Đề bài
Câu 1. Quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á không bị biến thành thuộc địa của các nước đế quốc Âu- Mĩ trước chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945)?
A. Xingapo B. Malaysia
C. Thái Lan D. Inđônêxia
Câu 2. “Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực” là mục tiêu hoạt động của tổ chức nào?
A. Liên hợp quốc B. SEATO
C. ASEAN D. APEC
Câu 3. Từ cuối những năm 70 của thế kỉ XX, nhóm các nước sáng lập ASEAN đã chuyển sang thực hiện chiến lược kinh tế nào?
A. Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu.
B. Công nghiệp hóa, thúc đẩy kinh tế thị trường.
C. Công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu.
D. Công nghiệp hóa gắn liền với nhập khẩu.
Câu 4. Ba quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á giành được độc lập đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945)?
A. Indonexia, Việt Nam, Lào
B. Indonexia, Việt Nam, Malaysia
C. Indonexia, Việt Nam, Campuchia
D. Việt Nam, Lào, Philippin
Câu 5. Nhân tố nào giúp cải thiện tình hình chính trị khu vực Đông Nam Á, dẫn đến sự mở rộng thành viên của ASEAN?
A. Vấn đề Campuchia được giải quyết
B. Mĩ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam
C. Khối SEATO tan rã
D. Xu thế toàn cầu hóa
Câu 6. Nhân dân một số nước Đông Nam Á đã tranh thủ yếu tố thuận lợi nào trong năm 1945 để nổi dậy giành độc lập?
A. Quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật Bản
B. Phát xít Đức đầu hàng lực lương Đồng minh
C. Quân phiệt Nhật Bản đầu hàng Đồng minh
D. Liên Xô đánh thắng quân phiệt Nhật Bản
Câu 7. Yếu tố nào dẫn đến sự phân hóa về đường lối đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX?
A. Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh
B. Sự khác biệt về trình độ phát triển
C. Sự khác biệt về hệ tư tưởng
D. Ảnh hưởng của cách mạng khoa học kĩ thuật, xu thế toàn cầu hóa
Câu 8. Nhân tố nào sau đây không tác động tới sự thành lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)?
A. Nhu cầu hợp tác cùng phát triển giữa các nước
B. Hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn vào khu vực
C. Xu thế liên kết khu vực
D. Tác động của cuộc khủng hoảng dầu mỏ
Câu 9. Biến đổi quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) là
A. Từ chỗ là thuộc địa của thực dân Âu- Mĩ, hầu hết các nước đã giành lại được độc lập
B. Từ chỗ hầu hết là thuộc địa của thực dân Âu- Mĩ, các nước đã giành lại được độc lập
C. Từ chỗ là những nền kinh tế kém phát triển đã vươn lên đạt nhiều thành tựu rực rỡ
D. Tất cả các nước trong khu vực đã tham gia tổ chức ASEAN
Câu 10. Nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn tới sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là
A. Yêu cầu hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn vào khu vực
B. Nhu cầu hợp tác cùng phát triển
C. Ảnh hưởng của xu thế liên kết khu vực
D. Yêu cầu ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản vào khu vực
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
C | C | C | A | A | C | A | D | B | B |
Câu 1.
Phương pháp: sgk trang 21.
Cách giải:
Trước chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), trừ Thái Lan, còn lại các nước trong khu vực Đông Nam Á đều bị biến thành thuộc địa của các nước đế quốc Âu- Mĩ.
Chọn: C
Câu 2.
Phương pháp: sgk trang 23.
Cách giải:
Trong tuyên bố Băng Cốc năm 1967 đã xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực
Chọn: C
Câu 3.
Phương pháp: sgk trang 24.
Cách giải:
Từ cuối những năm 70 của thế kỉ XX, nhóm các nước sáng lập ASEAN đã chuyển sang thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu – thúc đẩy xuất khẩu mạnh hàng hóa, gắn thị trường trong nước với bên ngoài. Chính vì thế, kinh tế các nước này đã có sự phát triển mạnh mẽ.
Chọn: C
Câu 4.
Phương pháp: sgk trang 21.
Cách giải:
Chớp thời cơ Nhật đầu hàng Đồng minh, nhân dân Đông Nam Á đã nổi dậy giành chính quyền. 3 quốc gia đầu tiên tuyên bố giành được độc lập là Indonexia (8-1945), Việt Nam (9-1945) và Lào (10-1945).
Chọn: A
Câu 5.
Phương pháp: sgk trang 24, suy luận.
Cách giải:
Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là khi vấn đề Campuchia được giải quyết bằng việc kí kết hiệp định Pari (10-1991), tình hình chính trị khu vực được cải thiện rõ rệt. Xu hướng nổi bật đầu tiên là sự mở rộng thành viên của tổ chức ASEAN
Chọn: A
Câu 6.
Phương pháp: sgk trang 21, suy luận.
Cách giải:
Tận dụng thời cơ Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, vào giữa tháng 8-1945, nhân dân Đông Nam Á đứng lên đấu tranh, nhiều nước đã giành được độc lập, hoặc đã giải phóng được phần lớn lãnh thổ.
Chọn: C
Câu 7.
Phương pháp: sgk trang 22, 23, suy luận.
Cách giải:
Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX các nước Đông Nam Á đã có sự phân hóa về đường lối đối ngoại:
- Việt Nam, Lào, Campuchia kháng chiến chống Mĩ xâm lược
- Thái Lan, Philippin tham gia vào khối SEATO, giúp Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam
- Indonexia, Miến Điện thị hành chính sách hòa bình, trung lập, không tham gia vào các khối quân sự xâm lược của các nước đế quốc
=> Chiến tranh lạnh là nhân tố tác động đến sự phân hóa chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX.
Chọn: A
Câu 8.
Phương pháp: sgk trang 23, loại trừ.
Cách giải:
- Sau khi giành được độc lập và đứng trước cầu phát triển của đất nước, nhiều nước Đông Nam Á chủ trương thành lập một liên minh để hợp tác cùng phát triển
- Đồng thời, các nước Đông Nam Á cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn vào khu vực, nhất là khi Mĩ đang sa lầy ở cuộc chiến tranh Đông Dương
- Sự phát triển của xu thế liên kết khu vực, nhất là sự ra đời và thành công của khối thị trường chung EEC đã cổ vũ các nước Đông Nam Á liên kết lại với nhau
Chọn: D
Câu 9.
Phương pháp: Phân tích, đánh giá.
Cách giải:
Biến đổi quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) là từ chỗ hầu hết là thuộc địa của thực dân Âu - Mĩ sau chiến tranh các nước này đã giành lại được nền độc lập. Vì độc lập là điều kiện tiên quyết để có những biến đổi tiếp theo.
Chọn: B
Câu 10.
Phương pháp: Phân tích, đánh giá.
Cách giải:
Sau khi giành được độc lập, bước vào thời kì xây dựng kinh tế trong bối cảnh đầy khó khăn, các nước Đông Nam Á muốn hợp tác, liên kết với nhau để cùng phát triển. Đây là yếu tố quyết định dẫn tới sự ra đời của ASEAN. Còn các yếu tố nêu trên chỉ là nhân tố khách quan tác động.
Chọn: B
Bài 5: Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới
CHƯƠNG 4. HIDROCACBON. NHIÊN LIỆU
Bài 25. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ
Bài 14: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân
Bài 19. Thực hành: Đọc bản đồ, phân tích và đánh giá ảnh hưởng của tài nguyên khoáng sản đối với phát triển công nghiệp ở Trung du và miền núi Bắc Bộ