Đề bài
I. Đọc hiểu (3 điểm) (ID: 419269)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Theo SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, trang 156).
Câu 1: Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Cho biết tên tác giả? (0.5 điểm)
Câu 2: Trong đoạn thơ, tìm từ ngữ thể hiện cảm xúc của nhà thơ khi đột ngột gặp lại vầng trăng (0.5 điểm)
Câu 3: Chỉ ra và nêu ý nghĩa của biện pháp nhân hóa được thể hiện trong hai câu thơ cuối (1 điểm)
Câu 4: Đoạn thơ gợi nhắc cho người đọc thái độ sống đúng đắn như thế nào? Tìm câu tục ngữ có ý nghĩa diễn đạt phù hợp với thái độ sống đó (1 điểm)
II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ ý nghĩa của đoạn thơ trong phần Đọc – hiểu, em hãy viết một đoạn văn nghị luận xã hội (Khoảng 10-15 dòng), trình bày suy nghĩ về lòng khoan dung của con người trong cuộc sống.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (Ngữ Văn 9, tập 2, NXB Giáo dục).
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1
Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Cho biết tên tác giả? |
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
- Đoạn thơ trích trong tác phẩm: Ánh trăng
- Tác giả: Nguyễn Duy
Câu 2
Trong đoạn thơ, tìm từ ngữ thể hiện cảm xúc của nhà thơ khi đột ngột gặp lại vầng trăng |
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Từ ngữ thể hiện cảm xúc của nhà thơ khi đột ngột gặp lại vầng trăng: rưng rưng.
Câu 3
Chỉ ra và nêu ý nghĩa của biện pháp nhân hóa được thể hiện trong hai câu thơ cuối |
Phương pháp: căn cứ bài Nhân hóa
Cách giải:
- Biện pháp nhân hóa: im phăng phắc
- Tác dụng: cái lặng im “phăng phắc” của ánh trăng vừa bao dung, độ lượng vừa vô cùng nghiêm khắc. Nó như một lời cảnh báo giúp con người ăn năn, thức tỉnh.
Câu 4
Đoạn thơ gợi nhắc cho người đọc thái độ sống đúng đắn như thế nào? Tìm câu tục ngữ có ý nghĩa diễn đạt phù hợp với thái độ sống đó |
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
- Đoạn thơ gợi nhắc cho người đọc thái độ sống phải trân trọng, biết ơn quá khứ thủy chung, tình nghĩa.
- Câu tục ngữ phù hợp: Uống nước nhớ nguồn
Phần II
Câu 1
Từ ý nghĩa của đoạn thơ trong phần Đọc – hiểu, em hãy viết một đoạn văn nghị luận xã hội (Khoảng 10-15 dòng), trình bày suy nghĩ về lòng khoan dung của con người trong cuộc sống. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: lòng khoan dung trong cuộc sống
2. Giải thích vấn đề:
- Khoan dung là rộng lượng tha thứ cho người có lỗi lầm.
- Người khoan dung rộng lượng, biết chia sẻ, thông cảm với khó khăn của người khác, biết tha thứ lỗi lầm cho người xúc phạm đến mình nhưng có lòng hối cải.
3. Bàn luận vấn đề
- Vì sao cần phải có lòng khoan dung trong cuộc sống?
+ Trong cuộc sống, không ai là không mắc những sai lầm, vấp ngã. Chính vì vậy, con người cần biết tha thứ.
+ Lòng khoan dung là biểu hiện của sự đồng cảm, chia sẻ và đón nhận nên lòng khoan dung giúp con người sống với nhau nghĩa tình hơn, cũng là cách tạo động lực, niềm tin cho người có lỗi lầm có thể sửa chữa, phấn đấu vươn tới sự tốt đẹp.
+ Lòng khoan dung sẽ giúp xã hội phát triển văn minh.
- Biểu hiện của người có lòng khoan dung trong cuộc sống:
+ Trong mọi hoàn cảnh luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm cho mọi người.
+ Luôn đồng cảm, sẻ chia với người khác về những khó khăn trong cuộc sống.
+ Sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có thể.
- Làm thế nào để có thể sống khoan dung?
+ Trước mọi vấn đề cần suy xét thấu đáo, nhiều chiều.
+ Chủ động bồi đắp tình yêu thương con người, đồng loại, vạn vật.
…
- Phê phán những kẻ sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, không biết thông cảm và thấu hiểu cho những người xung quanh.
3. Liên hệ bản thân và tổng kết.
Câu 2
Phân tích nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (Ngữ Văn 9, tập 2, NXB Giáo dục). |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Nguyễn Thành Long quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -1954) hoạt động văn nghệ ở liên khu V, sau 1954 ông tập kết ra Bắc, chuyên sáng tác.
- Ông là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 1960 -1970, chuyên viết truyện ngắn và ký. Đề tài hướng vào cuộc sống sinh hoạt, lao động đời thường.
- Phong cách văn xuôi nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ và ánh lên vẻ đẹp con người, mang ý nghĩa sâu sắc. Truyện của ông thường mang chất ký, chứa đựng vẻ đẹp thơ mộng trong trẻo.
- Ông viết nhiều, đã cho in hàng chục tập truyện ngắn và ký. Tác phẩm chính: Bát cơm cụ Hồ (1955), Gió bấc gió nồm (1956), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), Trong gió bão (1963), Những tiếng vỗ cánh (1967), Giữa trong xanh (1972) , Lý Sơn mùa tỏi (1980), Sáng mai nào, xế chiều nào (1984)..
Tác phẩm:
- Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi thực tế tại Sa Pa mùa hè 1970 của tác giả.
- Được rút ra từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972.
- Nổi bật trong tác phẩm là chân dung anh thanh niên.
2. Phân tích, cảm nhận
a. Hoàn cảnh sống và làm việc
- Quê quán, nghề nghiệp: Đó là một chàng trai 27 tuổi, quê ở Lào Cai, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất và dựa vào công việc báo trước thời tiết hàng ngày để phục vụ sản xuất và chiến đấu.
- Hoàn cảnh sống: Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa.
=> Hoàn cảnh sống khắc nghiệt; công việc đòi hỏi sự nghị lực, tinh thần kỷ luật và tính chính xác cao.
b. Suy nghĩ đẹp
* Nghĩ về công việc:
- Vì công việc mà anh phải sống một mình trên núi cao nhưng anh vẫn gắn bó với công việc của mình bởi “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Anh yêu công việc tới mức trong khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2.600m của anh thì anh lại ước ao được làm việc ở độ cao trên 3.000m “như vậy mới gọi là lý tưởng”.
- Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao: hằng ngày lặp lại tới 4 lần các thao tác “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết” và khó khăn nhất là lúc 1 giờ sáng “nửa đêm thức dậy xách đèn ra vườn, mưa tuyết, giá lạnh…” nhưng anh vẫn coi công việc là niềm vui “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”.
- Ý thức được giá trị công việc mà mình đang làm: dự vào việc báo trước thời tiết nên “việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”.
=> Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh.
* Nghĩ về cuộc sống:
- Tự mình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ra ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” những câu hỏi cho anh biết giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống.
- Suy nghĩ đúng đắn về giá trị của hạnh phúc: Hạnh phúc không phải là khi cuộc sống đầy đủ về vật chất mà là khi ta làm được những điều có ích. Một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta, bắn rơi được máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.
=> Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa.
c. Phong cách sống đẹp:
- Sống một mình nhưng căn nhà vẫn luôn ngăn nắp, gọn gàng “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách” .
- Anh tự tạo niềm vui trong cuộc sống:
+ Anh trồng hoa để cuộc sống có thêm màu sắc “Hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn tổ ong”.
+ Anh nuôi gà để cải thiện bữa ăn và để có thêm niềm vui.
+ Anh thường xuyên đọc sách. Vì sách chính là người bạn để anh “trò chuyện”. Nhờ có sách mà anh chống chọi được với sự vắng lặng quanh năm. Nhờ có sách mà anh tiếp tục học hành, mở mang kiến thức.
d. Đức tính đẹp:
- Anh cởi mở, chân thành với khách, rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát gặp gỡ, được trò chuyện.
+ Chặn khúc cây giữa đường để được nói chuyện với mọi người.
+ Trân trọng mọi người khách ghé thăm.
+ Dù mới gặp mà anh đã rất cởi mở với ông họa sĩ và cô kĩ sư.
+ Quý trọng từng phút giây được gặp gỡ, nói chuyện với mọi người.
- Dẫu phải sống một mình nhưng anh vẫn luôn quan tâm tới người khác:
+ Tự tay đào tam thất cho vợ bác lái xe vừa bị ốm.
+ Pha nước chè mời khách, thứ chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn.
+ Tặng cô gái tất cả hoa trong vườn, tặng bác họa sĩ một giỏ trứng đầy.
- Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh đã từ chối vì nghĩ mình không xứng đáng, rồi anh nhiệt tình giới thiệu với ông những người khác mà anh cho rằng đáng cảm phục hơn.
=> Đọc truyện, người đọc thấy vẻ đẹp thiên nhiên của Sa Pa hiện lên thật độc đáo, đầy chất thơ, nhưng truyện còn giới thiệu với chúng ta về vẻ đẹp của con người Sa Pa. Đó là những con người miệt mài làm việc, nghiên cứu khoa học, trong lặng lẽ mà rất khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người.
3. Tổng kết
- Giá trị nội dung
+ Truyện khắc họa thành công nhân vật anh thanh niên, có quan điểm sống tích cực, đẹp đẽ. Đây là đại diện tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam lặng lẽ cống hiến, xây dựng đất nước.
+ Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khắc họa thành công hình ảnh những conngười lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
- Giá trị nghệ thuật
+ Cốt truyện đơn giản, xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già,cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng.
+ Xây dựng nhân vật - chân dung nhân vật được đánh giá qua những cảm nhận trực tiếp, được khắc họa qua nhiều điểm nhìn và miêu tả tinh tế.
Đề kiểm tra 1 tiết - Chương 7 - Sinh 9
Đề kiểm tra 1 tiết - Chương 8 - Sinh 9
Bài 14: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân
Bài 20. Vùng đồng bằng sông Hồng
Đề thi vào 10 môn Văn Sơn La