa mài gươm dưới bóng trăng, vừa ngắm hàm râu én, mày ngài... Ngày nay, trong các siêu thị có bày bán đủ loại gương soi đủ dáng hình kích cỡ... thật đẹp, làm hài lòng các “nữ thượng đế”.
Nói đến gương, ta nghĩ ngay đến nghĩa bóng, đó là tấm gương tinh thần, tấm gương cuộc đời. Cha mẹ sống cần kiệm, hiền lành... làm gương cho con cái. Anh chị hiếu thảo, chăm học, chăm làm... làm gương cho các em. Thầy, cô giáo dạy giỏi, chăm sóc thương yêu học trò, nêu cao gương sáng trong nhà trường. Những tấm gương của các anh hùng liệt sĩ sáng mãi ngàn thu: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù tì nào cũng đánh thắng!”. Cán bộ phải “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư", phải là “công bộc của dân”. Việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay là để cán bộ, đảng viên, thanh niên... trở thành những tấm gương sáng trong xã hội.
Đã có gương sáng tất có gương mờ. Có không ít huynh trưởng hoen ố tâm hồn. Có không ít đảng viên, cán bộ tha hóa về đạo đức, tham ô, đục khoét... trương ra bộ mặt hoen ố, nhân cách méo mó. Đó là những gương xấu, để lại tiếng dơ, bị nhân dân khinh bỉ.
Gương mắt là điều nên biết. Mắt là cửa sổ tâm hồn. Mắt là tấm gương để nhìn nhận, phân biệt trắng/đen; tròn/méo; tốt/xấu; nhân nghĩa/bất nhân bất nghĩa; trung thành/ phản trác; cần cù/lười nhác; thật thà/gian dối...
Nhà thơ mù đất Đồng Nai - Nguyễn Đình Chiểu - trong thế kỉ XIX có nhiều câu thơ nói về mắt, về đạo (làm người), và gương mắt, ai được đọc qua một lần là nhớ mãi:
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng dạo xin tròn một tấm gương.
Sau trời thúc quý tan mây,
Sông trong biển lặng mắt thầy sáng ra.
Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng,
Bốn biển âu ca hiệp một nhà.
(Ngư tiểu y thuật vấn đáp)
Tố Hữu dùng hình ảnh “gương vỡ lại lành” và “Cây khô đâm cành nở hoa" để nói về sự hồi sinh, phục hưng:
Đời ta gương vỡ lại lành,
Cây khô cây lại đâm cành nở hoa.
(30 năm đời ta có Đảng)
Ai cũng có đôi mắt để nhìn, để quan sát, phải biết nhìn cho tinh tường mọi sự vật, đừng có “nhìn gà hóa cáo!”. Biết sống đẹp, nghĩa là biết noi gương và nêu gương (gương sáng).
Bài 29. Thực hành: Vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp
Tải 10 đề kiểm tra 15 phút - Chương 2 - Hoá học 12
CHƯƠNG VI. LƯỢNG TỬ ÁNH SÁNG
Bài 24. Vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp
CHƯƠNG VIII. SƠ LƯỢC VỀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI HẸP